Tăng cường trấn áp tội phạm tại các điểm du lịch

(PLO) - Lợi dụng sự sôi động của hoạt động du lịch, sơ hở của du khách và người dân, bọn tội phạm dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để trộm cắp tài sản. Thực trạng này đã gây tâm lý bất an cho du khách, làm xấu đi hình ảnh đẹp về du lịch của Việt Nam.  Hiện một số tỉnh, thành đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để trấn áp tội phạm, tạo môi trường thuận lợi cho ngành Du lịch phát triển.
Du khách nước ngoài bật khóc nức nở khi bị giật giỏ xách, mất hết toàn bộ giấy tờ.
Du khách nước ngoài bật khóc nức nở khi bị giật giỏ xách, mất hết toàn bộ giấy tờ.

Trà trộn với khách du lịch để trộm cắp

Khoảng cuối tháng 8/2017, Công an huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc nhận được tin báo, rạng sáng 20/8, tại khu Resort Belvedere kẻ gian đã đột nhập 3 phòng trộm cắp 4,4 triệu đồng, 1 đồng hồ đeo tay nhãn hiệu DW, 1 điện thoại di động iPhone 7 Plus và một số giấy tờ tùy thân của khách du lịch nghỉ tại khu resort… 

Chỉ trong tháng 8/2017, tại các bãi biển ở Đà Nẵng đã xảy ra khoảng 10 vụ trộm cắp tài sản của du khách.  Gần đây nhất, vào khoảng 6h sáng ngày 20/8, Đội quản lý trật tự du lịch biển đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Thanh Vũ (25 tuổi, trú Q Thủ Đức, TP HCM) đang có hành vi trộm cắp, móc cốp xe máy của khách tham quan. Đối tượng khai nhận đang thực hiện trộm ví tiền trong xe thì bị phát hiện.

 Trộm cắp của du khách vẫn thường xuyên diễn ra một số tỉnh, thành, theo thống kê của Công an và Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, từ tháng 9/2016 đến nay, tại các địa bàn du lịch của tỉnh đã xảy ra 84 vụ trộm cắp, tội phạm xâm phạm tài sản… với 61 đối tượng bị bắt giữ. Trước đó, chỉ trong cao điểm 2 tháng tấn công tội phạm Tết Đinh Dậu năm 2017, công an tỉnh phối hợp cùng các lực lượng điều tra khám phá 57 vụ với 67 đối tượng… 

Lợi dụng sự sơ hở của du khách nước ngoài và rào cản ngôn ngữ, đối tượng xấu đã móc túi, lấy đi tài sản lớn, đặc biệt là cả giấy tờ tùy thân khiến không ít du khách khổ sở, sợ hãi. Theo người dân chứng kiến cho biết, sự việc xảy ra lúc 15 giờ 30 sáng 11/3/2016. Hai du khách châu Âu gồm một nam, một nữ đang đi bộ trên đường Lương Hữu Khánh (TP Hồ Chí Minh) Bất ngờ, hai thanh niên điều khiển xe gắn máy chạy ngược chiều giật phăng giỏ xách của nữ du khách. Nữ du khách hốt hoảng và ngất xỉu, khi tỉnh dậy thì khóc nức nở vì toàn bộ giấy tờ, thẻ ngân hàng cùng tiền mặt bị mất.

Về nạn trộm, cướp tại một số điểm du lịch, Đại tá Nguyễn Văn Lý - Trưởng Công an TP Phan Thiết cho biết: “Thủ đoạn của bọn tội phạm rất tinh vi. Chúng thường giả dạng là khách du lịch, công nhân, người bán hàng… bấm chuông giả nhầm phòng hoặc trà trộn, đeo bám du khách, lợi dụng sự mất cảnh giác, sự sơ hở của du khách để trộm cắp tài sản. Chúng còn tổ chức theo băng, nhóm dàn cảnh có kịch bản để chiếm đoạt tài sản của du khách. Khi bị phát hiện, chúng sẵn sàng dùng vũ khí chống lại, sau đó tẩu thoát rất nhanh”.

Tăng cường trấn áp tội phạm

Liên tiếp trong thời gian gần đây đã xảy ra những vụ cướp giật khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã gây ảnh hưởng và làm xấu đi rất nhiều hình ảnh du lịch mảnh đất hình chữ S này. Thậm chí khi đến Việt Nam, người nước ngoài còn rỉ tai nhau, rằng du lịch ở phố cổ Hà Nội, nên tránh xa mấy người bán hàng rong, để không phải mua đồ giá “cắt cổ”, cũng như tránh bị móc túi. Cảnh giác hơn, thay vì đeo sau lưng, họ lại đeo balô... về phía trước ngực để khỏi phải bận tâm, sợ cướp giật đồ.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch từng bức xúc: “Thay vì đầu tư quảng bá xúc tiến du lịch tại các thị trường nước ngoài, theo tôi, chúng ta nên tập trung xúc tiến du lịch tại chỗ, tức là xem xét lại các vấn đề quản lý trật tự xã hội tại địa phương. Quả thật, thực trạng này đã gây tâm lý bất an cho du khách, làm xấu đi hình ảnh đẹp về du lịch của Việt Nam. 

Nhằm giảm tội phạm cướp giật, trộm cắp tài sản, nhất là tài sản của người nước ngoài, khách du lịch tại khu vực trung tâm thành phố, cách đây 3 năm, Công an quận 1 TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các Đội nghiệp vụ và Công an các phường tăng cường công tác tuần tra, trấn áp các đối tượng trộm cắp, cướp giật tài sản của du khách tại các điểm tham quan du lịch, trung tâm mua sắm... trên địa bàn quận. Công an quận 1 đã phát tờ rơi nhắc du khách cảnh giác với nạn cướp giật ở Sài Gòn và tổ chức tuyên truyền đến khách du lịch trong nước và người nước ngoài nhằm nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản.

Còn ở Đà Nẵng, cơ quan chức năng đã lắp đặt camera theo dõi ở các tuyến đường ven bãi tắm, nhắc nhở du khách tự bảo quản tư trang, hành lý; tiếp nhận thông tin phản ánh, công bố rộng rãi số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan chức năng; đồng thời khuyến cáo du khách khi đến bãi biển không nên để đồ đạc trên bờ để xuống tắm, mà nên gửi ở chỗ giữ đồ tại khu vực tắm nước ngọt. 

Tỉnh Bình Thuận cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phát huy tốt vai trò của lực lượng quân sự - công an - bộ đội biên phòng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng đối tượng, đúng pháp luật, xây dựng quy chế phối hợp với các tỉnh, thành phố bạn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Công an tỉnh về bảo đảm an ninh trật tự trong hoạt động du lịch, đồng thời phối hợp với các ngành đẩy nhanh thực hiện đề án phát triển du lịch bền vững đến năm 2020, tầm nhìn 2030, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch, đổi mới phương thức kinh doanh, hoạt động du lịch không để tội phạm lợi dụng.    

Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, sự cạnh tranh gay gắt về giá cả, dịch vụ, ưu đãi, khuyến mãi của các thị trường trong khu vực, việc tạo ra điểm đến an toàn cho du khách là việc làm cấp thiết để du lịch Việt Nam hấp dẫn du khách.