Thành 'tội đồ' vì 'cuồng' thần tượng

(PLO) - Sự bùng nổ mạnh mẽ của các hotboy, hotgirl trong nước cùng với làn sóng Halyu, truyền hình Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan... đã tạo nên “cơn sốt” hình ảnh người nổi tiếng trong lòng người hâm mộ. 
Thành 'tội đồ' vì 'cuồng'  thần tượng

Họ thậm chí coi thần tượng như một “tín ngưỡng” của bản thân. Từ đó, nảy ra ham muốn “độc chiếm” và “kiểm soát” thái quá mọi hành vi cũng như đời sống riêng tư của thần tượng.

Là người có lượng fan hâm mộ đông đảo bậc nhất trong showbiz Việt, Mỹ Tâm không ít lần vướng phải rắc rối vì chính sự “cả lo” của đám đông cuồng nhiệt. Không ít lần fan hâm mộ của “họa mi tóc nâu” đã gây ra những điều tiếng không hay khi so sánh thần tượng của mình với Hồ Quỳnh Hương, Hồ Ngọc Hà hay với những thần tượng mới nổi...

Không sai khi nói rằng thần tượng của K-pop là những người khổ nhất khi họ bị người hâm mộ kiểm soát cả đời sống riêng tư. Sự “kiểm soát” này thể hiện lên đến đỉnh điểm khi mới đây, ngày 1/4, trang săn tin tức hẹn hò nổi tiếng bậc nhất Hàn Quốc: Dispatch, tung tin xác nhận hẹn hò của hai thần tượng giải hàng đầu xứ kim chi là Kai (thuộc nhóm nhạc EXO) và Krystal (thuộc nhóm nhạc F(x)). Vô số bình luận ác ý, ghét bỏ, miệt thị cặp đôi này xuất hiện trên khắp các diễn đàn tại Hàn Quốc cũng như quốc tế, trong đó có các bạn trẻ tới từ Việt Nam.

Họ “kiểm soát” quá mức các hành vi của cặp đôi này từ việc làm gì, ăn uống ở đâu, gặp mặt ở đâu, mua hàng hóa gì,... họ vô tư chụp ảnh và tung những hình này lên internet và không có sự đồng ý của chủ nhân. Đời sống riêng tư đã không còn là của riêng họ.

Trên đây là những lý do cho thấy cha mẹ nên dạy con cách hâm mộ. Bởi do tâm lý lứa tuổi còn ở độ tuổi khá trẻ nên hầu hết khi con trẻ hâm mộ ai đó đều muốn thể hiện mình và muốn tạo nên sự khác biệt. Vì thế mà quá trình từ hâm mộ sẽ trở thành cuồng tín trải qua theo thời gian. Điều đáng lo ngại là những động cơ của các hành động này có nguyên tắc khá giống các chất gây nghiện.

Ban đầu, giới trẻ tìm kiếm bản thân, xây dựng hình ảnh của mình dựa trên hình mẫu của thần tượng, từ cách ăn mặc, lời nói cho đến cử chỉ, lối sống. Dần dần họ đánh mất bản thân để có thể đồng hóa với thần tượng và “độc chiếm” thần tượng là của riêng mình và sẽ có những hành vi ứng xử phi văn hóa, thậm chí là vi phạm pháp luật khi làm xâm phạm tính mạng, sức khỏe thần tượng.

Các nhà nghiên cứu gọi đây là hiện tượng tâm lý đám đông, có cơ chế lây lan và bắt chước. Từ đó, có thể thấy, dạy và kiểm soát sự hâm mộ của con cũng là điều cha mẹ nên lưu tâm.