“Thư viện” đặc biệt của cụ ông mê sách

(PLO) -Căn nhà cấp bốn của ông Trương Duy Nguy (SN 1943, ngụ TDP 7, Đồng Sơn, Đồng Hới, Quảng Bình) được nhiều người biết đến với tủ sách hơn 30 năm. Ông tâm sự, đọc sách là nếp sống thường nhật của ông từ trước đến nay.
“Thư viện” đặc biệt của cụ ông mê sách

Năm 1965, ông tốt nghiệp phổ thông, tham gia lao động ở địa phương. Hai năm sau, ông được Trường Trung cấp lái xe ở Hà Bắc gọi nhập học. Hơn một năm sau, tốt nghiệp, ông trở lại quê hương Quảng Bình.

Đây là lúc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ diễn ra vô cùng ác liệt. Ông được sung vào đoàn quân vận tải cơ giới của Ty Giao thông vận tải Quảng Bình. Những người lái xe thời đó đều được ví là những chiến sĩ cảm tử.

“Có lệnh là đi, có hàng là lên đường”, khẩu hiệu đó là mệnh lệnh trái tim của mỗi người. Biết bao gian nan, vất vả khi xe vượt qua những “cung đường tử”, gập ghềnh, nham nhở bao ổ gà, ổ trâu do bom đạn Mỹ băm vằm. “Pháo sáng đầy trời thì xe tạm dừng. Pháo sáng tàn thì mình lại cầm chặt vô lăng, phóng xe đi”, ông Nguy hồi ức.

Chiến tranh, xe cơ giới chỉ chạy trong đêm. Đến gần sáng phải tìm nơi ẩn nấp, ngụy trang, tránh sự dòm ngó của quân địch. Để giết thời gian và lấy lại sức khỏe để tối tiếp tục hành trình, lái xe thường ăn vài ba miếng lương khô kèm ruốc bông rồi ngủ. 

Ông Nguy kể: “Tôi cũng ngủ, nhưng không ngủ hết thời gian. Vậy là tôi tìm cái để đọc. Thỉnh thoảng gặp xe bưu điện đưa thư báo từ ngoài Hà Nội vào, tôi xin người áp tải hàng vớ luôn năm, bảy loại báo, tạp chí.

Đọc xong, xếp lại, bỏ trên ca bin, lúc khác đọc lại. Có chuyến ra Hà Nội, đi ngang qua mấy chỗ quầy sách cũ dã chiến, tôi dừng xe, mua luôn vào ba chục cuốn và vài chục tờ báo đưa lên xe. Nhờ tích lũy kiểu ấy mà trong xe tôi luôn có cái để đọc”.

“Đọc sách, báo lúc đó vừa cho mình hiểu biết thời sự và cuộc sống đa chiều đông tây, kim cổ, vừa giết thời gian đợi chờ để đến tối mà nổ máy, siết chặt vô lăng. Nếp đọc sách báo dày dặn, bền chặt trong tôi kể từ những ngày đó”, ông thổ lộ.

Đến nay, ông vẫn duy trì thói quen đọc sách như thời chiến. Trừ trường hợp đột xuất, ngày nào cũng vậy, sau khi ngủ trưa khoảng một tiếng, ông đều ngồi vào  bàn hay nằm võng đọc sách hoặc báo khoảng hơn một tiếng rồi làm tiếp công việc đang dang dở.

Mặc dù có đài, có ti vi, nhưng những trang sách vẫn có sức quyến rũ đối với ông Nguy. Đã mấy chục năm nay, ông thường xuyên đặt nhiều tờ báo và tạp chí. Mỗi loại đều được ông sắp xếp gọn gàng, thứ lớp. Đặc biệt, tờ “Xa lộ pháp luật” và “Pháp luật thời đại” được ông xếp riêng để người vợ, cũng là người “nghiện” báo này nhất, “xài” hàng ngày như ông.

Một tháng, ông dành một lần về hiệu sách ở trung tâm thành phố Đồng Hới mua sách. Tủ sách của ông được chia ngay ngắn thành ngăn “Tiểu thuyết nước ngoài” và “Sách trong nước” với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Ngoài ra còn có nhiều loại sách thuộc các chủ đề khác nhau.

Ông Nguy cười cho biết: “Một tháng, tôi đã “xài” hơn 300 ngàn đồng để đặt sách, báo. Cũng nhờ nó mà đầu óc mình được mở mang ra, linh hoạt lên. Điều quan trọng là lôi kéo được vợ và con mình đọc theo”.

Theo ông, đọc sách là một hoạt động thể dục của trí não. Cùng với đi bộ mỗi sáng 30 phút, đọc sách báo sau giấc ngủ trưa đã làm cơ thể ông như trẻ khỏe hơn.

Một niềm vui khác của ông là nhờ tích lũy sách báo mà nhiều bạn già trong địa phương thường lui tới nhà ông chơi đàm đạo văn chương và mượn sách báo về đọc. Trong số bạn già của ông, có người nguyên là giám đốc sở, có người nguyên là giáo viên trường THPT, cũng có người là kỹ sư, bác sĩ, một thời xông xáo khi đương chức.

Chia sẻ về cụ ông ham đọc sách, ông Nguyễn Văn Bình, tổ trưởng TDP 7 (phường Đồng Sơn) nói: “Ông Trương Duy Nguy là người cao tuổi trong tổ dân, không những phát biểu nhiều ý kiến hay trong các buổi sinh hoạt nhân dân hoặc đoàn thể mà còn là một “tay” thiết kế các biểu mẫu, logo, khẩu hiệu cho các hội nghị tại nhà văn hóa TDP rất đẹp, rất trang trọng. Có lẽ ông đã đọc được, biết được những điều ấy từ trong sách báo”.

Đọc thêm