Tô bún bò Huế giữa mùa đông Paris

(PLO) - Tháng hai này, tôi biết, Paris đang mùa đông. Sài Gòn đang mùa tết. Hai chị em có mái tóc đen ấy sau khi rời khỏi nhà hàng, trên đường cuốc bộ ra metro lại hỏi nhau, tết này làm gì.
Tháng này, Paris đang mùa đông, tôi biết, hai chị em đang ngồi co ro giữa hàng ghế mây đặt bên ngoài một quán cà phê ở ngã tư đường Oberkamf và Richard Lenoir, trong khu phố quận 11. Tách cà phê được đặt trên bàn đã lâu, nhưng bàn tay hai cô vẫn còn nhét sâu vào túi áo. Trên trần mái hiên, cái máy sưởi đang tỏa nhiệt nhưng những luồng không khí lạnh từ bên ngoài vào vẫn chưa bao giờ ngừng chuyển động. Mỗi đợt gió, người run lên bần bật. Hai chị em có khi ngồi im không nói gì, mắt cùng ngó qua cái chợ họp buổi sáng thứ sáu bên kia đường.
Chợ mùa đông có phần ủ rũ, dù vẫn có cái giọng đậm đặc như đang hô hào biểu tình của anh bán hàng người Ma Rốc: 1 euro 1 trái dưa leo. Người ta vẫn xếp một hàng dài chờ đến lượt mua trước gian hàng các món làm từ sữa và phô mai của ba chị em người Pháp xứ Normandie. Hàng cá tươi vẫn có người vây quanh như nêm.
Vậy mà chợ không lắm xôn xao, như những ngày của tháng 6, tháng 7, tháng 8. Những tháng ấy trời ấm nóng, ngập nắng. Mùa của trái dâu, trái đào, trái mơ. Không có ai réo gọi, người ta hân hoan xách làn đến chợ như đi hội. Cụ già tóc trắng như mây mùa hè tầm tuổi 70 nâng niu túi mơ chín vàng rực rỡ từ người bán hàng đưa lên mũi hít hà vài hơi, rồi mỉm cười, với tất cả ai đi ngang qua. Không như mùa đông xám lạnh, cụ uể oải kéo cái làn với cái lưng cong, mua xong một hai miếng phô mai rồi buông tiếng cảm ơn lơi lơi với người bán hàng giữa hư không.
Hai chị em có mái tóc đen ngó chợ chán, uống một ngụm cà phê đã nguội ngắt rồi ngước nhìn bầu trời toàn mây xám. Cô em nói muốn có tô bún bò thật cay để ăn cho đã. Cô chị bảo ừ thôi để chị dẫn em đi, mà đi đâu kia, ra quận 13 - khu phố người châu Á ở Paris. Nhà hàng của một người đàn ông gốc Huế nên có nồi bún bò giống ở Việt Nam nhất. Cái tô, không, chính xác nhất là cái tượng bún(*), đầy ắp nước và ú ụ bún với thịt, nhưng món rau sống ăn kèm thì phải tiết kiệm. Một nhúm nhỏ bắp chuối thái sợi, chị gắp cho em, khi em đang dè sẻn đũa rau muống bào qua cho chị. Vài ba chiếc lá quế, có khi lá nửa xanh nửa héo. Và lần nào cũng vậy, em đưa muỗng súp đầu tiên lên miệng thì mỉm cười, cảm thán, ôi nó ngon! Người ấm lên hẳn, như vừa lướt qua cái lò sưởi đang tí tách lửa. Em vẫn còn vui lắm sau đũa bún thứ hai, rồi tự nhiên lòng chùng xuống hẳn như lửa cháy đột ngột tắt ngấm. “Em nhớ cái quán bún bò chú Há trên đường Võ Văn Tần ở Sài Gòn quá chị ơi. Hay cái quán của cô người Huế trên đường Cống Quỳnh, mà ngày xưa nó còn nhỏ xíu nằm ở một góc đường Bùi Viện. Em ăn từ hồi mới lên Sài Gòn, từ hồi giá 15.000 đồng một tô, mỗi lần được mẹ dẫn ra đó thì mừng lắm”. Chị tặc lưỡi, bún bò ở Huế ngon nhất em ạ! Chị nói ngắn gọn vậy thôi, chứ thực ra một tỉ thứ của Huế đang lê thê trong trí nhớ. Chị nhớ Huế. Năm nào đó, chị đã một mình ngồi chuyến tàu đêm nối từ Sài Gòn đến Huế.
Tôi biết, sau đó cô em sẽ lại huyên thuyên về cái nhà hàng Hạt Gạo (Le grain de riz). Cái nhà hàng nhỏ xíu, nằm ngay góc đường Godefroy Cavaignac ở quận 11, Paris. Cửa màu gỗ cũ tự nhiên không dễ gây chú ý đến người đi đường. Một tối tan tầm, anh chồng người Pháp đang rảo bước về nhà thì chợt ngửi được cái mùi thân quen lắm. Cô em hỏi mùi ấy như thế nào, người chồng bảo không biết, không hẳn là mùi nước mắm, hay mùi phở, mà cái mùi gì đó giống như anh từng biết trên đường phố Sài Gòn. Anh dừng lại, đứng lặng một đôi phút ở đó để tìm ra được cái mùi quen ấy. Cửa nhà hàng đang đóng im ỉm, nhưng anh quả quyết đó là một nhà hàng Việt ngon, vội đánh dấu trong bản đồ của Google để hớn hở về nhà cho cô vợ hay. Nhưng rồi những ba, bốn lần đến sau đó, hai vợ chồng, với đứa con gái nhỏ, chưa bao giờ thấy nhà hàng mở cửa, dù có bảng thông báo ngay phía trước hiên bảo sẽ đón khách từ 10 giờ sáng. Hai vợ chồng vẫn kiên trì, ngày nào có thời gian rảnh rỗi lại cuốc bộ ra đó, loay hoay đứng nhìn nhà hàng đóng cửa im lìm, rồi lại đi về. Sau năm lần bảy lượt, họ mới gặp cô chủ nhà hàng người Việt, nhỏ người, tóc muối tiêu, đứng kéo cửa đón khách mà có vẻ tất tả. “Ôi trời ơi tôi bận lắm cô ơi, sáng nào cũng phải dắt con chó này đi dạo, chẳng rảnh tay để mở cửa nhà hàng cho đúng giờ”, cô chủ nhà hàng vừa giải thích, vừa chỉ con chó to gần bằng con sư tử đang nằm im thin thít dưới nền nhà, mắt mở to nhìn khách dò xét. Những hũ rượu rắn làm đồ trang trí cho nhà hàng, thay cho những bình hoa sen giả, hay bức tranh hồ Gươm, theo cách thông thường của phần lớn nhà hàng Việt ở nước ngoài. Cô sinh ra ở Tiền Giang, định cư ở Paris hai mươi mấy năm, nhưng về Việt Nam chỉ một lần duy nhất. Lần về ấy, cô cũng bắt tàu lửa đi xuyên Việt, và cứ mỗi lần tiếp khách đồng hương, cô vẫn hay kể về miền Trung, về Hà Nội, về Hạ Long, rạng rỡ như một du khách Pháp lần đầu khám phá đất nước Việt Nam. Nhà hàng có món bánh ít trần, và chén nước mắm ngọt với cà rốt, củ cải bào nhuyễn ngâm bên trong. Cô nhìn đăm đăm vào cô con gái ba tuổi của hai vợ chồng người khách, rồi quay vào bếp, bưng ra thêm hai ba cái chả giò, một chén nhỏ chè bà ba, rồi bảo cô con gái nhỏ: “Ăn thêm đi cho mau lớn, con ơi. Con nói tiếng Pháp hay tiếng Việt? Con nhớ nói tiếng Việt nữa nha con”.
Tháng hai này, tôi biết, Paris đang mùa đông. Sài Gòn đang mùa tết. Hai chị em mái tóc đen ấy sau khi rời khỏi nhà hàng, trên đường cuốc bộ ra metro về nhà lại hỏi nhau, tết này làm gì. Cô chị bảo sẽ cắm lọ hoa đào, vì có thể tìm dễ dàng hoa đào ở Paris trong khu chợ châu Á. Cô em lòng bâng khuâng, nhớ những cánh mai rụng mỗi năm đầy trước sân, ngoài hiên hay ngay bên thềm nhà ở Sài Gòn. Paris đang mùa đông, làm sao có chút nắng ấm cho những cành mai. Mùng 1 chị vẫn đi viếng chùa, như năm ngoái. Cô em nói rằng em biết thịt kho trứng, để em nấu nhiều một chút, phần luôn cho chị. Chị vui lắm vì món thịt kho của em năm nào cũng có nước dừa rất thơm, nhưng chị cũng lo không biết năm nay cô em có còn hậu đậu như năm ngoái, múc cho chị một lọ thịt kho đầy ắp mà quên đậy kín nắp. Cô chị hớn hở xách lọ thịt đón metro về nhà đổ tràn ra ngoài. Mùi thịt kho, mùi nước mắm, mùi nước dừa bao bọc cả chuyến metro dài hơn 45 phút về nhà...
(*) Người miền Tây gọi cái tô to là cái tượng

Đọc thêm