“Trào lưu” ca khúc phản cảm: Có thể quản lý các ca khúc ngay từ khi đăng kí

(PLO) - Thời gian gần đây làng giải trí đang nóng lên bởi những tranh luận xung quanh các tiêu đề bài hát hết sức nhạy cảm, có ẩn ý tục. Nếu xét sâu, phần lời của các bài hát cũng chứa nhiều yếu tố phản cảm không kém. Điều đáng nói là tình trạng này đã diễn ra khá lâu trong âm nhạc, nhưng hầu như chưa được chấn chỉnh.
Ca sĩ Bảo Anh trong ca khúc “Như lời đồn” đang gây tranh cãi
Ca sĩ Bảo Anh trong ca khúc “Như lời đồn” đang gây tranh cãi

Những cái tên gợi tục 

“Như lời đồn”, “Như cái lò”... chính là tên các bài hát đã sáng tác của nhạc sĩ Khắc Hưng. Sẽ không có gì đáng nói, thậm chí tựa đề bài hát sẽ là khá vô nghĩa, ngô nghê nếu như nó không mang những ngụ ý, tiếng lóng hoặc chơi chữ chứa nội dung tục tĩu mà cư dân mạng hay sử dụng.

Chuyện ca khúc mang tựa đề ẩn ý lời nói tục không phải mới nổi lên gần đây thông qua bài hát của Khắc Hưng. Cũng ra mắt thời điểm này, hai bài hát “Thu Dẩm” và “Nắng cực” đã khiến giới trẻ “phát sốt” vì cách chơi chữ nói lái tục tạo sự tò mò. Và trước đó, những ca khúc “Oh my chuối”, “Xếp hình”, “Khẽ thôi cưng à”... cũng từng gây xôn xao dư luận vì những ẩn ý hướng về chuyện tình dục quá rõ ràng. 

Tuy nhiên, sự nguy hại không chỉ dừng ở những cái tên gây ồn ào thời gian qua. Nếu đi sâu vào lời các bài hát, có thể thấy nó còn dung tục hơn tựa đề gấp nhiều lần. Trong bài hát “Thu Dẩm”, những lời lẽ nghe có vẻ vô nghĩa nhưng đầy ẩn ý thô tục như thế này được lặp đi lặp lại: “Cô ta hay gào thét/Khi thấy yếu đuối hay mỏng manh trước những nét mà tôi hay phô ra/Mồ hôi rơi ướt bờ vai/Đêm đến cô ta mới là chính mình/Cô ta bị Dẩm và tên Thu/Bị Dẩm và tên Thu...”.

Kể cả những bài hát không đem những cái tựa có ý nghĩa tục ra câu khách, bên trong vẫn có thể chứa những lời lẽ phản cảm. Một bài hát mang tên “Mình cưới nhau đi” đang được giới trẻ rất ưa chuộng có một đoạn như sau: “Yêu nhau tới tầm này anh chợt cảm thấy lắng lo/Lỡ mai mốt em chán, tự nhiên cái mám trai/Chắc lúc đó anh chết làm sao mà sống được/Thế là quyết phải cưới! Cưới sớm em ơi! Không thể để lâu, lỡ may nó dính bầu/Hay mình cưới ngay trong đêm/Cưới luôn nha em/ Để tao nói cho tụi mày nghe, tụi nó dính bầu tụi nó mới cưới...”.

Sáng tác tràn lan, nội dung thả nổi

Thực tế, các nhạc sĩ này hầu như đã cố tình “lách” bằng cách không đề cập trực tiếp, đưa ra câu chữ tục tĩu trực tiếp trong bài hát của mình. Các từ ngữ được dùng đều là sử dụng các từ nói lái, chơi chữ hoặc chứa ý nghĩa tương tự được giới trẻ truyền miệng hoặc sử dụng phổ biến trên mạng.

Nhiều đoạn nhạc có những từ tiếng Việt gợi cảm quá mức được nhạc sĩ thay thế bằng tiếng Anh. Nhưng thực ra, dù đã “lách” như thế, nhưng người nghe đọc lên vẫn ngay lập tức nhận ra ý nghĩa thực sự đằng sau những tiêu đề, những lời bài hát.

Điều đáng nói là cách chơi chữ này đã diễn ra khá lâu trong âm nhạc, nhưng hầu như chưa được chấn chỉnh. Nếu như trong điện ảnh, chỉ một vài hình ảnh “lộ hàng” có thể bị cắt thẳng tay đến mất mạch phim. Hoặc bộ phim có tựa đề có thể gây hiểu lầm như “Điệp vụ 3 lờ” của Thuỷ Tiên lập tức bị yêu cầu đổi tên ngay thì trong âm nhạc, những tựa đề, những lời bài hát còn dung tục, gợi tục nhiều hơn thế vẫn ung dung tồn tại.

Lý do được cơ quan quản lý đưa ra là các sản phẩm âm nhạc này được phát hành bằng cách... truyền mạng, nghĩa là nhạc sĩ sáng tác, ca sĩ thu âm rồi tải lên mạng và thu lợi nhờ vào “câu view” trên Youtube.

Tuy thế, tầm ảnh hưởng của nó là không nhỏ đến nhận thức về âm nhạc của giới trẻ. Điều này đã khiến nhiều người có tâm với âm nhạc khá lo lắng. Lần lượt, các nhạc sĩ có tiếng, nhiều ca sĩ uy tín cũng lên tiếng, cho rằng đặt những cái tên gợi tục như thế cho bài hát chính là cách “câu” khán giả cực kì rẻ tiền, là văng tục và “vứt rác” vào âm nhạc.

Trên thực tế vẫn có thể quản lý các ca khúc ngay từ khi đăng kí. Một ca khúc ra đời, nhạc sĩ hầu hết đều đăng kí bản quyền cho mình. Nếu ca khúc được kiểm soát phần tựa và lời từ khâu kiểm soát thì làm sao có chuyện được phát tán ầm ĩ về sau.

Tất nhiên, việc kiểm soát này nếu làm được còn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Nhưng dường như các cơ quan chức năng đang quá thờ ơ để thả nổi cho những ca khúc tục tĩu được phát tán và âm thầm làm suy đồi “gu” âm nhạc của một bộ phận người nghe...

Đọc thêm