Trẻ thời @ say mê điệu hát hai ngàn năm tuổi

(PLO) - Những khuôn mặt rạng rỡ, hào hứng, những đôi tay mềm dẻo theo những động tác của làn điệu Xoan, các “đào, kép nhí” như đang hòa mình để cảm nhận những giá trị văn hóa của làn điệu Xoan niên đại hàng ngàn năm. Làn điệu thời Vua Hùng được trẻ thời @ bi bô ngay từ khi còn nhỏ là mạch nguồn hình thành tình yêu đối với di sản văn hóa của dân tộc.
Các trẻ múa hát say mê.
Các trẻ múa hát say mê.

Miệng bi bô hát những câu ca cổ trúc trắc

Tại miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, trong không gian giáo trống, giáo pháo rộn ràng của các phường Xoan gốc như làm sống lại không khí thời Hùng Vương. Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các Vua Hùng. Thuở xa xưa, người Văn Lang tổ chức các cuộc hát Xoan vào mùa xuân để đón chào năm mới.

Có 3 hình thức hát xoan: hát thờ cúng các Vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; và hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên. Hòa chung trong không khí cổ xưa ấy là các tiết mục của các “đào, kép nhí”. “Tềnh là tềnh tang tềnh là tang tềnh/ Trồng bông ta luống a đậu, luống đậu, luống ơ cà/ Ai làm cho luống công ơ ta thế nà/ Chứ đường ai làm, ai làm cho luống/ Rằng ở công đây, ở đây, ở rằng công đây, ở rằng công đây”. 

Theo lời kể của các nghệ nhân hát Xoan, trong truyền thuyết dân gian, nhân một chuyến đi tìm thêm những vùng đất mới để mở mang kinh thành, Vua Hùng dừng chân tại một ngôi làng nhỏ có tên là làng Phù Đức. Trong lúc nghỉ ngơi, Vua Hùng bỗng nghe thấy tiếng hát của trẻ chăn trâu, cắt cỏ đang hát những câu ca đồng dao dân dã. Vua bèn bảo các lạc hầu, lạc tướng đem một số điệu múa, lời hát dạy thêm cho chúng.

Được Vua Hùng dạy hát, múa, bọn trẻ học rất nhanh, chẳng mấy lúc thuộc hết câu ca, điệu múa Vua Hùng dạy. “Lý len… len là… lễ là… len hỡi len…”, tiếng hát trẻ vang xa cả vùng. Dân làng hồ hởi chạy tới nghe với niềm hân hoan, vui sướng. Dân làng cảm kích tấm lòng của Vua Hùng đã làm bánh nẳng và thịt bò thui dâng Ngài cùng đoàn tùy tùng.

Nghệ nhân cao tuổi truyền dạy hát Xoan cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân cao tuổi truyền dạy hát Xoan cho thế hệ trẻ.

Để tưởng nhớ công ơn của Vua Hùng, nhân dân quanh vùng đã dựng ngôi miếu trên đất đó để thờ Vua, gọi là miếu Lãi Lèn. Câu chuyện về những làn điệu Xoan cũng bắt nguồn từ đây. Ngôi miếu cổ Lãi Lèn có từ thời đại Hùng Vương, chỉ được làm bằng tre, gỗ, mái lợp lá cọ. Cổ xưa là thế, giản dị, mộc mạc như chuyện Vua Hùng cấy lúa cùng dân, như công chúa soi gương bằng giếng ngọc. Nhưng quý thay, lời hát, điệu múa không mất đi, thậm chí trải qua nhiều thế kỷ, hát Xoan vẫn dùng nhiều từ Việt cổ cho đến nay.

Hát Xoan là tên gọi khác, nói chệch của hai từ hát xuân hay ca xuân; hát Xoan có lối hát dùng trong nghi lễ - phong tục, lễ hội diễn ra vào mùa xuân. Trong dân gian còn gọi lối hát này là hát Lãi Lèn, vì bắt nguồn từ câu hát đệm chính của Xoan: “Lý len… len là… lễ là… len hỡi len…”.

Những khuôn mặt rạng rỡ, hào hứng, những đôi tay mềm dẻo theo những động tác của làn điệu Xoan, các “đào, kép nhí” như đang hòa mình để cảm nhận những giá trị văn hóa của làn điệu Xoan. “Năm trống cơm thiên hạ thái bình/ Năm trống cơm nhà no mọi đủ/ Năm trống cơm mọi vẻ mọi hay/ Được mùa hòa thăng lấy cơm bưng trống” (Giáo trống). Trong chiếc áo the, đầu vấn khăn xếp, Khánh Huyền - thành viên nhỏ tuổi nhất trong câu lạc bộ hát Xoan xã Minh Đức ngân hát những câu hát cổ có từ hàng ngàn năm nay. Với khuôn mặt bầu bĩnh, đôi môi đỏ hồng hào, hai bàn tay uốn lượn mềm dẻo, nhịp nhàng, Khánh Huyền không khác nào một cô đào hát Xoan thực thụ.

Ngay từ khi còn nhỏ, em đã được mẹ đưa tới đình làng để nghe hát. Mẹ và bà em cũng là một người hát Xoan, vì vậy, mỗi khi rảnh rỗi, em lại thường được bà dạy cho những điệu hát Xoan cơ bản. Thế nên, chỉ mới bốn tuổi, Khánh Huyền đã có thể hát được những điệu Xoan: “Xoan thời cách”; “Rước Vua về đình”; “Xe chỉ vá may”.

Không chỉ riêng bé Khánh Huyền, mà hầu hết các em nhỏ ở nơi đây đều được học hát Xoan từ bé. Chỉ mới học hát xoan sáu tháng, bé Đào Thị Thu Thủy, 11 tuổi có đôi mắt trong vắt và gương mặt xinh xắn đáng yêu đã thuộc được mười điệu. Hồi còn nhỏ, Thủy đã nghe hát từ bà nên đã quen các giai điệu. Khi bà múa hát mà chân thì nhịp nhịp theo tiếng trống, miệng lẩm nhẩm hát theo những câu hát cổ trúc trắc. Lên lớp 2, bé Thủy chính thức “tầm sư học đạo” tại phường xoan Phù Đức.

Nguyễn Quốc Vân sõi nhất phường xoan Kim Đới. Không chỉ có chất giọng, Vân còn dẫn cách tốt mà không phải “kép nhí” nào cũng có thể đảm nhận được. Có lẽ do được thừa hưởng chất giọng từ người mẹ cũng đang là đào của phường xoan, ông nội là trùm phường Nguyễn Văn Vị và người anh họ hiện đang là trùm xoan Kim Đới Nguyễn Văn Quyết nên Nguyễn Quốc Vân đam mê với Xoan. Bắt đầu theo ông nội đi hát Xoan cửa đình từ năm 9 tuổi.

Trẻ múa hát Xoan 2000 năm tuổi.
Trẻ múa hát Xoan 2000 năm tuổi.

4 năm sau, Nguyễn Quốc Vân đã góp sức mình cùng với phường xoan đạt được một huy chương vàng khi tham gia liên hoan hát dân ca tại Hải Phòng. Vừa tham gia liên hoan dân ca Việt Nam ở Bắc Ninh về, Vân khoe: Năm ngoái đội biểu diễn tiết mục “Bắt cá” và giành được Huy chương Vàng, năm nay tham gia đội biểu diễn quả cách “Nhàn ngâm cách”.

Con nhà nòi nên Vân ý thức được việc học hỏi các bài hát Xoan cổ để lưu giữ và trao truyền nên cậu rất chăm chỉ luyện tập. Học lời bài hát Xoan cổ đã khó, học cách đi, cách đánh phách sao cho miệng hát chân đi tay đánh đúng nhịp còn khó hơn nhiều. Phường xoan có rất nhiều kép nhưng không phải kép nào cũng có thể vừa đánh cách, vừa hát và biểu diễn được như Vân.

Để kết hợp cả ba động tác hát, đi, đánh, cách đi lên xuống theo hình sô 8 là việc không hề đơn giản nhất là với những trẻ nhỏ. Có “kép nhí” đi được nhưng đánh cách sai nhịp, có kép hát được, đánh được nhưng đi không đúng. Các “đào, kép nhí” phải tập luyện vất vả vài năm trời mới có thể nhuần nhuyễn điệu múa hòa cùng điệu hát. 

Mạch nguồn tình yêu di sản ngàn năm

Yêu điệu hát Xoan, các trẻ thời @ còn kể lưu loát về lịch sử điệu hát này. “Kép nhí” Hải Quang, 8 tuổi dõng dạc kể truyền thuyết cách đây từ hàng ngàn năm lịch sử. Theo đó, từ thuở Vua Hùng đi tìm đất để dựng kinh đô. Dọc đường đi, anh em vua dừng chân lại vùng có bốn thôn: An Thái, Thét, Kim Đái và Phù Đức...

Thấy trẻ con đùa hát đồng dao vui chơi, vua sai tùy tùng gọi bọn trẻ đến hát cho vua nghe, vua lấy làm thích và dạy bọn trẻ những bài hát mà vua nghĩ ra. Sau cả bốn làng đều truyền nhau những điệu hát do Vua Hùng dạy. Tại nơi vua nghỉ chân và dạy trẻ hát sau này một ngôi miếu được dựng lên gọi là miếu Lãi Lèn.

Nghi lễ hát cúng dâng vua của cả bốn phường xoan đều diễn ra tại Lãi Lèn. Sau này, dân lập nên đình Thét để rước vua về mỗi khi mở hội hoặc hát cầu vua ban cho mùa màng bội thu, cảm ơn công đức vua đã dạy dân làm ruộng, trồng dâu, trồng đậu, nuôi tằm và dệt vải. Thông qua việc thờ cúng này, người dân Phú Thọ coi Vua Hùng như một vị thần nông.

Làn điệu Xoan và truyền thuyết ấy được các em bi bô ngay từ nhỏ. Điều này sẽ là một mạch nguồn hình thành tình yêu đối với di sản văn hóa của dân tộc. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, Trùm phường Xoan An Thái, thành phố Việt Trì phấn khởi: “Tôi rất mừng vì có rất nhiều cháu học sinh đã đến nhà tôi để học hát Xoan. Tôi cũng được tham gia nhiều buổi nói chuyện, dạy hát Xoan cho học sinh tại một số trường học. Tôi rất mừng là các em vẫn thích hát và say sưa với Xoan. Tôi tin tưởng các em sẽ gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật hát Xoan- di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đọc thêm