Trịnh Kim Chi: Cứ phải đẹp trước đã

Trịnh Kim Chi nói chị chẳng sợ gì ngoài việc mình không đẹp trong mắt người khác. Chị mê cái đẹp và sâu thẳm trong tâm hồn, chị khát khao vô bờ về cái đẹp cả trong đời thường và trong nghệ thuật.
Trịnh Kim Chi: Cứ phải đẹp trước đã
Trịnh Kim Chi không phải là diễn viên có khả năng thu hút và đa dạng ở tất cả các loại vai. Mặc dù chị từng “cưa sừng” làm một cô Thắm nhảy tưng tưng trong vở Vợ khôn dạy chồng dại hay con bé bán vé số suốt ngày lải nhải hát các đoạn nhạc chế để bán vé số trong vở Hú hồn. Ngoại trừ 2 vai trẻ con đó, Trịnh Kim Chi khó làm phù thủy, làm lưu manh hay làm bà già thuyết phục. Nhưng chị làm đào thì ai nấy đều… phục sát đất.
Thao thức phận đào
Nếu sự táo bạo của “Ốc” Thanh Vân trong vai Huyền là một điểm nhấn trong Làm... (tác giả Chu Thơm, dựa theo tiểu thuyết Làm đĩ của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng, đạo diễn NSND Hồng Vân) thì sự lẳng lơ, điêu ngoa của Trịnh Kim Chi mới thật sự cuốn hút. Từ một cô tú có học thức, con nhà gia giáo, Đào Xuân dấn thân và lún sâu vào chốn bùn nhơ của chốn lầu xanh chỉ vì lỡ “ăn cơm trước kẻng”, bị người yêu bỏ rơi. Trịnh Kim Chi bước vào thế giới của Đào Xuân - một gái điếm hạng sang đúng nghĩa bằng sự tài tình, tinh tế trong nét diễn.
Gặp khách, Đào Xuân nịnh nọt, mồi chài. Khi ấy ánh mắt, cử chỉ có sự ngây thơ, kiêu sa của cô gái mới bước vào nghề nhưng lúc khinh khi, bất cần các ông nhà giàu chỉ biết bỏ tiền mua vui thì Đào Xuân lại lộ vẻ sành đời của một “gái đĩ già mồm”.
Sự điêu ngoa toát lên từ cử chỉ, giọng nói còn sự lẳng lơ qua ngoại hình thì khỏi phải nói. Đào Xuân chỉ cần lắc cái mông, xoay cái eo, ưỡn cái ngực… thì thôi rồi… chết người. Một cơ hội để Trịnh Kim Chi khoe thế mạnh ngoại hình cực chuẩn của một á hậu thì làm sao không “đã” cho được. Có thể có người cho Trịnh Kim Chi hơi quá ở một vài phân đoạn nhưng chị không phải là người đàn bà lẳng lơ thường xuyên, chị biết cách quyến rũ khán giả trong một khoảnh khắc nào đó. Nhiều một chút cũng được nhưng đã làm là làm cho tới.
Hai năm trước, lúc vở Làm… ra mắt, người ta bàn tán xôn xao về sự kiện người mẫu “bán dâm” thì trên sàn diễn, Trịnh Kim Chi cũng thao thức. Trong cảnh cuối, khi cái áo khoác ngoài của Đào Xuân rớt xuống cũng là lúc những đớn đau, tủi nhục thầm lặng của một cô đào luôn cố tỏ ra cao ngạo, khinh miệt đời mở ra. Khán giả đã khóc. 
Ấy cũng là lúc Trịnh Kim Chi lả người, nước mắt giàn giụa mãi cho đến khi vào hậu trường. Khóc cho Đào Xuân và khóc cho cả một lớp phụ nữ thời ấy. Trường đoạn Đào Xuân tay cầm điếu thuốc vào phòng của Huyền bỡn cợt, trêu đùa và nói với Huyền: “Rồi một ngày nào đó cô cũng sẽ ước ao được như tôi bây giờ. Nhưng nhớ hãy giữ cái lần đầu cho thật kỹ”. 
Lời cảnh báo đó là một chủ đề của vở kịch, cũng là câu nói mà Trịnh Kim Chi trăn trở: “Sự đau khổ của người phụ nữ chẳng bao giờ dứt trong cuộc đời này. Nếu ngày xưa Đào Xuân sa vào con đường nhơ nhớp chỉ vì lỡ mất đi cái quý giá nhất của đời con gái thì ngày nay, liệu cái trinh tiết có còn được coi trọng. Hay cái “ngàn vàng” đó giờ bị mang ra mua bán đầy rẫy”.
Trịnh Kim Chi đi vào phận Đào Xuân như một lữ khách chưa từng đau khổ, chưa từng gặp bi kịch trong cuộc sống. Nhưng chị vẫn khát khao một lần lạc lối vào cuộc đời của Đào Xuân để trải nghiệm. Chị đã cõng lên lưng mình nhiều khắc khoải đớn đau trong “thân phận đào”. Rồi khi bước ra khỏi ánh đèn sân khấu lung linh kia, chị đã nghiệm ra được vô số điều vô lý, phũ phàng từ cuộc sống xưa - nay. Dù có hay không giải thưởng diễn viên xuất sắc nhất của Hội Nghệ sĩ sân khấu thì Trịnh Kim Chi cũng đã thành công rồi. Đào Xuân là một vai đẹp và hiếm trong hành trang sân khấu của chị.
“Lên lão” sớm trên phim
Khi đang học năm 2 lớp diễn viên khoa Diễn viên khóa 14 năm 1990 của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, Trịnh Kim Chi có được vai chính đầu tiên trong phim truyền hình và trên sân khấu kịch. Đang học, vì mê tiền mà đi thi hoa hậu rồi ẵm luôn giải á hậu tại cuộc thi hoa hậu toàn quốc (1994). Không chỉ đóng phim, đóng kịch, chị còn làm người mẫu, thậm chí đi hát (nhóm Ngẫu Nhiên). Nhưng những vai diễn trên phim thời xuân không làm người ta nhớ, nhóm hát cũng không đạt nhiều thành tích. Thời rực rỡ nhan sắc, Trịnh Kim Chi có nhiều dự định còn dang dở…
Có chồng, sinh con, chị quay lại nghệ thuật khi cái tuổi chẳng còn cho phép vào những vai thiếu nữ. Chị “lên lão” sớm trong các vai bà mẹ đến khoảng 40-50 phim. Chị tỏ ra ngày càng chín nghề khi diễn đa dạng tính cách vai bà mẹ trong phim. Nếu những vai diễn bà mẹ khắc khổ, tảo tần, đáng thương được “đo ni đóng giày” cho chị thì những vai gai góc, độc ác mới là thử thách lớn. 
Ít ai có thể tin được một Trịnh Kim Chi hiền lành, nhẹ nhàng ở ngoài đời lại vào vai bà Lệnh (phim Tính như tia nắng) mưu mô, thủ đoạn, đáng sợ đến sởn gai ốc như vậy. Sau vai diễn này, Trịnh Kim Chi trở thành gương mặt “khó ưa” trong phim lẫn ngoài đời. Chị khoe rằng vừa nhận được 2 vai diễn mới rất “nặng ký”, cũng là những người phụ nữ ác độc, có nội tâm vô cùng phức tạp. Có lẽ, Trịnh Kim Chi đang ngày càng chứng tỏ ngoài nhan sắc, mình còn có nội lực diễn rất đặc biệt.
Ít cá tính nhưng rất thú vị
Trịnh Kim Chi là nghệ sĩ ít có cá tính. Chị không thuộc dạng người thích cái gì là thích như điên và ghét cái gì là ghét cay ghét đắng. Chị không bất cần thứ gì cũng không khẩn thiết thứ gì. Ví dụ như chị thích làm đạo diễn, chị làm vài ba vở; thích mở sân khấu kịch, chị mở kịch cà phê KC mini, nhỏ nhỏ, xinh xinh. Chị làm vừa sức, không liều lĩnh, táo bạo, không ham hố. 
Khi làm việc cũng như lúc đi chơi, Trịnh Kim Chi luôn có dáng vẻ của một tiểu thư đài các. Thấy chị thị phạm các học trò tập tuồng nhẹ nhàng, từ tốn, thậm chí khi đưa đôi bàn tay ra hướng dẫn cũng thật uyển chuyển, mềm mại.
Không ít người lần đầu tiên nghe giọng nói tưởng chị là thiếu nữ tuổi mười chín đôi mươi. Điều gì ngạc nhiên là Trịnh Kim Chi “mắt chữ A miệng chữ O”. Vẻ ngây thơ đó lại được đặt trong người phụ nữ gần 40 tuổi là một sự đối nghịch khá thú vị. 
Điểm hay nhất ở chị có lẽ chính là hiếm khi làm phật lòng người khác từ lời nói của mình. Tất nhiên không hẳn chị lừa dối bản thân mà mỗi lời nói ra, chị luôn tìm cách tránh làm tổn thương người khác ít nhất. Ra đường gặp chị, nếu chưa kịp chào hỏi mà chị nhận ra người quen thì lập tức cười, chào nói, tay bắt mặt mừng. 
“Cười với người khác một nụ cười, nói với người khác một câu vừa lòng cũng chẳng mất gì. Vậy tại sao lại không làm để tạo thiện cảm?” - chị nghĩ vậy.
Đẹp mọi lúc mọi nơi
Trịnh Kim Chi là người phụ nữ đẹp đã đành, lại còn biết cách làm mình đẹp hơn. Thảo nào ai cũng khen chị khéo trẻ lâu đến thế! Đầu tiên là ăn mặc, chải chuốt theo kiểu tiểu thư. Váy bao giờ cũng đầy màu sắc. Hồi còn con gái, quần áo chị mặc toàn những màu bắt mắt. Bây giờ có tuổi nên màu sắc có phần tinh tế, pha trộn hoàn hảo hơn. Chị biết khi nào mặc quần jeans áo thun, khi nào mặc đầm, khi nào búi tóc, khi nào buông xõa dịu dàng… 
“Lúc 18, 20 tuổi tôi đã “điệu”. Khi thi vào Trường Sân khấu Điện ảnh tôi càng biết “điệu” hơn. Sau này đi đóng phim, đoạt giải á hậu, tôi càng biết chăm chút cho bản thân mình” - chị cười cho biết. Vậy nên chẳng bao giờ thấy chị đầu bù tóc rối mặc dù thời gian gần đây cũng nhiều công việc, nhiều vai trò. 
Làm gì thì làm, với Trịnh Kim Chi là phải đẹp trước đã. Đẹp ở sự chỉn chu, tươm tất trong mắt người xung quanh. Chị phải đẹp từ nhà tới phim trường, từ góc bếp đến những sự kiện quan trọng, đẹp từng milimet trên người, đẹp trong tâm hồn. Chị hiểu, mê cái đẹp và sâu thẳm trong tâm hồn mình, chị khát khao vô bờ về cái đẹp. 

Đọc thêm