Tục giỗ Tổ nghề của nghệ sĩ - nên ngưỡng vọng nhưng đừng mê tín

(PLO) - Những ngày qua, tại hầu hết các điểm biểu diễn tại TP HCM, nghệ sĩ nô nức tổ chức lễ giỗ Tổ nghề. Có thể nói, đây là thời điểm “ngày hội” của tất cả những người thuộc giới giải trí – nghệ thuật hoặc có dính dáng đến nghệ thuật. Chung quanh sự kiện giỗ Tổ nghề, cũng có lắm câu chuyện thú vị.
Lễ giỗ Tổ nghiệp tại nhà thờ Tổ do Hoài Linh xây dựng ở TP HCM.
Lễ giỗ Tổ nghiệp tại nhà thờ Tổ do Hoài Linh xây dựng ở TP HCM.

Hướng lòng kính trọng đến tiền nhân

Những truyền thuyết về Tổ nghề của nghệ sĩ thì rất nhiều, có người nói, truyền thuyết Tổ nghề xuất phát từ câu chuyện hai vị hoàng tử mê hát bội quá mức, đến kiệt sức ôm nhau chết, hóa thân thành Tổ nghề nghệ sĩ, cũng có giai thoại cho rằng, Tổ của nghệ sĩ cũng là vị Tổ của nhiều nghề như kỹ nữ, ăn mày, tức thần Bạch Mi…

Ngoài các vị Tổ cố xưa, nhiều vị có công với nghệ thuật cũng được xếp vào “hậu tổ”, như cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu, Trần Hữu Trang, Phùng Há… Cho dù không thực sự rõ đích xác nguồn gốc về Tổ nghề nhưng từ rất nhiều năm qua, tục giỗ Tổ nghệ đã trở thành một truyền thống của giới nghệ sĩ. Từ năm 2010, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã quyết định chọn ngày Giỗ tổ truyền thống này (nhằm 12/8 AL) làm ngày Sân khấu Việt Nam. Cũng từ đó, giỗ Tổ nghề càng được nâng lên một bước, thành ngày lễ chính thức được tổ chức trọng thể bởi những người hoạt động nghệ thuật Việt Nam.

Cũng như mọi năm, lễ giỗ Tổ nghiệp được nô nức diễn ra ở hầu hết các địa điểm biểu diễn trên địa bàn TP. Ngoài các địa điểm quen thuộc của giới nghệ sĩ như các phim trường, sân khấu, nhiều nghệ sĩ chọn tổ chức lễ giỗ Tổ ngay tại địa điểm kinh doanh của mình, như phòng trà cá nhân, trung tâm dạy nhảy, quán café nhạc…

Năm nay, TP HCM có thêm hai địa điểm tổ chức giỗ Tổ rầm rộ, thêm chốn đến cho nghệ sĩ, đó là nhà thờ Tổ mới khánh thành sau bao gian nan của nghệ sĩ Hoài Linh và lễ giỗ Tổ linh đình tại phòng trà của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng – nam ca sĩ lần đầu tự đứng ra tổ chức sau nhiều năm đi hát.

Nhiều nghệ sĩ chia sẻ, lễ giỗ Tổ nghệ sĩ còn vui hơn Tết, những ngày này nghệ sĩ “chạy show” rất nhiều, nhưng không phải là show để biểu diễn mà là show dự lễ cúng tổ, đến chỗ này chung vui một ít, chỗ kia một ít, dâng hương cúng Tổ, vừa gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, rất rôm rả. Hầu hết nghệ sĩ đến cúng Tổ nghề đều ăn mặc trang trọng, đem theo lễ vật cúng Tổ. Tất cả đồ cúng xong sẽ được bày thành tiệc cùng ăn chung.

Lễ giỗ Tổ nghệ thuật còn vui ở chỗ, nó không chỉ dành cho nghệ sĩ chuyên nghiệp, có tên tuổi mà cho tất cả những người liên quan đến nghề. Người ta thấy cả các quay phim, biên kịch, diễn viên đóng thế, ca sĩ hát lót, nhóm múa, dàn bè… từ tên tuổi đến hầu như vô danh đều nghiêm chỉnh đi cúng Tổ. Lúc này, không có sự phân biệt đẳng cấp trong giới nữa, tất cả đều là những người hoạt động nghệ thuật dâng hương thành kính đến Tổ nghề. 

Để lễ giỗ Tổ nghiệp thành một ngày hội văn hóa

Tuy nhiên, giỗ Tổ nghiệp cũng là cơ hội để một số nghệ sĩ “nửa mùa” lợi dụng cho mục đích riêng của mình. Năm nào cũng có trường hợp, nhiều người mới “chân ướt chân ráo” vào ngành nghệ thuật nhân cơ hội giỗ Tổ nghiệp để tìm cách tiếp cận những nghệ sĩ có tiếng nhằm tìm cách tiến sâu hơn trong nghề.

Nhiều trường hợp đến cúng Tổ nghiệp là cái cớ, mục đích chính là làm nổi, được xuất hiện trên truyền thông nên ăn mặc hở hang, lòe loẹt. Có những “nghệ sĩ” diện những bộ đồ ngắn đến không thể ngắn hơn, hoặc xuyên thấu lộ toàn bộ nội y, đến mức các nghệ sĩ khác phải nhắc nhở, đem áo khoác để choàng giúp. Có nghệ sĩ dâng hương cúng Tổ nhưng chủ yếu là tạo dáng trước ống kính, thiếu nghiêm túc, bị chỉ trích nhiều.

Một vấn đề khác mà nhiều người lưu tâm đó là có hay không sự lãng phí trong lễ vật cúng Tổ nghiệp?. Với mong muốn Tổ nghiệp phù hộ, các nghệ sĩ đều mang đến những lễ vật thật to, hoành tráng. Ngoài một con heo quay hầu hết ai cũng có, người ta còn sửa soạn thêm trái cây, bánh kẹo, gà và nhiều vật phẩm khác. Nhiều người chỉ đến cúng rồi bận việc ra về, lượng đồ cúng khó lòng có thể “tiêu thụ” hết trong ngày lễ. Nhất là năm nay, nhà thờ Tổ nghiệp do Hoài Linh vừa khánh thành đúng dịp lễ Tổ nghiệp, nghệ sĩ nô nức đến cúng tế. Nhìn cảnh hàng mấy trăm con heo, gà xếp lớp la liệt trên bàn cúng, nhiều người ngao ngán, không biết sau lễ cúng, số thực phẩm này sẽ đi về đâu? 

Trao đổi vấn đề này với các nghệ sĩ, có người đồng quan điểm, cho rằng nên thay đổi cách cúng tế cho giản dị hơn, bằng một giỏ trái cây ngon là đủ lòng thành kính, nhưng ngược lại, nhiều nghệ sĩ khác lại cho rằng, việc cúng tế nếu sơ sài, không đúng ý Tổ (có quan niệm rằng Tổ nghiệp đặc biệt thích heo, gà quay) thì Tổ sẽ quở phạt, nên dù gì cũng phải ráng chiều ý Tổ (!).

Giỗ Tổ nghiệp là một truyền thông đẹp của làng văn nghệ, tuy nhiên, để ngày lễ giỗ Tổ nghiệp trọn vẹn hơn, có lẽ những nghệ sĩ nên có chút thay đổi trong các quan niệm về thờ cúng Tổ, bớt những yếu tố mê tín dị đoan, gây lãng phí, biến giỗ Tổ nghề thành một “lễ hội” thực thụ, vừa giản dị, ấm cúng nhưng cũng thú vị, sinh động.