Tuyệt phẩm 22 tỷ ở Hội An

(PLO) - Với ước mơ đưa đồ gốm Việt Nam vươn ra thế giới, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị di sản nghề gốm đất nung của dân tộc, những người tâm huyết với nghề gốm đã không ngần ngại đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng một Công viên Văn hóa đất nung Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam) lớn nhất và độc đáo nhất Việt Nam trên khuôn viên có diện tích rộng gần 6.000m2.
Đưa vào sử dụng vào ngày 30/4/2015, Công viên đất nung Thanh Hà đón hàng ngàn lượt khách mỗi ngày
Đưa vào sử dụng vào ngày 30/4/2015, Công viên đất nung Thanh Hà đón hàng ngàn lượt khách mỗi ngày

Vẻ đẹp kỳ thú khu vườn đất nung

Công viên đất nung Thanh Hà (đóng tại làng gốm Thanh Hà, khối phố 5, phường Thanh Hà, TP Hội An, Quảng Nam) nằm bên bờ sông Thu Bồn thơ mộng của phố cổ Hội An. Đây không chỉ là công viên trưng bày các sản phẩm gốm, đất nung mà còn là Bảo tàng nghề gốm của Việt Nam với trên hàng nghìn sản phẩm gốm, hiện vật gốm, tranh ảnh…, có liên quan đến lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc điêu khắc gốm của Việt Nam.

Công viên đất nung Thanh Hà có mức đầu tư trên 22 tỷ đồng, rộng 5.800m2, đóng ngay trên quê hương làng gốm Thanh Hà 500 năm tuổi.

Công viên được thiết kế độc đáo, gồm hai bố cục chính mô phỏng chiếc lò gốm làng Thanh Hà: tòa nhà úp ba tầng dùng để lưu giữ những tác phẩm gốm truyền thống của làng từ xa xưa, tòa nhà ngửa cũng ba tầng để trưng bày và tổ chức các buổi triển lãm các sản phẩm gốm mới, thành lập các chợ thương mại, trong đó mỗi hộ dân sẽ có một lô riêng để giới thiệu sản phẩm do chính gia đình mình sản xuất ra. Điều đặc biệt là du khách khi đến đây có thể chiêm ngưỡng cách làm gốm, tự tay sáng tạo các sản phẩm từ đất sét.

Khu thế giới thu nhỏ độc đáo của Công viên đất nung Thanh Hà
Khu thế giới thu nhỏ độc đáo của Công viên đất nung Thanh Hà

Công viên đất nung Thanh Hà được đánh giá là công viên gốm lớn nhất, đồng thời cũng là bảo tàng gốm “độc” nhất cả nước. Không gian công viên được cấu trúc gồm 9 khu riêng biệt: khu lò gốm, khu Bảo tàng làng nghề, khu sản phẩm làng, khu chợ đất nung, khu thế giới thu  nhỏ, khu vườn sắp đặt, khu trại sản xuất, khu gốm Sa Huỳnh - Chăm, khu các làng nghề truyền thống và khu triển lãm.

Đến Công viên đất nung Thanh Hà, du khách được bước vào khu thế giới thu nhỏ và Bảo tàng làng nghề gốm. Những công trình nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của nhân loại được tái hiện một cách rõ nét và sinh động nơi đây.

Đó là những công trình nghệ thuật như Tháp nghiêng Pissa (Ý), Đền Taj Mahal (Ấn Độ), Nhà hát Sydney (Úc), Nhà Trắng – White House (Mỹ), Kim Tự Tháp (Ai Cập), Nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp)…

Hay lạc vào không gian khu vườn gốm đất nung của Việt Nam những thế kỷ trước. Đó là những làng gốm nổi tiếng một thời như gốm Chu Đậu (Đại Việt), gốm Mỹ Nghiệp (Chăm), Thanh Hà (Việt), gốm Sa Huỳnh (Chăm),…

Tình yêu đất sét làm lên tuyệt phẩm

Ý tưởng xây dựng Công viên đất nung Thanh Hà là của anh Nguyễn Văn Nguyên (Giám đốc Công ty Nhà Việt Corp), người nối nghiệp tổ tiên nghề gốm. Niềm đam mê lớn lao với đất sét ngày ấy đã thúc đẩy chàng trai 18 tuổi rời làng vào Sài Gòn học tập tại Trường Đại học Kiến trúc.

Trở thành một kiến trúc sư tài ba đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc  Công ty Nhà Việt Corp ở thành phố lớn Hồ Chí Minh, thế nhưng ước muốn bảo tồn nét văn hóa truyền thống cũng như niềm khát khao đưa đồ gốm ở quê nhà đi xa hơn trên thị trường vẫn cháy bỏng trong anh. Anh bắt đầu đưa ra nhiều ý tưởng về việc xây một công viên trưng bày đồ gốm và giới thiệu quảng bá chúng ở nhiều nơi. Cuối năm 2011, anh đưa ra quyết định táo bạo nhất, bỏ tất cả để trở về làng với quyết tâm “cách tân” đồ gốm.

Song, trước ý tưởng xây dựng một công viên gốm lớn nhất cả nước để trưng bày, giời thiệu các sản phảm do làng Thanh Hà sản xuất của anh Nguyên đã gấp phải sự phản đối vô cùng kịch liệt từ dân làng, nhất là những bậc trưởng bối có tay nghề lâu năm. Họ e ngại  sự mạo hiểm của anh bởi số tiền đầu tư khá lớn, lại được xây dựng ở một vùng quê nhỏ liệu có đủ sức để thu hút sự quan tâm của khách du lịch cũng như các nhà đầu tư. Khi đó, sản phẩm gốm của làng chỉ có nước “đổ sông, đổ biển”.

Một góc không gian Công viên đất nung Hội An
Một góc không gian Công viên đất nung Hội An

Sự mạo hiểm của anh Nguyên cũng không khỏi làm cho gia đình lo lắng. Gặp sự phản đối gần như là hoàn toàn nhưng anh Nguyên vẫn không nản lòng. Anh đến từng nhà của những nghệ nhân làm gốm lâu năm, cặn kẽ giới thiệu cho họ mục đích và lợi ích của việc xây dựng nên công trình này. Đồng thời cũng cam kết khi xây dựng xong, nó sẽ là công viên gốm lớn nhất, độc đáo nhất cả nước, tạo điều kiện mở ra hướng đi mới cho các sản phẩm gốm “trăm năm tuổi” này đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chia sẻ với PV, anh Nguyên cho biết, cuối năm 2011, dự án Công viên đất nung Thanh Hà được khởi công trên khoảng đất trống của làng có diện tích 5.800 m2. Sau gần bốn năm xây dựng, đến nay công viên đất nung đã đưa vào sử dụng. Một nghệ nhân gốm Thanh Hà từng phản đối ý tưởng của anh Nguyên, nay đứng ngắm nhìn công trình đồ sộ, tấm tắc: “Nhìn dòng người đổ xô về làng để xem công viên gốm,  vui mừng biết dường nào. Giờ làng đã thay đổi hẳn, đồ gốm cũng mang một sức sống mới rồi”.

Hiện Công viên đất nung Thanh Hà mỗi ngày đón trên hàng ngàn khách du lịch đến tham quan. Trong số đó cũng có nhiều họa sĩ từ Hội Mỹ thuật TP HCM và nhiều nghệ nhân từ các nơi đến đây tổ chức sáng tác về gốm. Không khí làng Thanh Hà ngày nay trở nên nhộn nhịp hẳn.

Chứng kiến nụ cười, ánh mắt say mê, thích thú của du khách, nhiều người dân làng gốm Thanh Hà không kiềm nén được nỗi xúc động: “Vậy là bao ước mơ cả đời về công trình này. Đất sét là hồn quê. Xa quê lâu rồi mà lòng vẫn vậy, sống chết cũng với cục đất sét của làng, với đồ gốm của dân”.