Văn hóa lô tô từ bình dân đến tân thời

(PLO) - Đoàn Lô tô Sài Gòn tân thời - đó là cái tên khá “hot” trên mạng xã hội thời gian này. Là những người yêu mến hình thức giải trí dân dã của người miền Nam mang tên lô tô, những người trẻ đã tạo nên một sân chơi mới đầy sức sống cho khán giả bình dân Sài Gòn. 
Một buổi trình diễn của Đoàn Lô tô Sài Gòn tân thời.
Một buổi trình diễn của Đoàn Lô tô Sài Gòn tân thời.

Tưởng đã lãng quên

Lô tô, thú giải trí gắn liền với tuổi thơ của không biết bao nhiêu người dân phương Nam, đặc biệt là dân quê, dân tỉnh. Ngày ấy, ở tỉnh lẻ, mỗi lần các đoàn hội chợ mang theo gánh lô tô về là nhộn nhịp lắm.

Những năm 90 của thế kỷ trước, các loại hình giải trí chưa phát triển, ít nhà có tivi, internet chưa có và thị trường giải trí trong nước cũng chỉ quanh quẩn ở vài gương mặt quen. Nghệ sĩ là điều gì đó cách xa vời vợi với công chúng. Và những “nghệ sĩ lô tô” thời ấy chính là các thần tượng bình dân trong lòng người dân quê. 

Thời ấy, những chuyện chuyển giới, trai giả gái còn chưa phổ biến, còn bị kì thị khá nhiều. Thế nhưng, không hiểu sao các cô đào lô tô lại rất được người dân quê bao dung, mến mộ. Các cô giả gái, diễn trên sân khấu bằng cả trái tim mình, trái tim của những người yêu nghệ thuật, của những nghệ sĩ “trôi sông, lạc chợ”, có thân phận không giống ai.

Các cô khóc cười trên sân khấu bằng cảm xúc thật của mình. Còn nhớ, có những đêm hội chợ ở vùng quê, khán giả là người trẻ, người già chạy lên tặng hoa, tặng quà, có quà hoa giả, hoa thật, hoa hái từ bụi cây ven đường, cả gấu bông, xà bông hay… vàng giả.

Và cả những cái hôn nồng nhiệt của khán giả mà đào lô tô đón nhận rất nhiệt tình. Các cô đào ấy tỏa sáng trong những đêm diễn, chính ánh sáng phù hoa ấy đã cuốn các cô đi mãi với cái nghề chông chênh, bạc bẽo ấy.

Những đoàn hội chợ lô tô đi tới đâu, trẻ con, người lớn xôn xao tới đó. Đến đúng giờ, người ta đem ghế từ nhà ra bãi đất trống, tranh nhau chỗ gần sân khấu, mua số dò lô tô. Phần thưởng là chút tiền, là những vật dụng chẳng có nhiều giá trị như xà bông, dầu gội, gấu bông… nhưng vẫn làm khán giả háo hức.

Vui nhất là lúc xổ số. Các cô hát, các cô hô rất nhuyễn, rất ngọt, có những câu hát quen đến mức đi vào giấc ngủ của bao thế hệ trẻ con làng quê: “Con mấy gì đây, con mấy gì đây, cờ ra con mấy… Tóc mai sợi ngắn, sợi dài, lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm, con số năm là con số năm…”. Những năm sau 2000, cuộc sống phát triển, các loại hình giải trí bùng nổ, gánh hội chợ lô tô bắt đầu trở thành món “nhà quê”, lạc hậu. Những buổi hội chợ đìu hiu, các cô đào chuyển nghề dần. Dường như, lô tô bắt đầu trở thành kí ức…

Biến lô tô thành nghệ thuật dân gian hiện đại

Thế nhưng, trong hai năm gần đây, lô tô bỗng trở lại trong đời sống giải trí của người dân. Nhiều người bỗng nhận ra, cái gánh hát tưởng chừng lộn xộn của những người giả gái đầy sến súa và sắc màu ấy thực ra rất đáng yêu, đáng xem. Đặc biệt, một nhóm bạn trẻ yêu lô tô đã lập ra gánh Lô tô Sài Gòn tân thời với sự sáng tạo trong trình diễn, khiến lô tô lan tỏa đến cả những bạn trẻ thời nay.

Đoàn Lô tô Sài Gòn tân thời gồm các diễn viên trẻ yêu ca hát như Trần Gia Huy, Nhã Vy, Mậu Đạt, Quang Thịnh, Thanh Sơn… Nhóm bạn trẻ này kết hợp cùng một số nghệ sĩ trẻ hát lô tô chuyên nghiệp, nhiều năm kinh nghiệm và thậm chí khá nổi tiếng trong lĩnh vực lô tô. Trưởng đoàn là Lâm Quốc Khải. Đoàn Lô tô Sài Gòn đúng với cái tên của mình, đậm “chất Sài Gòn” và cũng rất đậm chất tân thời.

Không quá diêm dúa, lòe loẹt như các diễn viên lô tô trước đây, đoàn rất tập trung đầu tư cho phần trang phục và phần trình diễn. Áo dài là  trang phục rất quen thuộc của đoàn lô tô, các cô đào giả gái mặc lên người chiếc áo dài truyền thống đẹp không thua kém các mỹ nữ. Điều đáng trân trọng là họ rất tôn trọng tính truyền thống, nguyên bản của áo dài Việt, không cách tân hay quá lố. Cạnh đó, tùy vào các màn trình diễn, trang phục còn có thể là những bộ cổ trang, cải lương…

Chương trình trình diễn lô tô của đoàn cũng rất đặc sắc và phong phú, với sự kết hợp giữa nhạc nhẹ hiện đại, vũ đạo vui nhộn hay cải lương, tuồng dân gian. Các trình diễn sinh động nhưng văn minh, sáng tạo đã khiến đoàn lô tô không chỉ được giới trung niên mà cả những người trẻ rất yêu thích, thậm chí có cả một lượng người hâm mộ trẻ. 

Ngoài đi diễn khi được mời tại các tụ điểm, Rubik Zoo là địa điểm quen thuộc của Đoàn Lô tô Sài Gòn tân thời hiện nay. Những đêm diễn hàng tuần hoặc cách tuần của Đoàn, khán giả trẻ đến sớm trước hơn cả tiếng đồng hồ để có chỗ ngồi, nhiều đêm còn quá tải khán giả.

Những tràng vỗ tay liên tục vang lên đã cho thấy được sức sống của loại hình giải trí bình dân được phục dựng qua cách làm đáng yêu của những bạn trẻ yêu nghệ thuật. Thiết nghĩ, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống cũng thế, nếu có sáng tạo, biết cách làm cho trẻ trung mới mẻ hơn thì không sợ gì bị mai một, bị trở thành “đồ cổ”.