Văn hóa “Uri” độc đáo của người Hàn Quốc

(PLO) - Tiếng Hàn có một từ khá đặc biệt: “uri”, dịch nôm na có nghĩa là “của chúng ta”. Tuy nhiên, người Hàn Quốc không chỉ sử dụng từ “uri” khi áp dụng cho tập thể, tổ chức lớn như: đất nước của chúng tôi, dân tộc của chúng tôi… mà còn sử dụng từ “uri” trong trường hợp thể hiện sự “sở hữu” rất cá nhân như: vợ của chúng tôi, mẹ của chúng tôi…
Hình ảnh đất nước có văn hóa "uri" độc đáo
Hình ảnh đất nước có văn hóa "uri" độc đáo

Để tìm hiểu và giải thích cho văn hóa sử dụng từ ngữ độc đáo này, không thể lý giải trên phương diện ngữ pháp, ngôn ngữ mà phải xuất thân từ nguồn gốc văn hóa. “Uri” là một từ có lịch sử lâu đời và sức sống nội sinh vô cùng mạnh mẽ trong văn hóa sinh hoạt của người Hàn Quốc. 

Có nguồn gốc lâu đời

Theo các chuyên gia ngôn ngữ, từ “uri” xuất phát từ “ul-tha-ri” với nghĩa là (hàng rào, hàng giậu). Cũng giống như nét văn hóa của người Việt, người xưa cũng dựng những hàng rào để quây quanh nuôi gia súc hoặc trồng những cây leo.

Hình ảnh đó tượng trưng cho tinh thần tập thể, đoàn kết, gắn bó đấu tranh trong cuộc sống sinh tồn. Khi dùng “uri” khi giới thiệu về đất nước, gia đình sẽ không còn cảm giác nghe tách biệt là của anh hay của tôi và tạo nên không khí thân thiện, hòa đồng. 

Hàn Quốc đang cho cả thế giới thấy một dòng chảy văn hóa quốc gia lan tỏa mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Và văn hóa Hàn Quốc chính là tài sản chung của quốc gia mà mỗi công dân đều có quyền sở hữu cũng như có trách nhiệm giữ gìn, truyền bá, phát huy. Và  từ “uri” chính là một “khẩu đại pháo dùng để truyền bá văn hóa Hàn Quốc”, “đại diện cho tinh hoa dân tộc” của xứ Hàn, là sự thể hiện cho “văn hóa mang tính cộng đồng cao” của người Hàn Quốc.

“Người Hàn luôn sử dụng từ uri nara (tổ quốc chúng tôi), thay vì nói nae nara (tổ quốc của tôi). Nae nara nghe rất kỳ. Nó có vẻ như người đó sở hữu cả quốc gia” Beom Lee, giáo sư tiếng Hàn tại Đại học Columbia giải thích cho tôi trong một cuộc phỏng vấn. “Từ nae anae (vợ tôi) thì nghe cứ như thể anh chàng ấy là người duy nhất có vợ ở Hàn Quốc vậy.”

Có thể nói, trên tất cả, văn hóa tập thể của quốc gia này là di sản của thời kỳ lịch sử dài gắn liền với Khổng giáo. Tuy Hàn Quốc đã phát triển, đi qua thời phong kiến với việc xã hội phân chia đẳng cấp rồi, nhưng quốc gia này vẫn gắn liền với đạo đức Khổng giáo, nơi ràng buộc con người cá nhân phải tiếp cận từ góc độ xã hội.

Từ việc gọi thức ăn đồ uống với bạn bè cho đến việc di chuyển trên phương tiện công cộng với người lạ, tất cả đều gắn liền với tinh thần “uri” tập thể. Ở đất nước này, bất cứ căn nhà nào – cho dù đó là căn nhà mà bạn mua được – cũng đều thuộc sở hữu chung. Tương tự như vậy, công ty của bạn cũng là công ty của tôi, trường học và gia đình của bạn cũng là của tôi hết.

Dù cho bạn có sở hữu hay thuộc về một nơi nào đó, điều đó không có nghĩa là người khác không được phép trải nghiệm chung cảm giác được sở hữu hay thuộc về nơi đó. Cách nói “của tôi” vì thế được coi là biểu hiện của tính tự phụ, ích kỷ.

“Không có ranh giới rõ ràng giữa từ ‘tôi’ và từ ‘chúng tôi”, Giáo sư về văn hóa Hee-an Choi từ Đại học Boston cho biết. “Vì cách dùng từ ‘chúng tôi’ và ‘tôi’ thường thay thế nhau được, nên danh tính ‘chúng tôi’ cũng có thể được dùng thay cho danh tính ‘tôi’. Ý nghĩa chỉ ‘chúng tôi’ và ‘tôi’ cũng dễ dàng hiểu thay nhau không chỉ trong cách dùng tiếng Hàn thông dụng mà còn ẩn chứa trong tâm thức và vô thức của người Hàn.” 

Sáng tạo vĩ đại

Từ “uri” xuất phát từ Hàn ngữ, được biết, từ năm 1400 ở Hàn Quốc đánh dấu thời kỳ vàng son của vương triều Joseon, với thời gian trị vì gần 500 năm. Và trong số rất nhiều những di sản về toán học và văn hóa để lại, không thể không nhắc đến bảng chữ cái tiếng Hàn vẫn còn được sử dụng đến ngày nay.

Nhận thấy tình trạng phần lớn dân chúng trong xã hội không biết chữ cũng như không biết cách biểu lộ lời nói của mình, Vua Sejong đã tạo điều kiện cho sự phát minh của chữ Hangeul vào năm 1443.

Là một trong số những loại ngôn ngữ được con người tự tay sáng tạo chứ không nhờ quá trình phát triển và tiến hóa tự nhiên, Hangeul được phát minh với mục đích giúp cho nhiều người có thể dễ dàng tiếp cận loại hình chữ viết mới này, từ tầng lớp vua chúa cho đến dân nghèo, tất cả đều học được cách đọc và viết tiếng Hàn mà không gặp bất cứ trở ngại gì.

Hiện nay tại Hàn Quốc, mùng 9/10 trở thành ngày lễ quốc gia và được dành để kỉ niệm sự ra đời của chữ Hangeul (đối với Triều Tiên là ngày 15/1). Trên một bài viết được đăng ở Facebook, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chào mừng Ngày lễ Hangeul 2017 bằng câu nói: “Điều tuyệt vời nhất về Hangeul chính là việc nó được phát minh vì quyền lợi của nhân dân và với mục đích cao cả là phục vụ quần chúng nhân dân mà thôi. Ý nguyện của vua Sejong cũng là ý nguyện của nền dân chủ Hàn Quốc ngày nay”.

Với nền tảng là chữ Hangeul, ông Moon nhấn mạnh rằng, bất cứ người Hàn Quốc nào cũng sẽ đều được gom về thành một mối thống nhất với bản sắc và văn hóa chung: “Hangeul là tài sản vô giá của cộng đồng, góp phần kết nối con người lại gần nhau hơn”.

Đối lập về văn hóa

Với Eun-kyoung Choi, một thủ thư sống ở Seoul, tiếng Anh luôn khiến bà cảm thấy lạ lẫm. Khi nhớ lại việc phải học ngoại ngữ khác, bà cảm thấy khó chịu thậm chí cho rằng tiếng Anh rất ích kỷ. Nếu như tiếng Hàn, từ chữ viết đến từ vựng, đều xây dựng trên tính cộng đồng, thì tiếng Anh lại có vẻ cực kỳ cá nhân. Mọi thứ đều là “của tôi, của tôi, của tôi” và “tôi, tôi, tôi”, bà Choi nhận xét.

Được biết, bà Choi phải học tiếng Anh bởi chồng của bà là ông Julio Moreno đến từ Mỹ. Và sự đối lập trong giao tiếp văn hóa của họ trở nên rất rõ ràng. Tuy nhiên, mỗi một ngôn ngữ lại có một cái hay riêng của nó và người học ngôn ngữ phải có một góc nhìn khác và phải tìm hiểu kỹ càng về văn hóa của ngôn ngữ đó.

Chữ Hangeul của người Hàn Quốc
Chữ Hangeul của người Hàn Quốc

“Ngôn ngữ và văn hóa thường hòa trộn vào nhau. Ngôn ngữ thể hiện văn hóa và văn hóa thể hiện qua ngôn ngữ. Khi bạn học một ngôn ngữ mới, bạn phải suy nghĩ khác đi”, ông Julio Moreno nói. 

Học cách nắm vững các đại từ sở hữu dạng số ít và số nhiều, theo chuyên gia phiên dịch Kyung-hwa Martin thì đó là một trong những thử thách khó chịu nhất mà bất cứ người Hàn Quốc đang theo học các khóa học tiếng Anh cũng phải trải qua. Dù sao thì khi học một ngôn ngữ mới, ta cần phải nắm bắt được quan điểm sống có phần khác biệt hơn. 

“Trong văn hóa Mỹ ‘của chúng tôi’, ‘của tôi’ và ‘tôi’ là những những thực thể tồn tại độc lập không liên quan gì đến nhau. Nhưng trong văn hóa Hàn Quốc, mọi thứ lại không như vậy”, Giáo sư ngôn ngữ tiếng Hàn Ho-min Sohn từ Đại học Hawaii nhận xét, “Trong khi người Mỹ lại coi trọng giá trị cá nhân cũng như quyền tự do của bản thân, thì người Hàn lại đặt các mối quan hệ của mình trong vòng xoay của hệ thống tầng lớp xã hội cũng như lý tưởng vì tập thể và vì cái chung, đồng thời đề cao sự lệ thuộc giữa con người với nhau”. 

Có thể nói, ở Hàn Quốc, không có ranh giới rõ ràng giữa hai từ “tôi” và “chúng ta”. Hai từ này có thể hoán đổi vị trí cho nhau mà không làm người khác hiểu nhầm nghĩa. Và trong tiềm thức của người Hàn, khái niệm “tôi”, “của tôi” dường như không tồn tại. Nó được thay thế bởi “của chúng ta”, “chúng ta”.

Đọc thêm