Về miền Tây xứ Thanh xem thầy bùa làm túi “đuổi ma”

(PLO) - Theo quan niệm của người Mường, họ luôn tin rằng khi chết thì hồn ma vẫn còn vất vưởng, tồn tại trên dương gian. Ngoài “ma nhà” còn có “ma rừng”, “ma núi” ngự ở sông, suối... 
Chính vì đồng bào dân tộc Mường quen sống trên các đồi núi cao nên ma mãnh ám vào người là chuyện thường xuyên xảy ra. Và chỉ khi nào bị “ma ám” thì họ mới mời ông Mo, ông Ậu đến để bắt hoặc đuổi ma. Để hành nghề, các đạo sỹ giữa chốn núi rừng luôn có túi yểm, hay còn gọi là bùa để... “đuổi ma”.
Ông Ậu Bùi Văn Sơn trò chuyện về bùa ngải với phóng viên
Ông Ậu Bùi Văn Sơn trò chuyện về bùa ngải với phóng viên 
Giáp mặt túi bùa “đuổi ma”
Đến với xứ Mường, nhiều người vẫn chưa biết về công dụng trong túi phép của ông Mo, ông Ậu chữa bệnh gì và bằng phương pháp như thế nào. Bởi thế, trong chuyến công tác về miền Tây xứ Thanh, chúng tôi quyết định thâm nhập và các bản Mường để tìm hiểu bùa yêu và thuật yểm trở của các bà mế Mường... 
Và chúng tôi đã may mắn gặp được ông Bùi Văn Sơn (57 tuổi) ở làng Đồng Đa, xã Thành Công, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Ông Sơn là truyền nhân của người cha còn giữ được túi phép đuổi “ma rừng” trừ bùa yêu, kể cả tục gọi vía của trẻ con và người già.
Theo đồng bào Mường, ông Mo, ông Ậu đều là những người chuyên làm việc bên âm. Họ nắm giữ rất nhiều các thủ thuật “yểm phép” gia truyền mà ông cha để lại. Riêng ông Mo thường có “phép thuật” cao hơn ông Ậu, và họ chính là người chủ trì trong đám tang. Còn phép thuật của ông Ậu là gọi vía, trừ bùa yểm. 
Trong đời sống, ông Ậu thường làm phép để đuổi “ma rừng”, “ma nhà”, “ma sông”, “ma suối” ám vào người. Đặc biệt ông Ậu rất tinh tường phép thuật yểm bùa của người Mường.
Đồ vật trong túi yểm dùng để... đuổi ma của ông Sơn
Đồ vật trong túi yểm dùng để... đuổi ma của ông Sơn 
Ông Ậu có “túi phép” riêng, ít khi cho ai sờ mó vào. Và chỉ khi có người chết hoặc đau ốm thì “túi phép” này mới được đưa ra để sử dụng. Khi chúng tôi tìm đến nhà, ông Sơn đang đi làm đồng nên phải ngồi đợi khá lâu. Đợi một hồi thì ông Sơn cũng đi làm đồng về. Và để xem được “túi phép”, chúng tôi phải mua bánh kẹo để đặt đĩa cúng thì ông Sơn mới đồng ý. 
Khi biết chúng tôi là phóng viên muốn tìm hiểu về bùa ngải của người Mường, ông Sơn tỏ vẻ ngại ngùng chưa muốn bật mí. Ngay sau khi được chúng tôi nói bằng tiếng Mường, lúc này ông Sơn mới tỏ ý thân thiện và bày từng đồ vật của mình ra đĩa rồi dần hé lộ sức mạnh siêu nhiêu của nó.
Ông Sơn nói: “Đây là túi phép trị bùa ngải của ông cha để lại, ít khi tôi cho người ngoài xem. Vì các anh muốn tìm hiểu về bùa chài của người Mường nên tôi mới mạn phép tổ tiên”. Theo ông Sơn, “túi phép” này đã trải qua bốn đời người. Và đến nay, “túi phép” này vẫn còn sức mạnh trong cộng đồng dân tộc. 
Hiện cứ gia đình nào cần giải bùa ngải, gọi hồn vía, bắt ma là ông Sơn lại mang “túi phép” đi. Khi làm lễ cúng “bắt ma”, trừ bùa yêu, ông Sơn thường mặc đồ màu đen, trên đầu đội mũ lông công, tay cầm quạt phe phẩy.
Một ông thầy đang làm lễ cúng để gọi hồn vía, đuổi “ma rừng”
Một ông thầy đang làm lễ cúng để gọi hồn vía, đuổi “ma rừng” 
Khi được hỏi chuyện về công dụng của “túi phép”, ông Sơn bật mí: “Trong túi này gồm có 18 đồ vật như: Nanh hùm, nanh lòi, sừng nai, rìu dữ vía, nanh ma ươi, nanh con kéo lẹt trên rừng… Trong đó chầm sét (hay chiếc rìu thiên lôi) là vật có sức mạnh vô biên, nó có thể quản hết các loại ma và bùa ngải. Để giải được bùa ếm vào người đòi hỏi ông thầy phải am hiểu phép thuật, tức là phải biết câu thần chú.
Thần chú giải bùa trong “túi phép”
Cũng theo ông Sơn, tùy theo mức độ bùa ngải ếm vào người nặng hay nhẹ để dùng các đồ vật cho hợp lý. Ngoài bùa ngải, người dân thường sống ở đồi núi nên họ phải đối diện với các con thú dữ. Thông thường họ bị ám ảnh bởi các con vật sống ở chốn “rừng thiêng nước độc”. Ở đó chính là nơi trú ngụ của “ma rừng”. 
“Ma rừng” là những người chết chưa đến độ tuổi thờ cúng (ước định chỉ 10 - 14 tuổi - PV). Những hồn ma này họ thường bấu víu vào người đi rừng sau đó đi theo về nhà để... đòi được ăn cơm.
Theo quan niệm của cộng đồng Mường, những hồn ma này sẽ ám vào người dẫn đến bệnh tật ốm đau, chết chóc. Một khi đã bị ma ám thì chỉ có các ông Ậu mới làm phép xua đuổi được. Thực tế đã có nhiều trẻ nhỏ bị ma ám đến mức đau ốm nằm liệt ở trên giường. 
Chuyện bị ma ám đã ăn sâu và tiềm thức của người dân suốt nhiều đời nay. Họ không còn cách nào khác, ngoài việc gọi ông Ậu đến để làm phép. Theo như lời ông Sơn, nhiều người được ông Ậu làm phép bỗng nhiên cũng trở nên khỏe khoắn.
Bát nước sẽ được ông Ậu thả vào nanh lòi, nanh hùm để đọc thần chú
Bát nước sẽ được ông Ậu thả vào nanh lòi, nanh hùm để đọc thần chú 
Để chứng minh cho điều mình nói, ông Sơn liền rút ra chiếc rìu thiên lôi đưa lên miệng rồi đọc thầm câu thần trú bằng tiếng Mường với đại ý: “Cung lành lằng làng xạ/ lá lành lằng lá nhân thân/ dặn họ mang ra chầm sét này/ tao nói mày phải nghe, tao bảo mày phải biết/ con bị bệnh tên gì? Tao lấy chầm này ra, tao mài vào ao xanh nước lã, cho người uống vào 3 hớp cho nó đứng bụng khả vẳng cho khỏi...”.
Theo ông Sơn, khi đọc câu thuần chú các ông thầy thường thể hiện sự bí hiểm được tỏ rõ qua khuôn mặt. Đa phần câu cuối cùng họ không đọc to và người ngoài cũng không thể nghe rõ vì đó là bí mật gia truyền. Chính câu chốt cuối cùng sẽ quyết định số phận con ma hoặc bùa ngải đang ám vào người bệnh nằm ở trên giường. Người Mường thường chia ma thành hai loại, một ở trên rừng và loại ở dưới nước. 
 
“Ma rừng” thường ở trên cây, đường đi, hang hốc… Còn ma ở dưới nước thường trú ngụ ở sông, suối, biển. Đồng bào vùng cao xứ Mường thường tiếp xúc với rừng núi, sông suối nên va chạm với những con vật vô hình đó là điều không thể tránh khỏi, họ cho rằng chính những con ma đó đã ám họ dẫn đến ốm đau.
Với hai loại ma trên, đồ vật trong túi phép của ông Sơn cũng được phân ra làm hai dạng. Để đuổi con “ma rừng” phải dùng: Nanh hùm, nanh lòi, sừng nai, rìu giữ vía, nanh ma ươi, nanh con kéo lẹt. Nếu đuổi con ma ở dưới nước thì sẽ dùng: Đỉa cọc, con đỉa tỷ phủ, trứng cá, nanh tỷ trứng cá, đá răng cầm, đá biển. Khi làm phép ông Sơn không thể quên kiếm, dao ấn phép, trứng kén cùng lá lành lằng.
Âm dương, là những đồng tiền cổ, còn một loại gọi là “cảo” được làm bằng cây nứa. Để lấy được cây nứa làm cảo ông Ậu phải đi chín ngọn đồi, khi chọn được cây phải biết “tính cung” của thân cây mới chặt được. Nếu chẳng may ông Ậu đem dao chặt bừa thì sẽ bị ốm đau bệnh tật, hoặc mãi mãi không thể trừ tà ma được. 
Ông Ậu đang làm phép bằng cách đọc thần trú vào bát nước lã
Ông Ậu đang làm phép bằng cách đọc thần trú vào bát nước lã
Hiện “túi phép” của ông Sơn có thể giải trừ được bùa yêu, kể cả thuật yểm trở hiểm ác nhất của các bà mế cao tay ở xứ Mường. Khi chúng tôi tỏ ý hỏi về cách làm bùa yêu để các đôi trai gái họ đến với nhau, ông Sơn cười và bảo: “Khi nào phóng viên có thời gian ra nhà uống rượu, tôi sẽ kể cho các anh nghe, cái này phải kể một đêm mới xong được”.
Theo cụ Bùi Văn Cứa (73 tuổi), khi còn nhỏ cụ đã từng chứng kiến rất nhiều các bà mế làm bùa yêu, kể ca thuật yểm bùa dẫn đến chết người ở trong các bản Mường. Ông Cứa nói: “Giải bùa yêu và thuật yểm trở của các bà mế, các ông thầy đều phải có câu thần chú gia truyền. Khi giải trừ bùa ngải, câu thần trú này các ông Mo, ông Ậu không bao giờ tiết lộ, nếu tiết lộ thì họ cũng chỉ tiết lộ một nửa”.
Cũng theo ông Cứa, thuật giải bùa của các ông Ậu chủ yếu dùng bằng nước lã. Sau khi hà hơi, đọc thần trú, ông thầy sẽ lấy lá lành lằng (loại lá này có đặc điểm hình dáng gần giống với lá hành - PV) thái nhỏ, cho vào bát nước. 
Nếu có người bị ốm nặng, ông thầy sẽ rút chiếc rìu thiên lôi trong “túi phép” ra nhúng vào bát nước lã, đưa lưỡi rìu qua trái rồi lại qua phải 3 lần, chém nhẹ vào người đang bị dính bùa ngải. Nước trong bát sau khi được niệm thần trú sẽ được ông thầy vẩy lên tất cả các bộ quần áo để xua đuổi tà khí. 
Khi hỏi về thuật làm bùa yêu, ông Cứa nói: “Từ nhỏ đến giờ tôi cũng đã từng chứng kiến rất nhiều đôi trai gái bị bỏ bùa yêu. Theo tôi bùa yêu ở trong các bản Mường là có thật...”.