Vì sao Gặp nhau cuối năm bị “soi“?

(PLO) - Chương trình Gặp nhau cuối năm hình như được dư luận chú ý quá mức vào mỗi dịp cận Tết. Vì nó không đơn thuần là chương trình hài.
Trai đẹp bị nước khác trục xuất nhưng được chào đón ở Việt Nam- một tình tiết trong Gặp nhau cuối năm
Trai đẹp bị nước khác trục xuất nhưng được chào đón ở Việt Nam- một tình tiết trong Gặp nhau cuối năm
Phải chăng khán giả quá bận rộn nên cứ phải để dành đến Tết cười một thể?. Nhưng biết đâu cá biệt có một số người sợ bị cười nên khán giả đành phải nhịn?!.
Không dễ gì kiếm được cặp vé xem Gặp nhau cuối năm ghi hình tại Cung Văn hóa Hữu Nghị. Dù đêm diễn thứ hai (21/1), sức ép về khán giả đã giảm bớt so với đêm đầu, nhưng theo lời rao của một "phe" vé thì giá vé tầng một vẫn lên tới 3,5 triệu/cặp, còn tầng hai là 2,5 triệu đồng.
Nếu khán giả sẵn sàng bỏ ra số tiền gần như thế để mua vé, thì thiết nghĩ cũng nên cân nhắc chuyện bán vé chương trình. Như thế nhà đài cũng đỡ phải đi xin quảng cáo, mà lại có nguồn thu để làm các chương trình khác.
Mặc dù khán giả của Gặp nhau cuối năm cũng như của nhiều show truyền hình khác sẽ phải tuân theo một số quy định của trường quay, nhưng với sức nóng của chương trình, chắc hẳn họ cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để được BTC “hành hạ” kiểu bắt vỗ tay đi vỗ tay lại và cười khi chương trình chưa diễn ra - để ghi hình, thậm chí bị tịch thu điện thoại nếu trót lỡ ghi hình buổi diễn.
Gặp nhau cuối năm không chỉ “nóng” với khán giả mà hẳn là còn rất nóng với các cơ quan công quyền, ít nhất là với Bộ VHTT&DL. Trước khi chương trình diễn ra, Bộ xem ra không tin tưởng vào một cơ quan ngang tầm với mình là đài truyền hình quốc gia nên bằng công văn đã cẩn thận “nhờ” Ban Tuyên giáo để ý giùm nội dung chương trình xem có gì “thô tục”.
Xét trên một khía cạnh nào đó, Gặp nhau cuối năm rất có thể cũng “thô tục” thật khi nó không đơn thuần là một chương trình giải trí ngày Tết, mà toàn nói những chuyện không hay hoặc rất không hay có tác động tiêu cực tới xã hội trong suốt một năm. 
Theo một ngữ nghĩa nào đó, những chuyện thực tế đó cũng đã đủ độ “thô tục” thì mới được nhắc tới khi khán giả cả nước Gặp nhau cuối năm qua màn ảnh nhỏ. Nếu có một chương trình thời sự tổng kết năm nhắc lại tất cả những chuyện trên, chả lẽ cũng làm một vài “Bộ” nào đó giật mình, nghĩ cách phòng xa?. Hay chỉ khi tất cả được thuật lại trên tinh thần hài hước để họ có nguy cơ bị cười thì họ mới trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết?.
Động thái của Bộ VHTT&DL có lẽ không hẳn là vô ích. Táo Văn hóa chỉ xuất hiện cho có trong màn chào kết, nói vài câu vô nghĩa mà lại còn chệch sang vấn đề an toàn thực phẩm và đổ luôn cho sự thiếu ý thức của “một số người dân”.
Các vấn đề liên quan đến quản lý văn hóa cũng chỉ bị lướt qua. Chẳng hạn khi Táo Giao thông và Táo Y tế đang đứng hát với nhau trước khi vào chầu thì bị Bắc Đẩu đi qua đòi giấy phép hành nghề hát. Rút cuộc giấy phép vẫn là cái phong bì.
Táo Giáo dục chung thân phận với Táo Văn hóa, chẳng được ra báo cáo chính thức. Nhưng chuyện bảo mẫu thì trở thành cái trục chính của kịch bản. Chính Ngọc Hoàng cũng bị Nam Tào giúi đầu vào thùng nước do học tập cái clip bạo hành trẻ con ở hạ giới.
“Ghê” hơn, Ngọc Hoàng này lại chính là một người dân. Vì Ngọc Hoàng thật bị mệt nên anh Tèo ở hạ giới đã được thuê để đóng thế. Ý tưởng táo bạo này đem lại nhiều tình huống hài hước những khi Tèo quên vai, lộ vở.
Sự hài hước có khi trở nên sâu cay khi với tư cách người dân, Tèo không thể ngồi yên trong lốt Ngọc Hoàng nghe các Táo nói những lời vô trách nhiệm, thậm chí vô liêm sỉ.
Sự chủ động quên vai của Tèo dẫn đến việc “hành hung” Táo Điện lực hay thẳng tay xử phạt Táo Y tế chính là điểm nhấn đặc biệt của Gặp nhau cuối năm 2014.

Đọc thêm