Vì sao sân khấu kịch Sài Gòn vẫn sáng đèn?

(PLO) - Không phát triển mạnh mẽ và chưa thể trở thành hình thức giải trí quá phổ biến với người dân, nhưng thời gian qua, nhiều hoạt động của kịch nói Sài Gòn đã cho thấy sức sống mãnh liệt, dù trải qua không ít gian nan.
Cảnh trong vở "Dạ cổ hoài lang"
Cảnh trong vở "Dạ cổ hoài lang"
Vượt qua cái khó về con người
Cuối tháng 3 vừa qua, sân khấu Hoàng Thái Thanh tổ chức thi tuyển cho lớp đào tạo diễn viên trẻ, đồng thời tuyển diễn viên cho vở kịch “Hoàng tử và Lọ Lem” sắp ra mắt vào tháng 5 tới. Rất đông ứng viên là sinh viên các trường đào tạo diễn viên và những người trẻ không chuyên có niềm đam mê diễn xuất.
Sự kiện này khiến rất nhiều người quan tâm đến sân khấu Hoàng Thái Thanh “vui lây”. Hoàng Thái Thanh là một sân khấu “sinh sau đẻ muộn” nhưng ra đời từ những nghệ sĩ đầy tâm huyết với nghề, đã cho ra mắt nhiều vở diễn có chất lượng, góp phần làm thay đổi diện mạo sân khấu phía Nam.
Tuy nhiên thời gian qua, sân khấu này gặp không ít trắc trở, từ việc phải cầm cự với kinh phí lớn, khán giả chưa nhiều... 
Mới đây, sân khấu này đã trải qua một cuộc “di cư” từ khu vực trung tâm thành phố đến khu vực xa hơn nhằm tiết kiệm chi phí cũng như tổ chức lại chuyên nghiệp hơn. Việc Hoàng Thái Thanh tổ chức tuyển diễn tuyển trẻ và thu hút sự tham dự của nhiều người trẻ chứng tỏ sức thu hút của sân khấu Hoàng Thái Thanh nói riêng và kịch nói nói chung đối với giới trẻ Sài Gòn.
Thiếu người, mà cụ thể là thiếu lớp diễn viên trẻ lành nghề, đó là thực trạng nhiều năm nay của các sân khấu phía Nam. Ai cũng biết diễn viên kịch là nghề đòi hỏi khả năng diễn xuất cao, đòi hỏi khổ luyện, nhưng cát xê không cao và vinh quang không rực rỡ như một số lĩnh vực nghệ thuật khác.
Chính vì vậy, phải thực sự yêu nghề, say mê nghệ thuật kịch nói lắm mới có thể gắn bó với nó. 
Một thời gian, hầu hết các nghệ sĩ kịch nói trẻ có chút tiếng tăm bám trụ tại các sân khấu ở TP.Hồ Chí Minh đều xuất thân từ các lĩnh vực khác. Thậm chí, có lúc còn rơi vào khủng hoảng “thừa và thiếu” khi mà những gương mặt sáng, đẹp thì nhiều nhưng người diễn có chất thì quanh đi quẩn lại chỉ vài người.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, yếu tố con người bắt đầu khởi sắc khi mà các sân khấu không chờ đợi diễn viên được đào tạo chính thống từ các trường đại học, cao đẳng nữa mà tự mình tổ chức các khóa đào tạo theo tiêu chí riêng của mình.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh tuyển và đào tạo diễn viên từ 5 năm trước, nay đã thành những diễn viên “cứng cựa” được yêu mến, và sân khấu này cũng đang đẩy mạnh việc tuyển chọn như vừa qua. 
Sân khấu Idecaf thì theo hướng kết hợp với đạo diễn Vũ Minh của Trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh, tuyển lựa những sinh viên ra trường nhưng không có việc làm để đào tạo lại theo tiêu chí riêng của Idecaf, lớp diễn viên nay đã “quen việc” và bắt đầu tham gia vào các vở diễn cùng với các thế hệ diễn viên gạo cội của sân khấu này.
Về phía sân khấu kịch Hồng Vân, sau nhiều khóa chọn lựa diễn viên cũng đã cho “ra lò” được nhiều gương mặt trẻ diễn xuất tốt, làm mới không khí của sân khấu, tạo dấu ấn trong lòng khán giả...
Tìm nhiều hướng đi để phát triển
Thời gian qua, công chúng cũng chứng kiến một hướng đi mới của sân khấu kịch phía Nam là dựng lại các vở cũ, hoặc tái hiện kịch bản từ các vở kịch kinh điển (sân khấu Idecaf với “Dạ cổ hoài lang”, sân khấu Hoàng Thái Thanh với “Nửa đời hương phấn”)...
Sân khấu Idecaf lại có dự án rất đáng hoan nghênh mang tên "Tôi yêu Tổ quốc Việt Nam, tôi yêu lịch sử Việt Nam" với việc dựng lại các vở kịch lịch sử dành cho người lớn và thiếu nhi như “Thánh Gióng”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Bí mật vườn Lệ Chi”… 
Ngoài ra, sân khấu này cũng “tấn công” vào nhạc kịch với nhiều vở diễn tạo ấn tượng trong khán giả: “Sơn ca không hót”, “Tình yêu không thiên đường”... Các hướng phát triển mới cũng luôn được nhiều sân khấu kịch ở TP.HCM tìm tòi và khai thác như kịch ma, kịch trinh thám, nhạc kịch...
Cảnh trong vở kịch “Nửa đời hương phấn”.
Cảnh trong vở kịch “Nửa đời hương phấn”.  
Giữa thời buổi khó khăn của các ngành nghệ thuật truyền thống thì việc nhiều sân khấu kịch ở TP.HCM vẫn ra đời, các sân khấu vẫn thường xuyên sáng đèn, cho ra đời những vở mới, nhiều vở chất lượng, gây tiếng vang... là điều rất đáng mừng. Rồi những dịp cuối tuần, nghỉ lễ, nhiều sân khấu “cháy vé”. Những lần Idecaf dựng vở mới là người dân thành phố, người dân tỉnh xa phải đặt trước cả tháng mới có vé xem...
Những điều này không dưng mà có. Để kịch nói phía Nam duy trì và luôn sáng đèn như hiện nay, không phải là chuyện dễ dàng, và với các “ông bà bầu” của các sân khấu thì đây không còn là việc kinh doanh nghệ thuật mà đã trở thành câu chuyện của niềm đam mê, của khát khao duy trì và phát triển nghệ thuật kịch nói.
Người ta thường kể có ông bà chủ sân khấu phải cầm nhà, chơi một “ván bài liều”để phục dựng một vở kịch hay đem đến với công chúng. 
Hay như nghệ sĩ Ái Như, chủ sân khấu Hoàng Thái Thanh ai cũng biết, với gia cảnh khá giả, con cái ổn định, nghệ sĩ này đáng ra đã có thể an hưởng tuổi già, nhưng chị vẫn cống hiến hết sức mình, tìm vở, dựng vở rồi trực tiếp diễn... Đến giờ, chị vẫn lao tâm khổ tứ tìm hướng đi cho sân khấu, vì trót mê nghề, vì trót yêu sân khấu này như yêu một phần đời của mình.
Còn những người như thế, còn những người trẻ bỏ qua những cái khó về tài chính, bỏ qua sự thiếu vinh quang để cháy hết mình, tin rằng kịch nói Sài Gòn còn sống tốt, còn vươn xa...