Viết “Vua Phật” để khơi dậy lòng tự hào lịch sử dân tộc

(PLO) - Tối nay (23/11), tại Nhà hát Âu Cơ, Hà Nội vở cải lương “Vua Phật” chính thức được công diễn. 
Tác giả kịch bản là người vốn ngoại đạo với sân khấu nhưng lại rất quen thuộc với giới Phật giáo Việt Nam – TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ. Trước giờ mở màn buổi diễn, tác giả kịch bản đã dành cho Pháp luật Việt Nam những trao đổi về “Vua Phật”.
TS Bùi Hữu Dược (áo trắng) tại buổi họp báo về vở cải lương “Vua Phật”
TS Bùi Hữu Dược (áo trắng) tại buổi họp báo về vở cải lương “Vua Phật”
Là một nhà nghiên cứu và làm công tác quản lý nhà nước về Phật giáo, nói theo ngôn ngữ nhà Phật thì cơ duyên nào đã đưa ông đến với công việc “ngoài nghề” này?
- Người xưa nói rằng, dạy văn để làm người, dạy toán để tư duy và dạy sử để không quên nguồn gốc. Ngày ngày, chứng kiến một bộ phận trong xã hội, giới trẻ lãng quên lịch sử nước nhà tôi rất đau lòng. Thêm vào đó, công tác lâu năm trong lĩnh vực Phật giáo tôi rất muốn sẻ chia để cho mọi người cùng biết về Đức Vua Trần Nhân Tông – một vị vua anh minh, một vị Phật sống của dân tộc. Khơi dậy lòng tự hào về lịch sử dân tộc Việt Nam, về những vị minh quân với ý chí tự lực tự cường vì dân, vì nước, đó là điều nên làm và đó cũng là căn nguyên khiến tôi quyết định viết “Vua Phật”. 
Lúc đầu ý định của tôi làm một quyển sách viết cho giới trẻ, nhưng khi đọc bản thảo, các đạo diễn sân khấu thấy trong đó có nhiều chất liệu để dựng được một vở diễn nên đã đề nghị tôi đồng ý cho chuyển thể thành kịch bản sân khấu. Tôi nghĩ đây cũng là một cơ duyên lành, dùng loại hình nghệ thuật dân tộc để ca ngợi con người xuất chúng của dân tộc.
Kịch bản “Vua Phật” của ông được giới chuyên môn đánh giá là có nhiều kiến thức sâu sắc hơn so với một số kịch bản sân khấu đã từng xây dựng về nhân vật. Ông có thể lý giải nhận định này từ góc độ của tác giả?
- Chủ quan cá nhân tôi nghĩ có hai lý do để đi đến nhận định này. Thứ nhất đó là Phật hoàng Trần Nhân Tông là một nhân vật rất đặc biệt của lịch sử Việt Nam. Hay nói như Hòa thượng Thích Thanh Từ, người đứng đầu Thiền phái Trúc Lâm hiện nay - Phật hoàng Trần Nhân Tông là bậc “kỳ đặc” – kỳ tài và đặc biệt. Thế nên tự thân cuộc đời của Vua Phật đã là một câu chuyện hay cho hậu thế. Lý do thứ hai, bản thân tôi đã có thâm niên công tác Phật giáo nên cũng có được những am hiểu nhất định về lĩnh vực này. Cốt truyện của tôi viết theo lối chương, đoạn về toàn bộ cuộc đời của Vua Phật từ trẻ đến già. Và trong mỗi giai đoạn của Vua Phật đều thể hiện được đầy đủ hai chữ “kỳ đặc”. Tôi chỉ xin trích dẫn ra đây một số ví dụ. 
Chắc nhiều người học lịch sử Việt Nam đã biết đến hai hội nghị nổi tiếng trong lịch sử là Hội nghị Bình Than và Hội nghị Diên Hồng. Đó là một trong những dấu son trong cuộc đời làm vua của Đức Vua Trần Nhân Tông. Khi sinh ra, theo sử sách ghi lại ngài đã có sự đặc biệt, đó là cả cơ thể được tạc từ một khối vàng, nét mặt thông minh, đĩnh ngộ, được vua cha gọi là Kim Phật. Năm 21 tuổi, ngài lên ngôi Hoàng đế, ở địa vị cao sang nhưng ngài luôn giữ mình thanh tịnh, sớm giác ngộ chân tâm. 
Dưới triều đại của Đức Vua Trần Nhân Tông, quân dân ta đã 2 lần dẹp tan quân Nguyên Mông với 2 hội nghị nổi tiếng được ghi vào lịch sử là Hội nghị các tướng lĩnh ở bến Bình Than và Hội nghị các bô lão ở điện Diên Hồng. Điều đó thể hiện sự đoàn kết, vua tôi một lòng, quân dân gắn kết dưới sự dẫn dắt tài tình với tâm từ bi ảnh hưởng từ Phật giáo của ngài. 
Năm 1293, sau khi trao lại ngôi vua cho con là Trần Anh Tông, ngài lên ngôi Thái Thượng Hoàng và sau 6 năm, đến tháng 10 âm lịch năm 1299, ngài xuất gia lên núi Yên Tử tu hành rồi lập thiền phái Trúc Lâm vun bồi trí đức theo phương châm “dựng đạo tạo đời”. Sau khi đắc đạo, Phật hoàng đã đi nhiều nơi khuyên dạy nhân dân tu hành thập thiện, mở rộng bang giao với lân quốc cho tới khi ngài viên tịch. 
Trần Nhân Tông là một vị “vua đời – vua đạo”. Ngài đi tu không phải vì chán ghét chuyện đời mà xuất gia, lấy đức hiếu sinh để cảm hóa nhân loại, vì Phật giáo có câu: “Lệch kê, lấm rửa” ý nói ai cũng có tâm đạo và không ai là người xấu cả nếu tự biết thay đổi mình. Dẫu hiện nay những điều được biết về Vua Phật vẫn là quá nhỏ so với những giá trị to lớn mà cuộc đời, công hạnh của ngài đã để lại cho hậu thế, nhưng tôi vẫn muốn viết lại để các thế hệ thêm hiểu và trân trọng, phát huy những giá trị lịch sử vô giá của đất nước ta thông qua hình tượng Vua Phật. 
Xin cảm ơn ông!
Diễn viên đóng “Vua Phật” ăn chay, thiền định mỗi ngày để hoàn thành vai diễn
Nói về quá trình dàn dựng vở kịch “Vua Phật”, nghệ sĩ Quang Khải và Minh Hải hai diễn viên của Nhà hát Cải lương Việt Nam vào vai Phật hoàng Trần Nhân Tông cho biết: “Khi được giao vai diễn Phật Hoàng Trần Nhân Tông thực sự là một áp lực vì đây là một nhân vật lịch sử nổi tiếng và vai diễn có liên quan tới Phật giáo. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của đạo diễn Triệu Trung Kiên, tác giả kịch bản Bùi Hữu Dược và sự tham vấn của các nhà sư trong Giáo hội  Phật giáo Việt Nam, chúng tôi đã phát tâm ăn chay, niệm Phật, thiền định mỗi ngày để đạt tới cảm giác xuất thần trong vai diễn của mình. Hy vọng vở diễn sẽ chạm tới trái tim nhiều khán giả”.

Một điều khá đặc biệt, vở cải lương “Vua Phật” được xây dựng từ nguồn vốn 100% xã hội hóa. Tất cả số lượng vé của 3 đêm công diễn tại Hà Nội vào ngày 23,24 và 25/11 đều là vé mời miễn phí. Sau khi công diễn tại Hà Nội, vở diễn sẽ được tiếp tục biểu diễn miễn phí tại các Trung tâm văn hóa Phật giáo, đình, chùa ở các địa phương trên cả nước.

Đọc thêm