'Vua rừng' nơi đất khó...

(PLO) - Nép mình yên lặng bên thị trấn Yên Bình của tỉnh Yên Bái, mùa này, nơi đây những rặng mơ, mận mải miết phả vào nền trời miền sơn cước một màu tuyết và hương thơm không thôi dìu dặt. Và muôn vàn loại kỳ hoa dị thảo xen lẫn với cây rừng, người dân ở đây gọi đó bằng tên gọi Hạnh hoa viên…      
Ông Nguyễn Ngọc Hiên, chủ nhân của Hạnh hoa viên nhiều huyền thoại truyền kỳ ở mảnh đất vùng sơn cước.
Ông Nguyễn Ngọc Hiên, chủ nhân của Hạnh hoa viên nhiều huyền thoại truyền kỳ ở mảnh đất vùng sơn cước.

Chủ nhân Hạnh hoa viên

Người giúp việc bảo với tôi muốn gặp chủ nhân Hạnh hoa viên thì cách duy nhất bây giờ là đi bộ lên núi mà tìm. Mấy năm trước thì ông quán xuyến hết mọi việc nhưng bây giờ, ông gần như phó thác lại cho mấy người con, hàng ngày ông chủ yếu lên núi để trồng trọt và đọc sách. Có khi ở hẳn trên đó mấy ngày trời.  Và rồi tôi gặp ông trong “Đình tình rừng”. Tôi không hiểu vì sao có tên gọi đó nhưng “Đình tình rừng” trước mắt tôi trông như… một ngôi đền. Phía trước là chiếc hồ bán nguyệt nước từ khe núi chảy vào róc rách và nằm cheo leo ở lưng quả đồi. 

Đón tiếp chúng tôi là một người đàn ông có khuôn mặt hiền hậu, mái tóc nước thời gian gội bạc, quần xắn móng lợn… ông là Nguyễn Ngọc Hiên, chủ nhân của Hạnh hoa viên nhiều huyền thoại truyền kỳ ở mảnh đất vùng sơn cước này. Bố mẹ ông Hiên gốc làng Đông Ngạc, Từ Liêm nhưng dắt nhau lên làm ăn ở Yên Bái từ những năm đầu của thế kỷ XX. Ông Hiên cùng bốn người anh em trai khác được sinh ra trên mảnh đất Yên Bái. 

Gia đình ông nổi tiếng với nghề buôn bán và sự giàu có. Ông Hiên nói bố mẹ ông kỳ lạ lắm. Kỳ lạ ở cái cách làm ra nhiều tiền, lắm của và kỳ lạ ở cả cái cách họ giúp đỡ những người nghèo. Và kỳ lạ ở cái lòng yêu nước của các cụ. Khi thương hiệu Trâu Vàng đã nổi danh như cồn ở Yên Bái thời kỳ đó, khi mà công việc làm ăn phát đạt thì để hưởng ứng cho kế hoạch toàn quốc kháng chiến, hai cụ sẵn sàng bỏ tất cả để tiêu thổ kháng chiến thực hiện “vườn không nhà trống”.

Bỏ đi cả một gia tài chỉ bởi một suy nghĩ, nước mất thì nhà cũng chẳng còn. Các cụ đã bỏ đi tất cả để theo bà con về nông thôn. Từ một gia đình giàu có, về sống cuộc sống ruộng vườn, các cụ lại dạy các con những bài học đầu tiên về tính cần cù và tinh thần lao động. Mẹ ông, trong một lần ốm nặng đã bảo: “Có học là có tất cả. Dù ở hoàn cảnh nào các con cũng phải học. Học từ nhà trường và học cuộc đời” - nói xong cụ lâm chung.

Năm anh em trai ông, ba người là chiến sỹ tham gia kháng Pháp, riêng ông và cậu út đã giấu bố, viết thư bằng máu xin được lên đường chống Mỹ. Để rồi mấy năm cầm súng trong một lần hành quân ở Linh Cảm (Hà Tĩnh) ông bị thương và phải ra quân vào đầu 1970.  Xuất ngũ trở về, ông được nhận vào một cơ quan xây dựng ở Hà Nội. Làm được một thời gian ông cưới vợ nhưng cuộc sống quá khó khăn, nhớ về nơi mảnh đất có cha mẹ yên nghỉ với bao dự định còn dang dở, vợ chồng ông xin trở lại Yên Bái.       

Sống giữa  “gò căm”       

Yên Bình của những năm 1970 hoang vu và sơn lam chướng khí. Ngày trở lại thị trấn Yên Bình, ông xin địa phương một mảnh đất nằm cạnh quốc lộ (rìa thị trấn Yên Bình bây giờ). Hàng ngày hai vợ chồng ra sau nhà phát nương làm rẫy sống một chặng đường bình dị cùng cây cỏ. Khi những khoảnh đất quanh nhà đã hết, ông đi dần vào phía trong. Qua lớp cỏ lác, một khu rừng hiện ra mà ông kể, thời điểm ấy, dù đã ở một thời gian ông không hề biết ngôi nhà mình đang ở lại gối đầu vào một cánh rừng. Không biết cũng phải bởi nó nguyên sơ diệu vợi và im lìm quá, mà con người lúc đó lại quá nhỏ bé trước thiên nhiên. 

Vài nhát cuốc đầu tiên trên mảnh đất mới, mồ hôi đầm đìa, chân tay bủn rủn. Kỳ lạ, ông vào nhà nằm để rồi sau đó là một cơn sốt li bì. Già làng đến thăm hốt hoảng: “Ai bảo con dám động vào “gò căm”. Chốn ấy không được con à. Phải bỏ nơi ấy thôi” - ông Hiên nhớ lại.  Những lời nói từ vị già làng đó làm ông phát hoảng. Nhưng rồi, từ suy nghĩ của một người có học, đã bôn ba nhiều, đã đọc nghìn trang sách làm ông suy nghĩ. Ông không tin đó là sự thật, làm gì có chuyện thần thánh ma quỷ ở đây.

Bưởi Đại Minh - một loại bưởi ngon nổi tiếng dùng để tiến vua gắn với truyền thuyết những trái bưởi thả xuống dòng sông gửi một thông điệp cho người ở cuối dòng sông cũng xuất hiện trong Hạnh hoa viên của ông.
Bưởi Đại Minh - một loại bưởi ngon nổi tiếng dùng để tiến vua gắn với truyền thuyết những trái bưởi thả xuống dòng sông gửi một thông điệp cho người ở cuối dòng sông cũng xuất hiện trong Hạnh hoa viên của ông.

Nghĩ vậy nhưng vài ngày sau ông cũng tìm đường vào các bản làng lân cận. Bà con dân tộc khi ông nhắc đến “gò căm” ai nấy đều rúng động. Cụ già nhiều tuổi trong làng kể cho ông nghe rằng, thời trước, một toán thợ vào rừng săn bắn, khi về ai nấy đều ốm liệt, không ai sống nổi quá một tháng. Trâu bò ăn cỏ có đi lạc vào khi về cũng ốm đau khó sống khỏi. Từ đó dân làng gọi vùng đất này là “gò căm”. “Gò căm” tiếng Tày là rừng thiêng. Vậy nên dù sống xung quanh đấy nhưng “gò căm” là một lãnh địa, một vùng đất cấm mà bấy lâu không in dấu bước chân người” - ông Hiên lý giải.

Vợ ông nghe chuyện, nhất quyết không cho ông khai thác trồng trọt gì ở mảnh đất này nữa. Nhưng trong trái tim một con người trí thức, từng kinh qua chiến tranh, đã có những lúc cận kề cái chết ông lại không nghĩ vậy. Trong khi cả nước đang bắt đầu khuyến khích nông dân phủ xanh đất trống thì tại sao một khu rừng hoang phế như vậy mình không dùng sức để cải tạo lại. Mang về những giá trị lao động cho con người. Ông đặt giả thiết để lấy niềm tin: “Nếu có thần thánh thì thần thánh đầu tiên vẫn phải bảo vệ và ủng hộ người tử tế. Tôi làm công việc này không một chút tư lợi, nếu thành công còn có thể tạo đà và công ăn việc làm cho muôn người nông dân khác” -  ông Hiên nhớ lại suy nghĩ ngày ấy.

Nghĩ vậy ông quyết làm. Quyết làm nhưng chọn một ngày lành, ông cũng đứng trước cửa rừng mà khấn vọng: “Con làm việc này trước hết là sự thiện tâm của mình. Nếu có thánh thần cũng xin soi xét”. Và ông lại tiếp tục những nhát cuốc cho kế hoạch khai hoang của mình. Và trời yên bể lặng, cỏ cây xanh tốt. Công việc của ông thuận buồm mát mái, cây cối đơm hoa kết quả và như lời ông, từ bấy đến nay ông cũng chẳng mắc phải một chứng bệnh gì nghiêm trọng. Con cái học hành đàng hoàng. Ước mơ biến “gò căm” thành “gò yên” của lão nông tri điền này đã thành hiện thực.       

Mầm xanh trên đất mới

Ngồi nói chuyện với ông Hiên, không hiểu sao tôi lại thấy “dị nhân” này là một minh chứng sống động nhất cho việc bám rừng, bám đất. Bất kể vùng đất nào mình đều có thể khai thác hiệu quả nếu mình đi đúng hướng. Làm được những việc này không dễ. Ông bảo, không tính ở tỉnh Yên Bái này mà ở mỗi vùng đất ông có dịp đến, Dù miền Trung khắc nghiệt hay giữa miền Nam sông nước, mỗi lần đến ông đều cố gắng mang về một loại cây cỏ nào đấy cho “khu vườn sinh thái” của mình. 

Đi giữa muôn trùng kỳ hoa dị thảo, chủ nhân Hạnh hoa viên chỉ cho tôi những cây hoa quả rừng. Tôi chỉ dám gọi nó bằng một tên gọi chung chung là hoa quả rừng, bởi nó có thể là ổi rừng, mít rừng, bưởi rừng, dâu da rừng… hoặc cũng có những cây mà bản thân ông Hiên và tôi đều không biết gọi bằng tên gọi gì. Ông chỉ nghĩ như người xưa, chim ăn được ắt người ăn được. Và ông bứng đem về trồng nơi đây.

Những cây ra hoa và ra quả ở chốn này phải lên đến hàng trăm chủng loại. Nhưng nhiều nhất vẫn là mơ rừng, hoa cải, bởi trước đây trong rừng này đã có sẵn một rừng mơ. Ông gọi luôn là Hạnh hoa viên. Nhưng để tu bổ và cải tạo Hạnh hoa viên cũng phải có tiền. Vậy là từ những đồng vốn tích góp được, vay mượn thêm bạn bè ông cho xây một khu nhà nghỉ xinh xắn. Du khách vào đây nghỉ ngơi có thể thăm thú một khu vườn sinh thái kỳ lạ và thưởng thức những trái cây rừng. 

Ông cười bảo, ai vào đây muốn ăn bao nhiêu tùy thích, ăn no cũng được nhưng không được đem về. Bởi người đi ra cũng phải để dành cho người chưa đến. Nhiều nhà thơ, nhà báo có dịp lên Hạnh hoa viên cũng đã ghé chốn này, vẫn còn đó bút tích và kỷ niệm của nhà thơ Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Thuận Yến…      

Đừng gọi ông bằng một cái tên nào khác ngoài tên gọi lão nông. Rồi ông chỉ ra xa cho tôi. Một khoảnh đất rộng vừa được ông đào sâu tưới tắm để trồng một lứa cây mới. Năm nay ông sáu tám tuổi rồi. Nhưng đều đặn ngày nào cũng xách cuốc đào cỏ tưới cây cùng với anh em công nhân. Nhìn một người đàn ông tóc điểm bạc mải miết những nhát cuốc để gieo những mầm mới giữa đại ngàn này, tôi hiểu vì sao ông nói công việc này ông không làm cho mình. Có chăng nếu được, chỉ là một chút gì gửi lại mai sau….