Vườn cò - 'kho báu' du lịch bị bỏ rơi?

(PLO) - Cả nước ta, ước tính có hơn 20 vườn cò lớn nhỏ. Các vườn cò thường thu hút lượng khách du lịch lớn. Thế nhưng, điều đáng nói, việc chăm sóc, gìn giữ phát triển vườn cò rất manh mún có nguy cơ giảm sút số lượng cò. Hiện, “cò tặc” hoạt động rất mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi. Không ít vườn cò đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt.
Vườn cò - kho báu thu hút khách du lịch.
Vườn cò - kho báu thu hút khách du lịch.

“Cò tặc” hoành hành

Có thể kể tới, vườn cò Đông Xuyên (Bắc Ninh), Hải Lựu (Vĩnh Phúc), Đào Mỹ (Bắc Giang), đảo cò Chi Lăng Nam (Hải Dương), vườn cò trong Trường Cao đẳng Nông Lâm (Bắc Giang),  vườn cò Bằng Lăng (Cần Thơ). Vườn cò Bằng Lăng (Cần Thơ) được mệnh danh là “sân chim lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long” với diện tích 15.000m2, là nơi sinh sống của khoảng 150.000 con, gồm nhiều chủng loại cò.

Đảo Cò thuộc xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện, Hải Dương) là “ngôi nhà chung” của khoảng 16.000 con cò, 6.000 con vạc. Ở đây còn có nhiều loài chim quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng như: diệc xám, chim trả, bói cá, bồng chanh, cuốc, cú mèo... Trong khu vườn rộng hơn 3ha của ông Đặng Đình Quyển (thôn Tân Phúc - Đào Mỹ - Lạng Giang - Bắc Giang) có đến hơn 12.000 con cò và khoảng 3.000 con vạc. Cách thị trấn Giắt của huyện Triệu Sơn gần 5km, xuôi về làng Nga, xã Tiến Nông (Thanh Hóa) là một vườn cò rộng hơn 3ha. Sở dĩ gọi “đảo cò” là bởi nó nằm gọn trong một hồ nước lớn, xung quanh là nước bao vây. Trong vườn cò vẫn tồn tại nhiều loài chim, vạc, cuốc... vẫn sinh sôi. 

Các vườn cò thường thu hút lượng khách du lịch lớn. Thế nhưng, điều đáng nói, hầu hết các vườn cò trên đều thuộc sở hữu tư nhân nên việc chăm sóc, gìn giữ phát triển vườn cò rất manh mún, có nguy cơ giảm sút số lượng cò. Hiện, “cò tặc” hoạt động rất mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi. Không ít vườn cò đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt.

Ông Đặng Đình Quyển, chủ vườn cò thôn Tân Phúc, Đào Mỹ, Lạng Giang (Bắc Giang) đã bao lần đau đớn khi chứng kiến những con cò bị “cò tặc” phục bắn, bẫy và giết thịt. Bọn chúng còn tháo dỡ cả hàng rào dây thép gai để xông vào vườn. Đối tượng săn bắn rất nhiều, nhưng tất cả đều ở các thôn khác trong xã và các xã lân cận. Đối tượng săn sử dụng súng hơi, đạn ghém, đạn chùm… có tính hủy diệt cao để đánh bắt chim. Đối tượng bẫy thì thuê trắng ruộng của nông dân với thù lao cao hơn năng suất thực để dựng bẫy chim. Vườn cò nhỏ ở thị trấn Xuân Mai (Hà Nội) không có ai quản lý, chẳng mấy chốc đã bị “cò tặc” diệt gọn. Ở những ngôi làng ven thị xã Phủ Lý (Hà Nam) cũng có những cánh cò về hội tụ, nhưng tiếng súng và cả sự tham lam của những kẻ săn cò đã làm chúng gục ngã.

Vườn cò xã Đông Tiến - Yên Phong - Bắc Ninh cò rất đông, nhưng không có chỗ ở. Những khóm tre vốn là chuồng cho cò trú ngụ thì nay cũng đã già cỗi. Đàn cò vừa đứng trước nguy cơ bị săn bắt, vừa gặp phải nỗi lo vì không có tổ. Cò và vạc ở đây có đến gần chục vạn con. Nếu như năm 2006 và 2007, không bị “cò tặc” săn mất một nửa số cò năm đó thì tới giờ vườn cò có gần 2 chục vạn.

Đảo Cò thuộc xã Chi Lăng Nam số lượng cò phát triển theo cấp số nhân, trong khi đó diện tích của Đảo Cò lại thu hẹp dần do đất xung quanh bị sạt, lở rất nhiều. Theo quan sát thì có những vị trí mỗi năm bị sạt mất đi 30cm đến 40cm. Nhiều mảng đất bị sụt lở khiến các cây ven bờ trơ rễ, nghiêng ngả và chìm dần xuống hồ. Cùng với đó, lượng cò, vạc đậu đông và phân cò rơi xuống quá nhiều khiến cho cây trồng trên đảo không thể quang hợp, ngày càng xác xơ đi.

Hầu hết, các vườn cò đều thuộc sở hữu tư nhân nên việc khai thác du lịch tại đây vẫn diễn ra một cách tự phát, vừa thiếu những hoạt động gây được ấn tượng vừa tác động xấu tới môi trường tự nhiên. Có nơi, sau khi đưa vào khai thác du lịch, mặt nước lòng hồ dần trở nên ô nhiễm nghiêm trọng do rác thải sinh hoạt và dầu máy chạy tàu. Việc đánh bẫy cò, vạc của nhân dân địa phương không được kiểm soát khiến dự trữ sinh thái ngày một cạn kiệt.

Cùng “dẹp loạn” và phát triển du lịch

Trước tình trạng đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định dành nguồn ngân sách của tỉnh cùng với nguồn ngân sách Trung ương từ chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch với tổng kinh phí là 45 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch và bảo tồn sinh thái Đảo Cò. Theo đó, dự án bảo tồn Đảo Cò gồm mở rộng 2 đảo Cò hiện có, đắp đất tạo đảo mới; kè gia cố bao quanh đảo để giảm hiện tượng xói mòn và sạt lở đất; trồng bổ sung cây tre trên đảo cũ và xây dựng tuyến đường giao thông quanh hồ An Dương.

Mới đây, đề án về phát triển du lịch của huyện Triệu Sơn đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt. Trong đó, xác định nâng cao ý thức của người dân là then chốt trong việc bảo vệ đàn cò, xã Tiến Nông đã tăng cường công tác tuyên truyền đến từng người dân nâng cao ý thức cảnh giác, kịp thời báo cáo chính quyền xã khi phát hiện đối tượng lạ thâm nhập vào đảo cò.  

Còn thành phố Cần Thơ đã và đang có nhiều đề án hỗ trợ, quy hoạch nhằm đưa du lịch vườn cò Bằng Lăng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, an toàn cho du khách, lợi nhuận cho chủ vườn cò. Trước đây, đường vào vườn cò nhỏ hẹp chỉ phù hợp với phương tiện xe hai bánh. Đến mùa nước lớn, du khách có thêm lựa chọn di chuyển bằng ghe, xuồng… để vào vườn cò. Hiện nay, đường dẫn vào vườn cò đã được mở rộng và bê tông hóa sạch đẹp, ô tô có thể chạy tới tận nơi. Điều này giúp cho lượng khách tham quan đến vườn cò ngày càng nhiều.

Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển du lịch thành phố Cần Thơ, vườn cò Bằng Lăng còn được đầu tư nâng cấp các phương tiện, dịch vụ phục vụ du khách tham quan. Nổi bật là việc xây dựng các đài quan sát để khách có thể thỏa sức ngắm cò, lưu giữ những khoảnh khắc đẹp mà không làm xáo trộn môi trường sinh sống của cò. Về định hướng phát triển lâu dài, gia đình ông sẽ nghĩ đến các mô hình du lịch homestay, du lịch trải nghiệm khi du khách có thể cùng tham gia vào việc giải cứu cò non bị rơi khỏi tổ, đưa cò lên lại tổ trên những cành cây, chăm sóc cò bị thương… nhưng phải đảm bảo an ninh, an toàn, nhất là không làm cò hoảng sợ mà bay đi mất…

Mỗi địa phương đều có cách bảo vệ, gìn giữ, phát triển vườn cò. Hơn ai hết, họ hiểu, những đàn cò trắng muốt là kho báu trời cho để thu hút hàng triệu khách du lịch yêu thích môi trường sinh thái.

Đọc thêm