Anh rời EU - rúng động nền chính trị châu Âu

(PLO) - Cử tri Anh đã bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – một quyết định lịch sử chắc chắn sẽ định hình lại vị thế của nước này trên trường quốc tế, chia rẽ sâu sắc Lục địa già và làm rúng động các thể chế chính trị phương Tây. 
Thủ tướng Anh thông báo ý định từ chức. Ảnh: CNN
Thủ tướng Anh thông báo ý định từ chức. Ảnh: CNN

Kết quả gây sốc

Theo New York Times, với toàn bộ 382 khu vực bỏ phiếu đã được kiểm đếm, kết quả cuối cùng được công bố ngày 24/6 cho thấy đã có 17,4 triệu cử tri Anh, tương đương với 52% người đi bỏ phiếu lựa chọn phương án “Rời khỏi” EU và 48% chọn “Ở lại”, tương ứng với 16,1 triệu người.

Với kết quả này, Anh chính thức trở thành nước đầu tiên rời khỏi EU, khiến khối này chỉ còn lại 27 thành viên. “Hãy để ngày 23/6 trở thành ngày độc lập của chúng ta trong lịch sử” - AFP dẫn lời người đứng đầu Đảng Anh độc lập Nigel Farage, một người vận động chống EU, ca ngợi kết quả bỏ phiếu.

Kết quả của cuộc bỏ phiếu đã gây hỗn loạn thị trường tài chính toàn cầu. Các nhà đầu tư đã vội vã bán tháo đồng bảng Anh, dầu mỏ và chứng khoán do lo ngại những tác động của việc Anh rời khỏi EU đưa đến. Kết quả bỏ phiếu đã khiến đồng bảng Anh mất đi 10% giá trị, xuống mức thấp nhất trong vòng 31 năm qua, còn bằng 1,3229 USD. 

Các ngân hàng lớn của Anh chỉ trong vòng 1 ngày đã mất đi khoảng 130 tỉ USD. Các thị trường chứng khoán châu Âu cũng mất khoảng 8% điểm ngay khi bắt đầu ngày giao dịch mới. Giá dầu trong phiên giao dịch hôm qua giảm 4%, nhưng vàng lại tăng 2%.

Thủ tướng Anh sẽ từ chức

Kết quả bỏ phiếu nói trên đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới nay sẽ phải bước một mình trong nền kinh tế toàn cầu, khởi động những cuộc đàm phán kéo dài giữa London và Brussels về việc rời khỏi EU cũng như các cuộc thương thuyết về các thỏa thuận mới với tất cả các nước trên thế giới hiện đang có quan hệ thương mại với nước này nhưng dưới quy chế chung của EU.

Tại cuộc họp báo trước khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam cuối tuần qua, khi được hỏi về ảnh hưởng đến Việt Nam nếu người Anh bỏ phiếu rời EU, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao cho biết việc Anh rời EU sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề và gây xáo trộn thị trường tài chính thế giới. Tuy nhiên, ông cho rằng các tác động sẽ chủ yếu rơi vào Anh, EU và những nước có liên quan đến quan hệ thương mại giữa Anh và EU.

Theo AFP, Anh tới đây sẽ phải đối mặt với những dự báo đã được đưa ra trước đó về việc rời khỏi EU sẽ tạo ra khoảng trống ngân sách lớn buộc nước này phải cắt giảm chi tiêu và tăng thuế do bị mất quyền tiếp cận không bị ngăn trở bởi các hàng rào thuế quan vào thị trường EU như trước. 

Các nhà phân tích cho rằng, Anh có thể sẽ mất đến 10 năm để đạt được các thỏa thuận thương mại mới với các nước trên thế giới. Trong kịch bản tồi tệ nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo kinh tế Anh có thể rơi vào khủng hoảng trong năm tới và tổng sản lượng của nền kinh tế vào năm 2019 có thể sẽ thấp hơn 5,6% so với các dự báo trước đó còn tỉ lệ thất nghiệp có thể tăng trở lại lên mức trên 6%.

Chỉ ít lâu sau khi kết quả cuối cùng của cuộc bỏ phiếu được công bố, Thủ tướng Anh David Cameron – người đứng đầu chiến dịch vận động Anh tiếp tục ở lại EU – đã xuất hiện trước số 10 phố Downing và thông báo rằng ông dự kiến sẽ từ chức vào tháng 10 tới với lý do nước Anh sẽ cần 1 lãnh đạo mới để thực hiện ý chí của người dân.

“Tôi sẽ nỗ lực hết sức trên cương vị thủ tướng để lèo lái đất nước trong những tuần và tháng tới đây. Nhưng tôi không nghĩ rằng việc tôi cố gắng để giữ cương vị thuyền trưởng đưa đất nước tới điểm đến tiếp theo là việc làm đúng đắn” – ông Cameron nói. Cựu Thị trưởng London Boris Johnson – người đứng đầu nhóm vận động Anh rời khỏi EU – dự kiến sẽ được bầu thay thế ông Cameroon.

Hệ lụy tiềm tàng

Quyết định của Anh cũng dấy lên những lo ngại về hiệu ứng domino ở các nước thành viên khác trong khối, đe dọa đến tính vẹn toàn của liên minh hiện đang chật vật đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế và người di cư nghiêm trọng. 

Lo ngại này không phải là không có cơ sở khi ngay khi có tin về kết quả bỏ phiếu ở Anh, Nghị sỹ Hà Lan Geert Wilders – ứng viên đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử thủ tướng sẽ diễn ra vào tháng 3 tới – tuyên bố sẽ yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (NExit) nếu đắc cử. Còn tại Pháp, lãnh đạo Mặt trận Dân tộc cực hữu của Pháp Marine Le Pen cùng ngày đã lên tiếng tán dương quyết định của Anh và kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu tương tự ở Pháp.

Cuộc bỏ phiếu cũng đe dọa sự thống nhất của nước Anh khi Scotland tuyên bố không muốn theo quyết định do cuộc bỏ phiếu đưa đến và rời khỏi EU. Cựu Bộ trưởng Thứ nhất Scotland Alex Salmond cho biết Scotland tới đây có thể sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về việc độc lập thứ 2 sau cuộc trưng cầu hồi năm 2014. Đảng lớn nhất Ireland hiện cũng thông báo có thể sẽ nghiên cứu về việc bỏ phiếu rời khỏi Anh. “Đây là một ngày buồn với châu Âu và nước Anh” – Thủ tướng Đức Frank-Walter Steinmeier bày tỏ trên Twitter.

Phái đoàn EU tại Việt Nam ngày 24/6 cho biết, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng ngày đã có cuộc gặp tại Brussels theo lời mời của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Juncker để thảo luận về kết quả của cuộc trưng cầu ý dân ở Anh.
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, các vị trên khẳng định EU sẽ vẫn giữ lập trường mạnh mẽ và giữ gìn những giá trị chung của EU trong việc thúc đẩy hòa bình và sự thịnh vượng của người dân. Tuyên bố cũng thúc giục Chính phủ Anh hiệu lực hóa quyết định của người dân Anh sớm nhất có thể “cho dù đây có thể là một quá trình đầy đau đớn”. 

Đọc thêm