Chiến dịch tuyệt mật và đắt đỏ nhằm đánh cắp xác chiếc tàu ngầm xấu số dưới đáy Thái Bình Dương

(PLO) -Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ từng thực hiện chiến dịch tuyệt mật có tên “Dự án Azorian” với mục tiêu trục vớt tàu ngầm chở tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân của Liên Xô bị đắm ở Thái Bình Dương. Dự án được đánh giá là phức tạp, tốn kém và cũng bí mật nhất lúc bấy giờ.
Tàu Hughes Glomar Explorer.
Tàu Hughes Glomar Explorer.

Kế hoạch táo bạo

Tháng 4/1968, giới chức Mỹ phát hiện các tàu và máy bay của Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô được triển khai một cách đông bất thường, có vẻ như đang thực hiện các chiến dịch tìm kiếm quan trọng, ở phía bắc Thái Bình Dương.

Các tàu của Liên Xô tập trung tìm kiếm ở khu vực được cho là thuộc tuyến tuần tra của các tàu ngầm tuần tra chạy bằng động cơ diesel có mang tên lửa đạn đạo chiến lược cấp 2 của nước này, khiến Văn phòng tình báo của Hải quân Mỹ nghĩ đến giả thuyết một tàu ngầm của Liên Xô đã mất tích.

Mạng lưới điện tử của Mỹ ở phía bắc Thái Bình Dương đã được lệnh nhanh chóng xem xét các bản ghi âm hòng tìm kiếm âm thanh của một vụ chìm hay một vụ nổ tàu ngầm. Kết quả là, cơ sở hải quân Mỹ đã ghi nhận được tín hiệu âm thanh trên bản ghi mảng tần suất thấp thông tin cho thấy có thể đã xảy ra một vụ chìm tàu vào ngày 8/3/1968.

Chắp nối các thông tin thu được, Văn phòng tình báo Hải quân Mỹ kết luận tàu ngầm K-129 mang theo 3 tên lửa đạn đạo có gắn đầu đạn hạt nhân và 2 ngư lôi có gắn hạt nhân của Liên Xô đã bị chìm ở khu vực 40,1° Bắc và 179,9° Đông; cách Hawaii khoảng 2.900km về phía tây bắc.

Sau nhiều tuần tìm kiếm nhưng không xác định được vị trí của tàu bị chìm, Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô giảm dần quy mô chiến dịch tìm kiếm xuống mức bình thường. Đó cũng là lúc giới chức Mỹ nảy ra một ý tưởng táo bạo. Tháng 7/1968, Hải quân Mỹ đã mở chiến dịch “Sand Dollar”, điều động tàu ngầm trinh sát tinh vi USS Halibut từ Trân Châu Cảng tới khu vực nghi tàu chìm để xác định chính xác vị trí của tàu.

Sau 3 tuần tìm kiếm trên khu vực rộng đến 3.900km2 ở đáy biển sâu đến gần 5km bằng camera điều khiển từ xa và các thiết bị định vị thủy âm, tàu Halibut đã xác định được vị trí tàu chìm. Mất thêm vài tuần sau đó, nhóm tìm kiếm đã chụp được khoảng 20.000 bức ảnh tàu K-129.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, duy trì ưu thế về tàu ngầm là một cuộc chiến vô cùng quan trọng giữa Mỹ và Liên Xô. Đến những năm 1970, Liên Xô và Mỹ được cho là đều đã nắm rõ vị trí các căn cứ tên lửa đạn đạo liên lục địa của đối phương và có thể phát động một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các căn cứ đó trong trường hợp xảy ra xung đột.

Tuy nhiên, trái ngược với các căn cứ tên lửa đạn đạo, các tàu ngầm hạt nhân lại có các lò phản ứng hạt nhân cho phép chúng có thể hoạt động hiệu quả hơn, trong quãng thời gian lâu hơn. Người ta cho rằng khi một tàu ngầm nổi lên để phóng tên lửa thì không có gì có thể chặn lại được. Do vậy, cả Mỹ và Liên Xô đều rất tích cực trong việc tìm hiểu về công nghệ tàu ngầm của đối phương. 

Năm 1970, dựa trên báo cáo về các diễn biến trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ là Melvin Laird và Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger đã đề xuất kế hoạch vớt xác tàu ngầm để Mỹ nghiên cứu về công nghệ hạt nhân cũng như các mật mã của quân đội Mỹ. Đề xuất này sau đó đã được Tổng thống Richard Nixon chấp thuận. 

Chiến dịch được đặt mật danh là Dự án Azorian, do Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) Mỹ chỉ huy, phối hợp với Lầu Năm Góc thực hiện. Công ty Global Marine – một công ty tiên phong trong các dự án khoan nước sâu – được giao hợp đồng đóng, xây dựng và vận hành tàu Hughes Glomar Explorer thực hiện việc trục vớt tàu ngầm của Liên Xô dưới đáy biển.

Doanh nhân tỉ phú Howard Hughes – Chủ tịch một công ty chuyên thăm dò và khai thác khoáng sản ở biển sâu – đồng ý cho giới chức Mỹ mượn tên, đứng ra nhận ông ta là chủ con tàu thăm dò, khai thác ở đáy biển nhưng công ty và bản thân ông Hughes không tham gia dự án.  

Tình huống ngoài dự kiến

Ngày 1/11/1972, việc đóng con tàu thăm dò có mang tên “Hughes Glomar Explorer” được khởi động, đánh dấu mở màn cho “Dự án Azorian” tuyệt mật. Con tàu theo thiết kế nặng 63.000 tấn, dài 189m. Để trục vớt được con tàu ngầm nặng 1.750 tấn, dài 40m đang nằm ở sâu gần 5km dưới đáy đại dương, đơn vị thiết kế đã sử dụng một chiếc máy kẹp cơ khí khổng lồ được gọi là “Clementine”, được thiết kế để có thể hạ xuống đáy đại dương, “ngoạm” lấy thân tàu ngầm và đưa lên tàu Hughes Glomar. 

Thiết bị này được thiết kế có thể nâng lên, hạ xuống trên một đường ống tương tự như các thiết bị được sử dụng ở các giàn khoan thăm dò. Phần đáy tàu Hughes Glomar Explorer được cắt một khoang lớn chứa chiếc máy trục vớt.

Khoang có cửa để đóng lại trong quá trình di chuyển. Từng đoạn ống thép dài 18 m được nối với nhau để có thể hạ xuống từ một lỗ ở giữa thân tàu. Sau khi vớt được tàu ngầm, từng đoạn 18m đó lại được rút dần lên. Một trong những yêu cầu của công nghệ này là giữ cho tàu Glomal ổn định ở một vị trí cách mục tiêu đúng 4.900m dưới đáy biển.

Ngày 4/7/1974, tàu thăm dò Hughes Glomar Explorer di chuyển từ Long Beach, California tới địa điểm tàu K-129 bị chìm, khởi động sứ mệnh “lấy trộm” xác tàu ngầm Liên Xô dưới vỏ bọc hoạt động thăm dò hải dương và khai khoáng ở đáy biển.

Trong suốt hơn 1 tháng đó, 2 tàu hải quân của Liên Xô thường xuyên xuất hiện tại khu vực này, khiến hoạt động trục vớt gặp nhiều khó khăn. Thời gian này, tình báo Liên Xô cũng đã nhận được thông tin rằng CIA đang thực hiện sứ mệnh trục vớt tàu nhưng chỉ huy quân đội Liên Xô cho rằng đó là nhiệm vụ bất khả thi nên đã không đánh giá cao những cảnh báo. 

Nhưng chiến dịch “ăn trộm” tàu ngầm K-129 vẫn đã nảy sinh tình huống ngoài dự kiến. Cụ thể, khi tàu ngầm K-129 đang được máy kẹp nâng lên, một khoang lớn của tàu ngầm của nó đã bất ngờ vỡ ra, chìm ngược trở lại đáy đại dương sâu thẳm. Do vậy, Mỹ chỉ vớt lên được khoang nhỏ hơn của tàu, trong đó có chứa thi thể của 6 thủy thủ Liên Xô.

Các thủy thủ xấu số sau đó đã được an táng theo nghi lễ hải táng. Năm 1992, Giám đốc CIA Robert Gates đã cung cấp đoạn băng ghi hình buổi lễ hải táng này cho Tổng thống Nga khi đó là ông Boris Yeltsin.

Sau nỗ lực trục vớt đầu tiên không thành, giới chức Mỹ đã bắt tay vào thực hiện sứ mệnh thứ 2 nhằm trục vớt con tàu từ đáy biển. Tuy nhiên, một sự cố kỳ cục và hoàn toàn không được dự liệu trước đã xảy ra, khiến các hoạt động liên quan đến mục đích thực sự của tàu Hughes Glomar Explorer bị lộ, đồng thời cũng khiến việc triển khai sứ mệnh thứ 2 trở nên bất khả thi. 

Theo đó, chỉ ít lâu trước khi tàu Hughes Glomar Explorer dự kiến tiếp tục quay trở lại địa điểm “thăm dò”, những tên trộm đã đột nhập vào một số văn phòng của Công ty Summa và đánh cắp nhiều tài liệu mật, trong đó có những tài liệu cho thấy mối liên hệ giữa ông Howard Hughes và tàu Hughes Glomar Explorer với CIA. 

Trong nỗ lực nhằm thu hồi lại tài liệu, CIA đã đề nghị Cục Điều tra Liên bang (FBI) cùng Sở cảnh sát Los Angeles hỗ trợ. Chính việc huy động lực lượng lớn như vậy tham gia điều tra vụ trộm đã thu hút chú ý. Từ mùa thu năm 1974, truyền thông Mỹ đã bắt đầu xôn xao về một câu chuyện giật gân liên quan đến “sứ mệnh thăm dò của tàu Glomar”.

Khi biết được thông tin, phóng viên điều tra Jack Anderson của New York Times đã thu thập được nhiều tài liệu quan trọng về vụ việc. Giám đốc  tình báo của Mỹ khi đó là ông William E. Colby đã gặp riêng ban biên tập của tờ báo để đề nghị họ không công bố thông tin với lý do động thái như vậy sẽ gây ra “sự cố quốc tế”.

Thời gian đầu, phía truyền thông hợp tác nhưng vào tháng 3/1975, New York Times vẫn đã tung lên mặt báo toàn bộ những thông tin mà họ nắm được về Dự án Azorian sau khi một số thông tin về vụ việc được đăng tải trên tờ Los Angeles Times. 

Khi vụ việc vỡ lở, tháng 6 cùng năm, Liên Xô đã lập tức điều tàu đến bảo vệ khu vực tàu đắm. Để tránh leo thang căng thẳng, Nhà Trắng đã buộc phải hủy bỏ sứ mạng trục vớt khoang tàu còn lại của K-129. Dự án Azorian chính thức bị hủy bỏ và con tàu Glomar đã bị bỏ không suốt 1/4 thế kỷ sau đó.

CIA đánh giá rằng Dự án Azorian dù không thành công về mặt tình báo nhưng đã tạo ra bước đột phá về kỹ thuật trong cứu hộ biển sâu, mở đường cho sự phát triển của công nghệ khai thác khoáng sản ở độ sâu lớn. Song, phóng viên điều tra Jack Anderson của New York Times dẫn lời các chuyên gia hải quân khẳng định Dự án chỉ là sự lãng phí tiền của người nộp thuế. 

Theo các tài liệu được giải mật, Chính phủ Mỹ đã chi tới 800 triệu USD (tương đương với 4 tỷ USD theo tỷ giá năm 2017) cho Dự án Azorian, khiến nó trở thành một trong những chiến dịch tình báo phức tạp, tốn kém và bí mật nhất trong lịch sử Chiến tranh Lạnh.