Đức: Luật chạy theo thực tiễn cuộc sống

(PLO) - Quốc hội Đức vừa thông qua luật mới về xâm hại tình dục. Trên lĩnh vực này thì bộ luật mới ấy được coi là bước ngoặt quan trọng và thậm chí mang tính cách mạng về cách tiếp cận. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy được tiếng là rất nghiêm khắc nhưng những luật lệ ở nước Đức cho đến nay liên quan đến tội danh xâm hại tình dục lại có không ít kẽ hở. Nó liên quan đến định nghĩa thế nào là xâm hại tình dục. Theo cách tiếp cận trước đây thì chỉ khi nào người bị xâm hại tình dục phải thể hiện thái độ phản kháng rõ rệt và phải chống cự quyết liệt thì mới được pháp luật hiện hành công nhận là nạn nhân của xâm hại tình dục và thủ phạm mới bị truy tố trước pháp luật. Chỉ phản đối bằng lời nói hoặc cam chịu thì không được tính đến.

Luật mới này xác lập nguyên tắc “Không là không”, có nghĩa là chỉ cần nói “Không” cũng đủ để được coi là không tự nguyện và một khi đã là không tự nguyện thì tức là đã có kẻ sử dụng vũ lực để cưỡng bức. Bộ luật này còn quy định không phải chỉ có kẻ cưỡng bức như thế mà tất cả những ai có mặt chứng kiến mà không can thiệp để ngăn chặn cũng có thể bị coi là thủ phạm.

Bộ luật mới này được dư luận rất hoan nghênh cho dù không ít chuyên gia luật hoài nghi về tính khả thi của nó. Dù sao thì nó vẫn là bước tiến mới rất quan trọng ở nước Đức. Nhưng bước tiến ấy không phải kết quả nhận thức bình thường của các nhà lập pháp mà là của sự bức bách của thực tiễn cuộc sống. Nếu không có vụ việc phụ nữ bị xâm hại và bị quấy rối tình dục trong đêm giao thừa vừa qua ở thành phố Cologne của Đức thì chắc chắn còn lâu các nhà lập pháp ở nước này nhanh chóng soạn thảo và thông qua bộ luật nói trên.

“Mất bò mới lo làm chuồng” như thế rõ ràng là việc lập pháp đã không theo kịp thực tiễn cuộc sống. Sự ra đời của bộ luật mới này tuy muộn nhưng chưa đến mức quá muộn và là bài học đắt giá đối với các nhà lập pháp ở nước Đức.

Đọc thêm