Malaysia: Doanh nghiệp 'khốn đốn' vì tin giả

(PLO) - Mối nguy hiểm của “tin giả” đối với xã hội là điều đến nay còn tranh cãi nhưng với cộng đồng doanh nghiệp Malaysia, mối đe dọa này đã hiện hữu, đôi khi với phí tổn lên đến hàng nghìn ringgit, theo The Malay Mail Online.
McDonald từng là nạn nhân của tin giả
McDonald từng là nạn nhân của tin giả

Theo The Malay Mail Online, trong thời đại truyền thông xã hội, câu nói “Lời nói dối đã kịp chạy nửa vòng trái đất trong khi sự thật chưa kịp xỏ giày” chưa bao giờ chính xác hơn. Dù cái gọi là “tin giả” không phải là một hiện tượng mới vì những tin đồn và những trò chơi xỏ từ lâu đã tồn tại nhưng sự xuất hiện của công nghệ như truyền thông xã hội đang làm gia tăng những nguy cơ từ tin giả.

Thiệt hại mà “tin giả” có thể gây ra đã liên tục được thể hiện rõ trong các sự việc xảy ra ở Malaysia trong thời gian qua. Trong đó, gần đây nhất, công ty McDonald đã phải đối phó với làn sóng tẩy chay xuất phát từ những thông tin cho rằng chuỗi cửa hàng này đã tài trợ cho những người Do Thái theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Một trong những nạn nhân khác của “tin giả” là hãng sản xuất giày Bata Malaysia. Hồi năm ngoái, công ty này cho biết đã thiệt hại 700.000 ringgit (tương đương khoảng 180.000 USD) sau khi một giáo viên nói rằng đế của một trong số các mẫu giày của hãng này có hình giống chữ “Allah”.

Nhớ lại sự cố trên, quản lý cấp cao của Bata Malaysia Datuk James Selvaraj cho rằng vụ việc đã cho thấy rõ tin giả có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng và không thể đảo ngược trong thế giới thực. “Tin tức lan đi rất nhanh, chỉ trong 3 ngày đã gây thiệt hại cho chúng tôi. Chúng tôi đã phải thu hồi 1 triệu đôi giày từ 236 cửa hàng của Bata trên phạm vi toàn quốc.

Chúng tôi thậm chí đã phải thiết kế lại một khuôn mới cho mẫu giày này vì đây là một trong những mẫu giày bán chạy nhất của chúng tôi. Chỉ riêng phần này đã gây thiệt hại thêm 200.000 ringgit”, ông Selvaraj kể lại và cho biết công ty của ông đã thiệt hại cả về doanh số bán hàng, thời gian để thu hồi những đôi giày đã được tung ra thị trường và thiết kế lại mẫu đế mới. Trước tình hình như vậy, ông Selvaraj cho rằng Chính phủ cần phải tìm ra những biện pháp để ngăn chặn các sự cố tương tự tái diễn. 

Giới chức Malaysia gần đây cũng đã nhận ra được sự nguy hiểm của tin giả và cho biết đang xem xét công bố một đạo luật nhằm giải quyết vấn đề này bên cạnh những luật hiện có có thể áp dụng. Hồi tháng 5 vừa qua, Chính phủ Malaysia cũng đã giới thiệu cổng thông tin điện tử Sebenarnya.my để người dân xác minh các thông tin đang lan truyền trên mạng cũng như thông tin về các sự cố liên quan đến tin giả.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Malaysia Datuk Michael Kang đã hoan nghênh động thái xem xét các biện pháp chống tin giả và tin chưa được kiểm định của Chính phủ. Ông Kang cho rằng bước đi như vậy sẽ giúp giảm bớt nỗi sợ hãi và lo lắng của xã hội và các doanh nghiệp. Dẫn vụ việc của McDonald, ông Kang cho rằng những tin giả có thể dẫn đến việc người dân tẩy chay các doanh nghiệp vì sự giả dối. 

Cho đến nay, McDonald đã phủ nhận thông tin có liên quan đến chủ nghĩa phục quốc Do Thái nhưng nhiều người vẫn tin vào các cáo buộc này. “Công chúng khi đọc được tin giả và không thể xác minh sẽ lo lắng. Điều này có thể ảnh hưởng tới cả nền kinh tế. Ngoài ra, nó còn có thể ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nước ngoài, khiến họ dừng việc đầu tư”, ông Kang nói. 

Đọc thêm