Mỹ công bố báo cáo điều tra của Công tố viên đặc biệt Mueller

(PLVN) - Bộ trưởng Tư pháp William Barr ngày 18/4 đã gửi bản báo cáo của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 tới Quốc hội Mỹ, khép lại cuộc điều tra kéo dài 22 tháng từng nhiều lần bị Tổng thống Donald Trump chỉ trích.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller

Theo Reuters, trong báo cáo kết quả điều tra dài 448 trang đã bôi đen những đoạn nhạy cảm, ông Mueller đã liệt kê hàng loạt những động thái của Nga được cho là nhằm gây ảnh hưởng tới bầu cử Mỹ như tấn công hệ thống máy tính, đánh cắp tài liệu và thư điện tử của bà Hillary Clinton…

Bản báo cáo cũng đã vạch ra nhiều tiếp xúc giữa những nhân vật xung quanh ông Trump với phía Nga, trong đó có nhiều nhân vật không còn xa lạ với công chúng như cuộc trò chuyện của cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn vào cuối năm 2016 với Đại sứ Nga tại Mỹ ở thời điểm đó là ông Sergei Kislyak. Cựu chủ tịch chiến dịch của ông Trump Paul Manafort cũng đã có tương tác với Konstantin Kilimnik - một nhà tư vấn chính trị mà FBI đã xác định có quan hệ với tình báo Nga.

Báo cáo cũng nêu những chi tiết mới về phạm vi các liên hệ cả chính thức và không chính thức của những cố vấn và những người ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Trump với người Nga trước và sau cuộc bầu cử năm 2016. Ví dụ, theo báo cáo, ngay sau khi tham gia chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump vào mùa xuân năm 2016, ông Manafort đã chỉ đạo cấp phó chia sẻ dữ liệu bỏ phiếu nội bộ với ông Kilimnik dù biết rõ ông này sẽ chuyển dữ liệu đó cho một người tên Oleg Deripaska- một người được cho là có quan hệ với giới chức Nga.

Báo cáo cũng cho rằng chiến dịch của ông Trump hy vọng sẽ được hưởng lợi từ nỗ lực của Nga nhằm tác động đến lá phiếu bầu cử của cử tri Mỹ theo hướng có lợi cho ông Trump. Tuy nhiên, công tố viên đặc biệt của Mỹ kết luận rằng những liên hệ đó không cấu thành hành vi phạm tội hoặc khó chứng minh trước tòa. Ông Mueller cũng không thể kết luận về việc liệu ông Trump có phạm tội cản trở công lí hay không.

Tại một cuộc họp báo ngày 18/4, Bộ trưởng Tư pháp William Barr kết luận báo cáo cho thấy ông Trump không phạm tội. “Sau gần 2 năm điều tra với hàng nghìn trát đòi hầu tòa, hàng trăm lệnh khám xét và thẩm vấn nhân chứng, công tố viên đặc biệt xác nhận Nga đã nỗ lực can thiệp trái phép vào cuộc bầu cử tổng Thống Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, họ kết luận không có sự thông đồng từ chiến dịch tranh cử của Trump hay bất kỳ người Mỹ nào”, ông Barr khẳng định trước khi gửi báo cáo cho Quốc hội Mỹ.

Theo các nhà quan sát, sau khi báo cáo được công bố, ông Trump có thể tìm cách vận động tranh cử dựa trên kết quả điều tra. Tuyên bố của ông cho rằng cuộc điều tra là một cuộc “săn phù thủy” nhằm loại bỏ một Tổng thống được bầu cử dân chủ có thể sẽ có ích trong việc huy động bỏ phiếu cho ông vào nhiệm kì thứ hai. Báo cáo cũng dấy lên những ý kiến cho rằng đảng Dân chủ sẽ thúc đẩy việc luận tội ông Trump.

Song, ngày 19/4, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi – một người thuộc đảng Dân chủ - từ chối cho biết liệu Quốc hội Mỹ có khởi động tiến trình luận tội chống lại ông Trump hay không. Các nghị sỹ khác của đảng Dân chủ gần đây cũng ít nói về việc này. Theo các cuộc khảo sát dư luận, cử tri Mỹ đang quan tâm đến các vấn đề sát sườn hơn như vấn đề liên quan đến nền kinh tế hơn là cuộc điều tra. Vì vậy, Dân chủ có thể sẽ không tìm kiếm lợi thế chính trị thông qua bản báo cáo vừa được công bố.

Hiện, nhiều nghị sĩ Dân chủ yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp cung cấp bản báo cáo đầy đủ mà không có phần nào bị bôi đen. Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ tới đây có thể ra trát yêu cầu giao nộp báo cáo đầy đủ, không bị bôi đen và các tài liệu liên quan, cũng như lời khai mà ông Mueller thu thập từ một số cựu phụ tá Nhà Trắng hàng đầu của ông Trump.  

Đọc thêm