Quan hệ Nga - Mỹ lại dậy sóng vì vụ bắt giữ 'điệp viên'

(PLO) - Nga đã chính thức truy tố công dân Mỹ bị bắt giữ ở nước này hồi cuối tháng 12/2018 về tội làm gián điệp. Nếu bị buộc tội, người này có thể đối mặt mức án lên đến 20 năm tù. Vụ việc đang có nguy cơ khiến quan hệ giữa Nga và Mỹ tiếp tục căng thẳng sau hàng loạt các diễn biến xảy ra trong thời gian gần đây.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vụ bắt giữ bất ngờ

Truyền thông Nga trong tuần qua cho biết, ông Paul Whelan, cựu lính thủy đánh bộ của Mỹ đã chính thức bị truy tố về tội làm gián điệp. Ông này bị bắt giữ tại Moscow hôm 28/12/2018 vì bị tình nghi thực hiện hoạt động do thám. Đến ngày 31/12/2018, Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FBS) đã chính thức mở cuộc điều tra hình sự đối với Whelan theo Điều 276 của Bộ luật Hình sự Nga về hoạt động gián điệp. “Tòa án đã yêu cầu giam giữ ông Paul Whelan sau khi ông này bị truy tố”, ông Vladimir Zherebenkov, luật sư của ông Whelan thông tin.

Theo hãng tin Rosbalt của Nga, ông Whelan, 48 tuổi, bị bắt tại phòng của ông ta tại khách sạn, khi đang gặp một công dân Nga. Tại cuộc gặp, ông ta đã nhận một chiếc USB có chứa danh sách các nhân viên tại một số cơ quan an ninh của Nga. Sau khi bị bắt giữ, ông ta bị đưa tới nhà tù Lefortovo ở Moscow, nơi thường được Nga sử dụng để giam giữ các điệp viên nước ngoài. Tuy nhiên, ông David, người anh em song sinh của Whelan đã bác bỏ các cáo buộc chống lại anh mình. Ông David trong một tuyên bố cho hay gia đình đã mất liên lạc với Whelan khi ông tới Moscow dự đám cưới của một đồng đội cũ cũng từng tham gia lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ.

Theo truyền thông Mỹ, ông Whelan sinh ra ở Canada trong một gia đình có cha mẹ đều là người Anh. Ít lâu sau khi Whelan ra đời, cả nhà họ đã chuyển tới bang Michigan của  Mỹ sinh sống. Kể từ khi tốt nghiệp trường Đại học Michigan cho đến nay, ông này kinh qua khá nhiều công việc khác nhau. Hồ sơ về ông cho thấy, năm 1994, ông gia nhập lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. Từ năm 2004 đến năm 2006, ông được điều động tới tham chiến tại Iraq. Song, đến năm 2008, ông bị cho xuất ngũ sau khi bị tòa án binh buộc tội cố ý ăn cắp vặt, lơ là nhiệm vụ, cung cấp thông tin sai, sử dụng số an sinh xã hội của người khác… 

Rời quân ngũ, ông gia nhập công ty nhân sự toàn cầu Kelly Services. Trong một bản khai năm 2013, Whelan khai rằng ông giữ chức làm giám đốc cấp cao về an ninh và vận hành toàn cầu của Kelly Services. Vị trí tại Kelly Services cho phép Whelan thường xuyên liên hệ với các cơ quan an ninh Mỹ như Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Phòng chống Ma túy (DEA), Hội đồng An ninh nước ngoài (OSAC) của Bộ Ngoại giao Mỹ. Người phát ngôn của Kelly Services xác nhận Whelan làm việc tại công ty này từ năm 2001, trừ giai đoạn ông ta tham chiến tại Iraq. Theo người này, Whelan đã nghỉ việc tại công ty vào tháng 2/2016. 

Cũng trong bản khai năm 2013 này, Whelan tuyên bố từng làm cảnh sát tại thành phố Chelsea, bang Michigan trong giai đoạn 1988 - 2000. Trong thời gian này, ông từng được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc cảnh sát hạt Washtenaw. 

Song, theo tờ Huffington Post, một quan chức cảnh sát của hạt Washtenaw cho hay, hồ sơ của cảnh sát địa phương không hề có thông tin Whelan từng làm việc trong lực lượng này. Ở thời điểm trước khi bị bắt giữ, Whelan là người giám sát an ninh toàn cầu của công ty phụ tùng ô tô BorgWarner có trụ sở tại Auburn Hills, bang Michigan. Ngoài ra, ông cũng điều hành một công ty chuyên mua bán vũ khí online có tên Kingsmead Arsenal có trụ sở tại chính nhà riêng ở Novi, Michigan.

Tờ New York Times cho hay, trước đó Whelan từng tới Nga. Ông cũng có trang cá nhân trên mạng xã hội Vkontakte của Nga. Trên trang này, ông chủ yếu liên lạc với những người đàn ông có quan hệ với các cơ quan nghiên cứu do Hải quân, Bộ Quốc phòng hay Cơ quan hàng không dân dụng Nga.

Ông Paul Whelan
Ông Paul Whelan

Trùng hợp hay cố ý?

Một số ý kiến hiện nay cho rằng nhiều khả năng Nga bắt giữ ông Whelan để đổi lấy công dân nước này là Maria Butina, người đã bị phía Mỹ bắt giữ từ tháng 7/2018 cũng vì cáo buộc làm gián điệp. 

Theo cơ quan công tố Mỹ, từ tháng 3/2015, Butina, từng là sinh viên tại Washington đã tìm cách thiết lập quan hệ với đảng Cộng hòa nhằm gây ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Mỹ. Cáo trạng cũng cho rằng, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, Butina đã hai lần tìm cách dàn xếp các cuộc gặp bí mật giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhưng không thành công. 

Giữa tháng 12/2018, giới chức Mỹ thông báo Butina đã nhận tội. Theo bản thỏa thuận nhận tội, cô này thừa nhận âm mưu làm đại diện cho cơ quan chính phủ nước ngoài nhưng không đăng ký, tội danh thường ám chỉ việc làm tình báo cho nước ngoài. Butina hiện vẫn đang bị phía Mỹ giam giữ và chưa bị kết án. Cô đối mặt mức án 5 năm tù giam sau đó sẽ bị trục xuất nhưng nhiều khả năng sẽ chỉ bị kết án khoảng sáu tháng tù giam do đã nhận tội và hợp tác với cơ quan điều tra của Mỹ.

Theo cựu Trưởng đại diện CIA tại Moscow Daniel Hoffman, rất có khả năng vụ bắt giữ Whelan được phía Nga tiến hành để đổi lấy Maria Butina. Ông Hoffman cho rằng vụ bắt giữ Whelan là động thái được phía Nga tính đến ngay sau khi Butina bị bắt và nhằm mục đích răn đe các động thái chống lại các công dân Nga trong tương lai của Mỹ. 

Trước đó, năm 2010, Nga và Mỹ đã thực hiện cuộc trao đổi điệp viên lớn nhất lịch sử kể từ Chiến tranh Lạnh. Trong đó, Mỹ đã thả 10 người Nga bị cáo buộc tham gia hoạt động gián điệp để đổi lấy sự tự do cho bốn điệp viên phương Tây. Trong số những người được trao đổi đợt này có điệp viên xinh đẹp và nổi tiếng của Nga Anna Chapman. Ông Sergei Skripal, người đã bị trúng độc tại thủ đô của Anh hồi tháng 3/2018, cũng được trao đổi trong dịp này.

Trong khi đó, trang web của Hội đồng các vấn đề quốc tế (RIAC) của Nga chỉ ra rằng Maria Butina đã bị phía Mỹ bắt giữ ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước ở Helsinki, Phần Lan. Trước đó, vào tháng 6/2010, Mỹ cũng đã bắt giữ 10 “điệp viên” Nga sau cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Dmitry Medvedev ở Washington. Theo các nhà quan sát Nga, các sự kiện không thể là sự trùng hợp mà là dấu hiệu cảnh báo về một xu hướng đáng báo động: những vụ bắt giữ công dân Nga sau mỗi cuộc gặp thượng đỉnh của lãnh đạo hai nước. Các nhà quan sát của Nga thậm chí cho rằng điều này có thể dẫn tới “hội chứng gián điệp” và nguy cơ quay trở lại thời Chiến tranh Lạnh. Trước đó, Tổng thống Nga Putin cũng đã cáo buộc các nước phương Tây đã lấy cớ gián điệp nhằm làm suy yếu vị thế đang ngày càng gia tăng của Nga.

Thông tin về vụ bắt giữ nói trên diễn ra ở thời điểm quan hệ giữa Nga và Mỹ vẫn đang leo thang căng thẳng vì việc Mỹ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống và thực hiện nhiều hành động gián điệp khác. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với một số cá nhân từ Cơ quan tình báo quân sự Nga GRU và FSB vì cáo buộc phát tán tin sai trong thời gian diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, tấn công email của đảng Cộng hòa, tấn công mạng nhằm vào Mỹ. Sau vụ cựu điệp viên Skripal bị ngộ độc, ít nhất 20 nước phương Tây đã trục xuất các nhà ngoại giao của Nga. Nga cũng đã đáp trả bằng cách trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ và đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại St. Petersburg.

Đọc thêm