Cường quốc bóng đá nữ

(PLVN) - Ở Cúp thế giới bóng đá nữ 2019, vẫn lại là đội tuyển Mỹ, đương kim vô địch thế giới, được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu đoạt cúp vàng. Đó là vị thế quen thuộc của các cô gái Mỹ mỗi lần đến với ngày hội lớn bóng đá thế giới. Do đâu mà Mỹ trở thành cường quốc bóng đá nữ? 
Các nữ cầu thủ Mỹ vui mừng sau bàn thắng trước đối thủ Thái Lan trên sân vận động thành phố Reims (Pháp) ngày 11/06/2019. Đội Mỹ đã lập kỷ lục về tỷ số bàn thắng sau khi thắng Thái Lan 13-0
Các nữ cầu thủ Mỹ vui mừng sau bàn thắng trước đối thủ Thái Lan trên sân vận động thành phố Reims (Pháp) ngày 11/06/2019. Đội Mỹ đã lập kỷ lục về tỷ số bàn thắng sau khi thắng Thái Lan 13-0

Trong làng bóng đá nữ thế giới, tuyển Mỹ có một bề dày thành tích đáng nể: 3 danh hiệu vô địch thế giới, 4 huy chương Vàng Olympic. Từ Cúp thế giới bóng đá nữ lần thứ nhất năm 1991 tại Trung Quốc, các cô gái Mỹ luôn có mặt trên bục danh dự nhận huy chương.

Ngoài 3 lần nhận cúp vàng, tuyển nữ Mỹ hai lần là Á quân, 3 lần đứng vị trí thứ 3. Tại Olympic Rio 2016, tuyển nữ Mỹ đứng thứ 5, đó là kết quả thi đấu tồi tệ nhất của các nữ cầu thủ xứ "cờ hoa". 

Từ khi bóng đá nữ được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại Olympic Atlanta, đội tuyển Mỹ mới chỉ biết đến có 2 trận thua trên tổng số 26 trận thắng và 5 trận hòa. Ở khu vực châu lục, cũng vẫn là các cầu thủ nữ Mỹ thống trị sân chơi với 10 danh hiệu vô địch Gold Cup. Với thành tích như vậy, khi FIFA xếp hạng bóng đá nữ 2003, tuyển nữ chưa bao giờ bị xếp dưới hạng 2.

Ở Mỹ, bóng đá không phải là môn thể thao được ưa chuộng, đội tuyển nam của nước này thi thoảng mới có mặt ở Cúp thế giới, với thành tích cao nhất vào đến tứ kết World Cup 2002. Câu hỏi đặt ra cho nhiều nhà quan sát bóng đá: Vì sao bóng đá nữ của Mỹ lại có thể ngự trị thế giới một cách ổn định như vậy ?

Quá nửa nữ cầu thủ trên thế giới là người Mỹ

Sự phát triển mạnh mẽ của bóng đá nữ ở Mỹ được xác nhận bởi con số của FIFA công bố năm 2014: Khoảng 15,9 triệu cô gái Mỹ chơi bóng đá trên tổng số 30,1 triệu cầu thủ nữ trên cả thế giới. 

Hiện tại ở Mỹ có khoảng từ 400 - 500 đội bóng trẻ cho các cầu thủ nữ từ 18 - 22 tuổi. Đây là điều hiếm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Ở Mỹ người ta đào tạo các nữ cầu thủ từ tuổi thiếu nhi. Lên đến đại học, các cô gái vẫn có thể tiếp tục chơi bóng trong các đội tuyển của các trường đại học, một nguồn lực quan trọng của các đội bóng chuyên nghiệp và đội tuyển quốc gia Mỹ.

Năm 1972, Mỹ ban hành điều luật mang tên gọi “Title IX” bắt buộc các trường đại học phải có chương trình thể thao dành riêng cho nữ. Môn bóng đá nữ mới chỉ đi vào chuyên nghiệp với giải vô địch quốc gia đầu tiên (WUSA) từ năm 2001. Sau đó đến năm 2013, giải đổi tên thành Giải vô địch bóng đá nữ Mỹ NWSL (viết tắt của National Women's Soccer League), gồm 9 đội tham dự. 

Khoảng 15,9 triệu cô gái Mỹ chơi bóng đá trên tổng số 30,1 triệu cầu thủ nữ khắp thế giới
 Khoảng 15,9 triệu cô gái Mỹ chơi bóng đá trên tổng số 30,1 triệu cầu thủ nữ khắp thế giới 

Về phần các nhà quản lý bóng đá, Liên đoàn Bóng đá Mỹ có hẳn một chiến lược đào tạo phát triển bóng đá trẻ trong giới nữ. Bóng đá nữ Mỹ phát triển rộng rãi trong môi trường cạnh tranh rất cao. Hơn 6000 câu lạc bộ tư nhân mời các huấn luyện viên chuyên nghiệp nước ngoài. Đó là trường hợp của Paul đến từ nước Anh từ 10 năm qua để làm công việc huấn luyện các lớp cầu thủ trẻ tại học viện bóng đá LA Premier FC, tại Los Angeles. 

Paul Hennessey cho biết: “Số lượng các cô gái chơi bóng đá đã tăng theo cấp số nhân trong 9 - 10 năm qua, nhất là ở lớp các cầu thủ rất trẻ. Tôi nghĩ điều này bắt nguồn từ việc các em nhỏ ngày càng có nhiều hình mẫu từ các cầu thủ lớn và nhờ có việc tiếp cận dễ dàng môn thể thao này. Trong số các đội bóng hay nhất tại Cúp thế giới thì đội tuyển nữ Mỹ là một trong những đội mạnh nhất...

Tôi nghĩ cách chơi bóng của nữ rất kỹ thuật.Có rất nhiều đường chuyền, các cầu thủ chạy chỗ giữa các tuyến cũng rất nhiều. Nhịp độ trận đấu phụ thuộc chủ yếu vào các đường chuyền bóng hơn là về sức mạnh thể lực”. 

Điều đáng nói nữa là, đại đa số các nữ cầu thủ Mỹ chơi bóng đá từ độ tuổi rất trẻ. Như ghi nhận của ông Mark Parson, huấn luyện viên người Anh của câu lạc bộ nữ Portland trong giải chuyên nghiệp quốc gia bóng đá Mỹ. 

Như trường hợp của Ashley, 13 tuổi, tiền đạo có triển vọng của học viện bóng đá Premier FC. Các cô gái ở học viện bóng đá đều hy vọng được Liên Đoàn Bóng Đá Mỹ để mắt tới. Ước mơ của cô bé là tiếp tục được chơi bóng khi vào đại học và cao hơn là được tham gia đội tuyển quốc gia. 

Trong làng bóng đá nữ thế giới, tuyển Mỹ có một bề dày thành tích đáng nể
Trong làng bóng đá nữ thế giới, tuyển Mỹ có một bề dày thành tích đáng nể

Theo học tại học viện bóng đá L.A Premier FC, Ashley luyện tập bốn buổi một tuần. Những ngày cuối tuần, ngoài giờ lên lớp, cô bé dành toàn bộ thời gian cho các trận đấu bóng. Đó là sự đầu tư không chỉ về thời gian mà cả tiền bạc nữa. Bố mẹ cô chi ra không dưới 4000 USD/năm để cho con gái theo học ở học viện bóng đá này. 

Tất cả các bậc phụ huynh ở Mỹ cho con tham gia học viện bóng đá đều có chung một hy vọng là con mình sẽ có được học bổng khi vào đại học nhờ bóng đá. Bằng cách đó họ còn tiết kiệm được tới 200 ngàn USD chi cho học phí ở bậc đại học.

Hơn nam về đẳng cấp nhưng thua kém về lương bổng

Bóng đá nữ phát triển mạnh mẽ từ sau chiến thắng của đội tuyển quốc gia ở Cúp thế giới bóng đá nữ lần thứ nhất 1991. Liên tục giành các danh hiệu lớn, đội tuyển quốc gia Mỹ lại càng làm dấy lên niềm tự hào của người Mỹ cùng niềm đam mê bóng đá ở các cô gái đang tuổi lớn, cần có những thần tượng để noi theo. 

Bóng đá nữ không chỉ rất phổ biến hơn mà thành tích của các cô gái cũng cao hơn các cầu thủ nam. Thế nhưng các cầu thủ nữ luôn phải đấu tranh để có được mức lương bình đẳng với nam.

Một chuyên gia  giải thích về sự cách biệt quyền lợi giữa các cầu thủ nữ và nam: “Các nhà tài trợ khác, bản quyền truyền hình cũng khác biệt. Rất khó cho các trận đấu của các cô mà không được truyền thông chú ý, được phát trên truyền hình, vì thế mà ít nhà tài trợ quan tâm. Sự khác biệt giữa bóng đá nam và nữ nhìn chung, đó là vấn đề tài chính, chủ sở hữu và nhà tài trợ và truyền hình”. 

Mới đây, trước ngày lên đường dự Cúp thế giới bóng đá nữ 2019 tại Pháp, các nữ cầu thủ Mỹ đã kiện lên Liên đoàn Bóng đá Mỹ vì bị phân biệt đối xử với mức lương của họ thấp hơn cầu thủ nam 38%. Alex Morgan, Đội trưởng đội tuyển Mỹ cho biết: “Chúng tôi là những người phất cờ đấu tranh nữ quyền so với các môn thể thao khác. Phụ nữ là nạn nhân của sự bất bình đẳng thường nhật trong thể thao. Tôi nghĩ, chúng tôi là người đi tiên phong trong môn bóng đá nữ và chúng tôi tiếp tục đấu tranh”.

Tại Cúp thế giới bóng đá nữ tại Pháp năm 2019, đội tuyển Mỹ có hai mục tiêu: Giành danh hiệu vô địch thế giới bóng đá nữ lần thứ 4 để có ngày đạt được bình đẳng với nam giới.

Tối 7/6/2019, hơn 45.000 khán giả lấp kín khán đài sân vận động Parc des Princes, Paris, chứng kiến Cúp bóng đá nữ thế giới FIFA lần thứ 8 khai mạc, trong không khí của ngày hội lớn môn bóng tròn. 24 đội bóng đại diện xuất sắc của bóng đá nữ thế giới được chia thành 6 bảng, bắt đầu các cuộc tranh tài quyết liệt tại 9 thành phố của Pháp trong một tháng từ ngày 6/6 - 7/7.

Kỳ Cúp thế giới 2019 tại Pháp lần này được giới chuyên gia đánh giá sẽ giải đấu có chất lượng chuyên môn cao nhất từ trước tới giờ. Trước ngày khai mạc, chủ tịch FIFA, Gianni Infantino vừa tái đắc cử tại Paris khẳng định: “Các bạn sẽ thấy sự bùng nổ của bóng đá nữ tại World Cup lần này. Chúng ta sẽ có một tỷ cổ động viên theo dõi giải đấu, với những đội bóng đầy cạnh tranh và các cầu thủ có kỹ thuật”.

Gần một triệu vé đã được bán hết trước ngày khai cuộc. Ban tổ chức dự tính số lượng vé bán ra sẽ tăng mạnh trong các vòng đấu sau. Điều này cho thấy sức hấp dẫn ngày càng lớn của bóng đá nữ đối với người hâm mộ túc cầu trên khắp thế giới.

Đọc thêm