Vì sao thương hiệu CLB bóng đá Việt cứ mong manh như nến trước gió?

(PLVN) -Trên thế giới có những CLB bóng đá tồn tại cả thế kỷ, nhưng ở Việt Nam sự tồn tại của một thương hiệu CLB luôn rất mong manh, như “ngọn nến trước gió”.
CLB HAGL được đánh giá hoạt động chuyên nghiệp, bền vững cả về tài chính và chuyên môn.
CLB HAGL được đánh giá hoạt động chuyên nghiệp, bền vững cả về tài chính và chuyên môn.

Vẫn là chuyện ông bầu

Chúng ta từng chứng kiến bóng đá Việt Nam đã có những tên tuổi lịch sử như Thể Công, Công an Hà Nội, Cảng Sài Gòn… Nhưng rồi những tên tuổi đó chỉ còn nằm trong kỷ yếu của lịch sử bóng đá nước nhà.

Tưởng chừng sự có mặt của các "ông bầu" sẽ làm cho bóng đá thêm tính chuyên nghiệp, tránh được bao cấp của nhà nước. Nhưng sự biến đổi của các CLB V.League trong năm qua cho thấy rằng cách quản lý, điều hướng của VFF, VPF vẫn chưa có lối thoát.

Nhiều chuyên gia bóng đá đặt câu hỏi: Đó có phải là vai trò của VPF - VFF trong các quản lý, xây dựng lộ trình cho bóng đá vẫn mang tính “chắp vá” hay là vì vấn đề khác?.

Hai CLB gây xôn xao dư luận trong năm qua là Than Quảng Ninh và Thanh Hóa đã có những biến chuyển khó lường.

Một CLB có tiềm lực tài chính kinh khủng cỡ Than Quảng Ninh, đội bóng của tỉnh, thế mà những ông chủ tịch CLB lại “thích làm gì thì làm”. 

Sau vòng 11 V-League, Than Quảng Ninh đang xếp vị trí thứ 3 và tràn trề cơ hội đua vô địch với những đội đang xếp trên Sài Gòn hay Viettel. Trong khi đó, Hải Phòng xếp vị trí thứ 2 từ dưới lên và đối mặt với nguy cơ rớt hạng rất cao. Bỗng dưng CĐV hai đội "ngã ngữa" với thông tin, Than Quảng Ninh đã cho Hải Phòng mượn 3 gương mặt quan trọng của đội bóng.

Đó là, Mạc Hồng Quân và Nghiêm Xuân Tú được cho mượn đến hết mùa. Còn chân sút Andre Fagan trở về đội bóng cũ Hải Phòng trước thời điểm đáo hạn hợp đồng cho mượn giữa hai bên.

Trả lời về quyết định này, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng nói: "Chuyện Quảng Ninh cho Hải Phòng mượn cầu thủ là bình thường. Đội nào chẳng chuyển nhượng. Mọi người hiểu sai nên nghĩ chúng tôi có vấn đề, chứ thực ra tôi không làm gì mờ ám”.

Chuyện như vậy nhưng bên ngành thể thao tỉnh nhà lại “im hơi lặng tiếng”, cho dù trên danh nghĩa CLB là đội bóng của tỉnh.

Chuyện bầu Đệ ra đi nhường chức cho bầu Cao Tiến Đoan ở CLB Thanh Hoá cũng làm theo cách không giống ai.

Liệu mối duyên này có nghiêm túc dài lâu và tương lai của CLB có tươi sáng hơn thời bầu Đệ? Vẫn là câu hỏi không có lời đáp, dù Thanh Hóa đã bổ sung nhân lực từ HLV cho tới cầu thủ.

Chuyện sang tên CLB là chuyện “thường ngày ở huyện”. Đang còn tiền thì đầu tư, hết tiền thì trả lại tỉnh nhà quản lý, rồi ông bầu khác vào và thay đổi thương hiệu CLB.

Đó là chưa kể những CLB đã biến mất khỏi bóng đá Việt Nam như: Vissai Ninh Bình, Cảng Saigon, Hoà Phát... vì chọn sai hoặc phụ thuộc vào một ông bầu.

Kinh phí vẫn luôn là bài toán thường trực của các CLB. Nó quyết định sự tồn vong, trụ hạng hay cạnh tranh chức vô địch.

Thực trang đó đã xuất hiện như CLB Cần Thơ. Là một đội bóng của tỉnh, nên khi không ai tài trợ, CLB “thoi thóp” chờ bầu sữa... Hay chuyện cầu thủ CLB Khánh Hoà khi vừa tập vừa ngóng nhà tài trợ.

Còn CLB Long An, khi bầu Thắng rút lui thì đội bóng cũng hết động lực để tiến bước.

CLB Thanh Hóa với logo mới khi thay đổi chủ sở hữu
 CLB Thanh Hóa với logo mới khi thay đổi chủ sở hữu

Hoạt động CLB còn nghiệp dư

CLB Nam Định năm nay trụ lại Vleague đã là một sự cố gắng của cả tỉnh nhà. Nhưng năm nào CLB này cũng lo trụ hạng thì đến bao giờ họ đột phá được?. Đó chính là cách để chúng ta nhìn nhận sức sống của các CLB vẫn rất mong manh.

Số lượng CLB dưới sự quản lý của nhà nước (tức sở VHTT tỉnh) là 9/14 (tới gần 70% số CLB chuyên nghiệp). Vậy bản chất của từng ấy CLB vẫn phải "đong ăn" từng mùa giải - tỉnh cấp ngân sách mùa nào tiêu hết mùa đấy, CLB Than Quảng Ninh là một ví dụ.

Cách hoạt động nặng về bao cấp khiến cho nhiều CLB chưa chú trọng đến mô hình chuyên nghiệp bền vững.

Một chuyên gia bóng đá chia sẻ: “Các CLB thay vì xin tài trợ 1-2 công ty (10-20 tỷ đồng/ mùa) thì sao không kêu gọi 10-20 nhà tài trợ (mỗi công ty tài trợ 2-3 tỷ/ mùa)? Ví dụ: doanh nghiệp A nhận tài trợ mặt cỏ/ doanh nghiệp B tài trợ khán đài/ còn lại tài trợ lương cho tất cả thành viên…

Hãy minh bạch tài chính, CLB tiêu bao nhiều tiền từ báo cáo của ông chủ tịch, ban kế toán.

Ngoài ra, CLB phải biết phát triển thương hiệu của đội bóng tại Vleague. Thương hiệu chính là tiền, tồn vong của CLB. Đừng coi đó “là một điều xa xỉ”.

“Nếu CLB cứ vài năm một tên, rồi thay đổi logo. Các nhà tài trợ đến rồi đi, chủ yếu để đánh bóng thương hiệu lúc có tiền thì đội bóng không tránh khỏi qua tay anh này, anh kia”, một lãnh đạo CLB nhận định.

Đọc thêm