Thêm 14,4 nghìn tỷ đồng vốn hỗ trợ hộ nghèo trong năm 2020

(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 632/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2020 cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, kế hoạch năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng này so với năm 2019 là 8%, tương ứng 14,4 nghìn tỷ đồng.
Nguồn vốn ưu đãi đã thâm nhập và đồng hành cùng đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh trong mọi hoàn cảnh, tạo cho bà con có ý chí, động lực vươn lên, làm thay đổi cuộc sống
Nguồn vốn ưu đãi đã thâm nhập và đồng hành cùng đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh trong mọi hoàn cảnh, tạo cho bà con có ý chí, động lực vươn lên, làm thay đổi cuộc sống

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển được giao, bảo đảm an toàn, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

Khoản ưu đãi này sẽ tạo cơ hội về vốn cho người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa… tạo sinh kế, việc làm hoặc mở rộng sản xuất, kinh doanh, cải tạo nhà ở, xây dựng các công trình nước sạch nông thôn và cho học sinh - sinh viên vay vốn để học tập.

Theo NHCSXH, đến hết năm 2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 216.361 tỷ đồng, tăng 17.585 tỷ đồng so với năm 2018. Đặc biệt, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 15.443 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,1% tổng nguồn vốn, tăng 3.634 tỷ đồng so năm 2018.

Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 206.805 tỷ đồng, tăng 19.012 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 179.926 tỷ đồng, tăng 14.784 tỷ đồng so cuối năm 2018. Hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong tổng dư nợ, dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế và việc làm chiếm 73,8%.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong năm 2019 đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 266 nghìn lao động, trong đó giúp gần 7.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 36 nghìn học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,2 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 15,6 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; hơn 4.000 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP...

NHCSXH vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nghiệp vụ nhận ký quỹ và cho vay để ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Quyết định số 12/2020/QĐ-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS).

Theo đó, về nhận ký quỹ, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Mức tiền ký quỹ là 100 triệu đồng, thời hạn ký quỹ là 5 năm 6 tháng. Trong thời hạn 35 ngày kể từ ngày ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, người lao động thực hiện ký quỹ tại NHCSXH trên địa bàn nơi người lao động đăng ký thường trú.

Về cho vay để ký quỹ, NHCSXH sẽ thỏa thuận với người lao động trong hợp đồng tín dụng về thời hạn cho vay, việc trả nợ gốc và lãi suất tiền vay. Lãi suất cho vay áp dụng theo mức lãi suất của NHCSXH đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với từng đối tượng. NHCSXH thực hiện phương thức cho vay trực tiếp đến khách hàng tại trụ sở NHCSXH nơi cho vay, khách hàng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

Đọc thêm