Năm nay, không khí của những ngày thu Cách mạng như thêm rộn ràng và đáng nhớ hơn khi chúng ta đang tiến đến rất gần thời khắc kỷ niệm Thủ đô tròn 1.000 năm tuổi. Truyền thống văn hiến nghìn năm của dân tộc và ý nghĩa thiêng liêng của thời khắc Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chính là nguồn cảm hứng của triển lãm mỹ thuật “Thăng Long-Hà Nội rạng rỡ nghìn năm – Hải Phòng hướng về đại lễ” tại Trung tâm triển lãm và mỹ thuật thành phố những ngày này.
Gần 200 bức ảnh mang đến cho người xem cái nhìn xuyên suốt chặng đường 1.000 năm của Thủ đô nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới hình ảnh của đất nước thời đại Hồ Chí Minh rạng rỡ sử vàng. Triển lãm trưng bày theo 3 chủ đề: Thăng Long – Hà Nội: Lịch sử hào hùng; Thăng Long – Hà Nội: Thời đại Hồ Chí Minh và Hải Phòng hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Chỉ với 12 bức ảnh chọn lọc những hình ảnh tiêu biểu nhất, lịch sử nghìn năm của dân tộc thể hiện qua những dấu ấn trên mảnh đất Thủ đô được tái hiện một cách sinh động. Bức ảnh vua Lý Thái Tổ và tam quan đền Thượng (kinh đô đầu tiên của nước Việt thời Âu Lạc) đưa người xem trở lại với thời khắc lịch sử vào tháng 10 năm Kỷ Dậu 1009, tại Kinh đô Hoa Lư khi Lý Công Uẩn lên ngôi lập vương triều Lý (1009 – 1225). Mùa xuân năm 1010, Lý Thái Tổ viết “Thiên đô chiếu” chọn thành Đại La (nay là Hà Nội) làm Thượng đô, kinh sử muôn đời đặt tên là thành Thăng Long (tức rồng bay lên) với những ý niệm, thể hiện khát vọng thiêng liêng của vương triều và muôn dân Đại Việt. Đó cũng là mốc son chói lọi để từ đây, các triều đại tiếp nối làm nên một vương triều Trần “văn trị rực rỡ, võ công oanh liệt”, một vương triều Lê với áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo” và ánh sao khuê Nguyễn Trãi lấp lánh, vương triều nhà Mạc và Lê – Trịnh với những thành tựu lớn về khoa học, nghệ thuật, y học… để muôn đời sau còn nhắc mãi những Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Hữu Trác, Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn…
|
Những giá trị truyền thống, lịch sử văn hóa ấy tạo nên sức mạnh nội lực to lớn, hun đúc trong trái tim mỗi người Việt Nam ý chí không chịu khuất phục trước bất cứ kẻ thù xâm lược nào. Khi thực dân Pháp xâm lược miền Bắc, ý chí ấy bùng lên thành những cuộc đấu tranh bất khuất làm nên thắng lợi huy hoàng của Cách mạng Tháng Tám, đánh dấu bằng thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Dưới lời hiệu triệu của Người, muôn vạn người dân Việt Nam nhất tề đứng lên chiến đấu vì một non sông thống nhất và toàn vẹn. Không khí của những ngày tháng chiến đấu gian khổ nhưng anh hùng ấy vẫn vẹn nguyên như ngày nào qua loạt ảnh của quân và dân Hà Nội chiến đấu chống quân Pháp trên từng mái nhà, góc phố (12-1946); cảm tử quân Hà Nội chuẩn bị lao bom ba càng vào xe tăng Pháp; quân dân Thủ đô chiến đấu trong trận Điện Biên Phủ trên không (1972) …
Triển lãm cũng giới thiệu nhiều bức ảnh về quá trình xây dựng đất nước từ trong gian khó trở nên “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời Bác Hồ dạy. Đó là các bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh xem và góp ý kiến vào dự án quy hoạch Thủ đô 11-1959, quân và dân Thủ đô xây dựng sân vận động Hàng Đẫy và các công trình công cộng (1965), hình ảnh vườn trẻ, hệ thống cửa hàng mậu dịch, bức ảnh về kỳ họp thứ nhất Quốc hội nước Việt Nam thống nhất khóa 6… Gần hơn, sự kiện Hà Nội được công nhận là thành phố vì hòa bình (1999), Hội nghị APEC lần thứ 14 (2006)… là những dấu son tươi thắm trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của Thủ đô và đất nước. Hà Nội hôm nay đang vươn mình kiêu hãnh với những nhà máy, trang trại, làng hoa, với chợ đêm tấp nập, với khu đô thị mới Linh Đàm, cầu Thanh Trì hiện đại… Nhưng Hà Nội hôm nay vẫn còn đây những trầm tích văn hóa nghìn năm với chùa Một Cột, Ô Quan Chưởng, phố Ông Đồ, cầu Long Biên, lễ hội múa rồng, múa rối nước của làng Đông Anh…
Nằm bên bờ biển Đông, cách Hà Nội hơn 100km, Hải Phòng đang hòa nhịp cùng Thủ đô trên con đường xây dựng và phát triển. 76 bức ảnh phản ánh guồng quay và diện mạo của thành phố trên các lĩnh vực của đời sống. Hải Phòng hôm nay với cầu Bính, cầu Khuể, đường Lê Hồng Phong, cảng Đình Vũ, ụ nổi chứa dầu 150.000 tấn, với làng nghề đúc đồng Mỹ Đồng (Thủy Nguyên), lễ hội Trạng Trình, Liên hoan du lịch “Đồ Sơn biển gọi”… đang căng lên sức vươn của một thành phố trẻ. Thành phố trẻ ấy cũng đang hối hả hoàn thành những công trình phục dựng tháp Tường Long, khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc, tổ chức đại lễ Phật giáo… hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Cũng trong dịp này, triển lãm mỹ thuật “Sắc thu” với khoảng 40 tác phẩm của các họa sĩ đất Cảng được tổ chức góp thêm sắc hoa tươi thắm thành phố gửi tới Thủ đô nhân dịp tròn nghìn năm tuổi./.
Hồng Châm