“Ẩm thực mẹ làm” “xuất ngoại”

(PLVN) - Tháng 10/2020, “Ẩm thực mẹ làm” đã trở thành kênh YouTube đại diện Việt Nam thi YouTube FanFest 2020. Trước đó, cuối tháng 5/2020, “Ẩm thực mẹ làm” được YouTube chọn để giới thiệu đến người dùng thế giới, thông qua tài khoản Twitter chính thức của mình. Đây là lần hiếm hoi một kênh của nhà sáng tạo nội dung Việt Nam lọt vào mắt xanh MXH video đình đám thế giới này.
“Ẩm thực mẹ làm”  “xuất ngoại”

Quà tặng mẹ 

Chủ nhân của kênh “Ẩm thực mẹ làm” được YouTube nhắc đến là chàng trai có làn da nâu chân chất Đồng Văn Hùng (sinh năm 1996, Thái Nguyên) và nhân vật chính trong mỗi video là bà Dương Thị Cường (mẹ Hùng, sinh năm 1964). Điều đặc biệt, toàn bộ các video này đều được thực hiện bởi một tay Hùng, như món quà kỷ niệm dành tặng cho mẹ của mình, một người mẹ ở vùng nông thôn Bắc Bộ chịu khó, tảo tần. 

Trong đêm Gala We Choice Awards Diệu Kỳ Việt Nam (giải thưởng bình chọn vinh danh những nhân vật, sự kiện truyền cảm hứng hàng năm), “Ẩm thực mẹ làm” lọt tốp 3 chương trình cũng thêm một lần nữa ghi dấu ấn trong hành trình mộc mạc của hai mẹ con Hùng. 

Trước đó, vào lúc 16 giờ ngày 11/10, “Ẩm thực mẹ làm”  đã đại diện Việt Nam cùng nhiều nhà sáng tạo nội dung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương góp mặt trong YouTube Fanfest 2020, sự kiện được tổ chức trực tuyến do dịch Covid-19. YouTube Fanfest là lễ hội âm nhạc nổi tiếng toàn cầu, quy tụ các ngôi sao, nhà sáng tạo nội dung có sức ảnh hưởng trên thế giới, được tổ chức thường niên, từ năm 2014. 

Ngày nhận được tin sẽ là một trong những đại diện Việt Nam được vinh danh tại sự kiện, Hùng vui vỡ òa. “Mình không nghĩ những nội dung mình sản xuất sẽ được đón nhận tích cực như thế và nay lại có cơ hội được nhiều bạn bè quốc tế biết đến. Điều đó với mình và mẹ quý giá vô cùng”, Hùng cho biết.

Trong số những nhà sáng tạo Việt Nam tham dự sự kiện lần này, kênh của Hùng mang màu sắc khác biệt. Trong khi phần lớn các kênh có nội dung mang tính giải trí thì “Ẩm thực mẹ làm” vẽ nên một bức tranh miền quê yên bình, với những món ăn bình dị được chăm chút từ bàn tay của mẹ.  

Hùng chia sẻ, cậu lớn lên nhờ những bữa cơm của mẹ, những món ăn gắn liền với ký ức tuổi thơ. Và thế là, kênh Youtube mang tên “Ẩm thực mẹ làm” xuất hiện. Ở đó, có người mẹ nông dân tần tảo cùng những món ăn đồng quê thân thuộc do chính tay mẹ nấu. Bên mẹ, không xô bồ, vội vã, chỉ có cảm xúc và những đứa trẻ của ngày xưa. Đôi khi, chỉ bát canh cua và nụ cười của mẹ mà sao lũ trẻ xa quê lại muốn khóc oà lên vỡ vụn.

Mẹ Hùng không hiểu Youtube là gì và phải “diễn” như thế nào. Nhưng Hùng nói “mẹ không cần phải làm gì cả, cứ hãy là mẹ của mỗi ngày đồng áng, cơm nước và chỉ thế thôi”.

Mẹ Hùng cũng tâm sự: “Cô dậy sớm, cám tấm lợn gà xong xuôi mới dành thời gian làm Youtube. Mới đầu thì cũng khó khăn, nhưng dần dần rồi cô cũng quen. Như công việc hằng ngày cô vẫn làm, chỉ có điều cẩn thận, cầu kì và lâu hơn thôi”.

Kênh youtue “Ẩm thực mẹ làm” của Hùng và mẹ được nhiều người yêu thích.
Kênh youtue “Ẩm thực mẹ làm” của Hùng và mẹ được nhiều người yêu thích.

Không kịch bản, có gì quay nấy. Mẹ ra đồng, Hùng cũng ra đồng. Mẹ vào bếp, Hùng cũng lọ mọ chui vào nhóm củi. Mẹ chỉ làm những món ăn dân dã từ ngày xưa khi bà ngoại còn sống. Thịt, rau, trứng,... chẳng phải đâu xa, đều từ vườn nhà mà ra. Mẹ làm bánh đúc, kẹo lạc, nồi cháo trai đậm đà hương vị quê, đĩa rau tầm bóp xào tỏi, rồi cả canh rau dền thịt băm, nộm hoa chuối, măng luộc chấm tương, cơm lam chấm muối lạc...

Bất kể món gì, mẹ cũng nấu được, bằng nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà, gia vị đượm yêu thương và sự mộc mạc. Mỗi clip là một thước phim ngắn, tái hiện chân thực cuộc sống sinh hoạt đời thường của mẹ. Thứ nhạc Hùng đưa vào, khiến người nghe da diết từng khúc. Cảnh Hùng quay, dù không quá cầu kì, nghệ thuật, nhưng đủ đẹp và dễ đi vào lòng người. Đôi khi, chỉ là tiếng lá vỗ xào xạc vào nhau, hay vài tia nắng sót lại của một buổi chiều quê. Ai cũng thòm thèm dõi theo từng cảnh mẹ nấu, muốn ăn thử, làm thử,... Và hơn thế, là muốn chạy ngay về với mẹ, ngồi bên mâm cơm nhà giản dị mà yêu thương.

 “Mẹ mình rất vất vả. Những nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ đã ngày càng rõ. Những vết chai sần trên tay mẹ, nhưng cũng chính nhờ bàn tay gầy guộc, xương xương của mẹ nuôi mình lớn khôn, trưởng thành như bây giờ. Phải đến khi lớn rồi, ta mới hiểu bố mẹ. Mỗi clip là một câu chuyện trong cuộc sống hàng ngày của mẹ mình. Có sao mình quay vậy để đem lại cảm xúc chân thật nhất cho chính mình và mọi người khi xem. Về nhà, món quà quê bình dị ngày sum vầy như kẹo lạc lại khiến bất cứ ai cũng thấy sao mà thân thương, ngọt ngào”, Hùng cho biết.

Những thước phim cuộc đời

Hùng chia sẻ, cậu biết dùng photoshop từ thời cấp 3. Khi ấy, Hùng đã tạo được những tấm ảnh bìa rất “hot” của những năm 2013-2014. “Sau đó, rất nhiều bạn trong lớp, trong trường nhờ mình làm và vì thế mình đã học thêm được nhiều kỹ năng, biết chỉnh thêm ảnh người, cỏ cây, hoa lá. Một thời gian sau đó, mình dùng chiếc điện thoại “cùi bắp” để chụp những tấm ảnh đầu tiên khi đi chăn bò và dùng các công cụ chỉnh sửa ảnh. Dần dần, mình yêu thích công việc nhiếp ảnh từ lúc nào không hay. Học xong lớp 12, mình không đi thi đại học và xin làm công nhân ở một công ty điện tử ở Bắc Ninh trong khoảng hơn 1 năm. Tiết kiệm được chút vốn, mình ra Hà Nội học nhiếp ảnh và từ đó cũng làm nghề được 3-4 năm. Và đầu tháng 3/2019, mình bắt đầu bén duyên với YouTube đến giờ”.

Sau 2 năm làm YouTube, Hùng bảo cuộc sống chẳng có gì khác biệt, mẹ Hùng vẫn tiếp tục làm nông, chăm sóc vườn rau, còn Hùng vẫn xoay quanh chiếc máy ảnh và những thước phim. Có chăng sự khác biệt rõ nhất so với trước kia là được mọi người nhận ra nhiều hơn khi ra đường.

Hùng từng nhận không ít lời đề nghị hợp tác quảng cáo cùng các nhãn hàng. Tuy nhiên, anh đều từ chối. Hùng chỉ muốn đây là không gian để lưu lại cuộc sống gia đình đúng nghĩa, không chịu sự tác động từ bất kỳ ai. Anh cũng lo sợ nếu chạy theo lợi ích kinh tế, đôi khi người xem lại quay lưng “bởi cốt lõi họ thương mình vì cái chất nhà quê mộc mạc”.

Hình ảnh người mẹ và những món ăn quê dân dã đã chạm tới trái tim người xem.
Hình ảnh người mẹ và những món ăn quê dân dã đã chạm tới trái tim người xem.

Có thể nói, những đoạn video của “Ẩm thực mẹ làm” thường rất ít lời thoại, cũng không đưa thông điệp nào cao siêu nhưng chạm đến trái tim người xem bởi những điều rất thật. Người tha hương được trải lòng, thỏa nỗi nhớ thương quê nhà, cuộc sống vùng nông thôn với những cánh đồng lúa vàng vào mùa mênh mông, bát ngát, với ánh trăng rằm sáng vằng vặc, là những ngày chăn bò, lội ruộng, hái rau, bắt ốc... Những điều tưởng như quá thân thuộc với người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” rất đỗi thân thương, bình dị, gợi lên bao xúc cảm với bao người.

Mâm cơm có rau muống luộc, đĩa rau sống, cà trộn… thu hút đến 2,5 triệu lượt xem cùng 5 ngàn lượt bình luận. Người phụ nữ gầy nhom với làn da nâu nhưng nụ cười lúc nào cũng tươi đã trở thành nhịp cầu nối cảm xúc cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Mỗi vùng miền, mỗi đất nước đều có phong tục, tập quán và văn hóa ẩm thực riêng, nhưng dường như hơi ấm từ bữa cơm của mẹ là điều ai cũng cảm nhận được. Ở đó, mọi buồn khổ, lo lắng tạm gác lại, chỉ còn những yêu thương, bé nhỏ và đong đầy…

 Gia đình chỉ có 3 người, mẹ con Hùng và bà ngoại. Sau khi bà ngoại Hùng qua đời, căn nhà chỉ còn người mẹ một mình sớm hôm. Hùng nghĩ, mọi người yêu thích kênh của hai mẹ con là nhờ nét đẹp mộc mạc nhất có thể qua từng góc quay cậu muốn truyền đạt. Ngoài mẹ và con, đôi khi là hai chú chó Mập và Lạc, cùng lũ mèo, bầy gà xung quanh nhảy vào “đòi” làm nhân vật phụ. Trung bình 5-6 ngày, Hùng và mẹ cho ra một clip. Từ khi được nhiều người quan tâm, yêu cầu nội dung hay, súc tích hơn, có thể 7 ngày một clip.

“Ai cũng có một người mẹ tần tảo, mà trong mắt họ, mẹ là duy nhất. Mình muốn kể những câu chuyện của riêng mẹ và mình, truyền tải cho mọi người về sự vất vả đó. Mẹ đã trồng những ruộng lạc, ruộng ngô, những giọt mồ hôi lăn trên má thấm đẫm nỗi vất vả. Ngày xưa ấy, là kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời. Tuổi thơ của chúng ta là đây, một thời mò cua, bắt cá. Nhẹ nhàng, không ồn ào, mọi thứ cứ thế êm ả trôi” – Hùng tâm sự.

Và như thế, Hùng và mẹ, đã và đang viết nên câu chuyện về những yêu thương dung dị. Dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng ở đâu đó trong mỗi con người luôn neo đậu những bình yên đến se lòng khi chạm tới những “thước phim” quay chậm, là mẹ, là căn bếp đơn sơ, là những món ăn từ tay mẹ, như đã rất xa thời thơ ấu…