Hải Phòng bình ổn thị trường Tết dịp Tết Nguyên đán

(PLVN) - TP Hải Phòng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để bình ổn thị trường, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Tăng 10-30% lượng hàng 

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hải Phòng, thị trường hàng hóa trên địa bàn TP dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 dự báo sẽ không biến động lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) đã chủ động xây dựng nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu trên nhu cầu tiêu thụ hàng năm và sức mua hiện tại. Nguồn cung đối với 9 nhóm hàng bình ổn gồm gạo tẻ, đường, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau, củ quả, thực phẩm chế biến tăng từ 10-30% so với cùng kỳ năm ngoái…

Để đảm bảo bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở Công Thương đã chỉ đạo doanh nghiệp, hệ thống phân phối kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; tổ chức cung ứng lượng hàng hóa phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ban quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý chợ tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh dự trữ hàng hóa để đưa tiêu thụ trên thị trường các mặt hàng phục vụ Tết. 

Theo ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Công Thương, qua đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn TP, Sở Công Thương đã chủ động đề xuất các biện pháp đảm bảo cân đối cung - cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra việc “sốt” giá cục bộ trên địa bàn, hạn chế hình thức đầu cơ găm hàng số lượng lớn gây biến động thị trường. 

Sở Công Thương cũng tiến hành vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tham gia Chương trình bình ổn thị trường; phối hợp với Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng thông tin đến các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp về việc nghiên cứu sắp xếp, bố trí địa điểm để phục vụ công tác tổ chức bán hàng lưu động tại các khu công nghiệp; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Hải Phòng triển khai chương trình bình ổn thị trường tới các tổ chức tín dụng trên địa bàn.

Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, kích cầu tiêu dùng như tổ chức “Tháng khuyến mại - Kết nối sản xuất và tiêu dùng Hải Phòng thời kỳ 4.0”; 2 phiên chợ hàng Việt về hải đảo huyện Cát Hải cũng được triển khai tích cực. Nhiều DN đã đưa hàng Việt về nông thôn bằng nguồn xã hội hóa.

Đại diện Sở Công Thương Hải Phòng cho biết, hiện mối lo ngại lớn nhất trong kế hoạch bình ổn giá thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu là thiếu hụt mặt hàng thịt lợn bởi so với giá thu mua trong nước, giá thịt lợn xuất sang Trung Quốc cao hơn rất nhiều…

Tập trung ngăn chặn hàng giả

Bên cạnh việc đảm bảo số lượng, chất lượng hàng hóa cung ứng cho dịp Tết Nguyên đán, Hải Phòng đã tích cực vào cuộc đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại. Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hải Phòng đã tập trung cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về hàng giả, hàng lậu, hàng gian lận thương mại vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. 

Theo đánh giá của Cục QLTT Hải Phòng, tình hình buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu dịp cận Tết Nguyên đán vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các mặt hàng như thuốc lá, quần áo, đồ điện tử…

Hoạt động buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi, các đối tượng buôn lậu sử dụng các thiết bị, phương tiện có khả năng cơ động cao, sẵn sàng chống trả lại các lực lượng chức năng để tẩu tán hàng hóa khi bị kiểm tra, bắt giữ. 

Trong công tác kiểm soát xuất nhập khẩu, một số doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục hải quan điện tử có các hành vi khai sai tên hàng hóa, mã số, xuất xứ… Đặc biệt là tình hình vận chuyển trái phép các loại tiền chất qua đường bưu phẩm, bưu kiện theo hình thức chuyển phát.

Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hải Phòng cho biết, từ nay đến trước và sau Tết âm lịch, đơn vị sẽ tăng cường kiểm soát các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, kho chứa hàng đông lạnh; kiểm soát chặt các đơn vị nhập khẩu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm hạn chế việc găm hàng, tăng giá, buôn bán thực phẩm “bẩn”.

Đặc biệt, đơn vị cũng tập trung vào việc kiểm tra những mặt hàng thiết yếu, nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết Nguyên đán như bánh kẹo, rượu, bia nhập ngoại, pháo lậu…