Những món ngon dân dã nhớ đời của xứ Quảng

(PLO) - Về với Quảng Nam là điểm đến của du lịch văn hóa, lịch sử tượng đài Mẹ Thứ, mẹ Việt anh hùng, nhà lưu niệm Võ Chí Công, địa đạo Kỳ Anh, lãnh địa Tháp Mỹ Sơn, phố cổ Hội An; là điểm đến của các món ăn dân dã, ẩn chứa nhiều thông điệp cuộc sống. 

Những ngày đầu năm mới, mọi người ai cũng hân hoan, quây quần bên gia đình, người thân, họ chúc nhau năm mới nhiều tài lộc, bình an, lì xì, mừng tuổi, trao cho nhau những tình cảm thiêng liêng nhất tạo nên hơi ấm, sắc xuân đang ngập tràn khắp nơi và cùng nhau thưởng thức những món ăn trong ngày Tết cổ truyền và các món ăn đời thường nhất của người dân Quảng Nam.

Bánh tét chiên

Ngoài phong tục truyền thống Việt Nam là gói bánh chưng trong ngày tết thì người dân Quảng Nam còn gói bánh Tét là món bánh để đón chào năm mới, mang đậm nét rất riêng của địa phương. Hết thời gian ba ngày tết, họ lột lá ra, cắt từng lát miếng mỏng, bỏ dầu phụng vào chảo chiên vàng, màu vàng óng giòn tan của bánh, hương thơm của nhân đậu xanh của bánh, chấm với nước xì dầu giã ớt xanh cay nồng, ăn kèm với củ hành, củ kiệu muối chua thì thật là tuyệt vời.

Đòn bánh Tét được bọc nhiều lá như người mẹ bọc lấy người con, ăn bánh Tét lại nghĩ về mẹ, sống với mẹ, như chị em đùm bọc lẫn nhau cùng một mẹ sinh ra. Đó là ngày vui nhất của đại gia đình về sum họp.

Không chỉ dừng lại ở đó, bánh Tét xanh nhân nhuỵ vàng gợi cho ta màu xanh của đồng quê, của đời sống chăn nuôi, của an vui xóm – làng... gợi cho ta niềm mơ ước “an cư lạc nghiệp” của con người về một mùa xuân an bình cho mọi nhà. Tất cả những ý nghĩa đó đã đề cao sức lao động của con người, sự hoà hợp của trời đất, của con người với thiên nhiên, hướng về nguồn gốc tổ tiên.

Không biết tự khi nào, đòn bánh Tét và món bánh Tét chiên đã trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người xứ Quảng. Bánh Tét đã thoát khỏi những phạm trù vật chất thông thường, trở thành biểu tượng của quê mẹ, của quê hương Quảng Nam.

Cơm chiên bếp lửa hồng

Trong cái tiết trời chiều, mưa bay, se lạnh hương xuân trong ngày năm mới thật diệu kỳ, mọi người cùng ngắm nhìn những cánh hoa mai, đào khoe sắc rực rỡ ngày xuân. Còn gì thú vị hơn khi được ngồi bên bếp lửa, tạo vài món ăn khoái khẩu dân giã; cuộc sống hiện đại trong ngày Tết có biết bao món sơn hào, hải vị, tôm, cá đầy mâm....;

Nhưng hẳn có ai đã từng trở về với tuổi thơ, với cuộc sống đời thường sẽ không thể quên được món "Cơm chiên", đó không phải là món "cách tân: cơm chiên Dương Châu, cơm chiên hải sản" mà chỉ đơn giản là món cơm chiên được chiên bởi bếp lửa hồng nơi nếp quê, hương vị cay giòn vàng ươm, cháy xém của cơm, ngát hương của sả, nồng nàn của hạt tiêu đã tạo nên một món cơm chiên rất bình dị trong ngày xuân....

Hương vị cuộc sống có đôi khi cũng đơn giản vậy thôi, những cái xa xỉ nhất của xã hội có đó rồi mất đó nhưng hương vị của quê, đời thường, hình ảnh bếp lửa hồng, các món giản đơn nhất, hơi thở, không gian sống mộc mạc của con người đôi khi không thể mua được bằng vật chất ... hãy đơn giản như ta từng nghĩ cuộc sống sẽ thanh thản, nhẹ lòng hơn....

Rau má nấu canh

Khi tiết trời bắt đầu vào xuân, từng cơn mưa bay lất phất thôi thúc cho những cánh hoa đua nở, đồng ruộng mênh mông xanh ngắt; từng bờ ruộng, mảnh vườn của người dân vào thời gian này, sẽ thấy rau má thi nhau mọc xanh mướt, vươn dài ra từng vạt đều đặn.

Và cũng thời điểm này, trước trong và sau tết, người dân ra làm đồng hái từng vạt, từng luống rau má mọc tự nhiên trên mảnh vườn, ruộng của mình về để nấu canh, giã nước uống hoặc làm rau sống. Xuân về, niềm vui cũng về khắp nơi và trời đất cũng ban tặng cho con người những điều thú vị, vốn quý rất đời thường, rất tự nhiên, đậm chất “canh rau má” của người dân xứ Quảng, mà không phải nơi nào cũng có.

Hương vị ngày tết của Quảng Nam đã mang lại nhiều ấn tượng, sắc thái văn hóa, phong tục rất riêng của địa phương, nét đẹp và truyền thống ấy mãi trường tồn với thời gian qua nhiều đời con cháu vẫn gìn giữ, nếp quê, nét xuân trên quê hương.