Tỷ giá ngoại tệ hôm nay (15/5): Đồng USD tiếp tục giảm trong phiên cuối tuần

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng nay (15/5), giá USD tiếp tục giảm trong bối cảnh giá vàng tăng liên tiếp và tình trạng lạm phát gia tăng.
Hình minh họa
Hình minh họa

Tại thị trường trong nước, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 15/5 được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh ở mức 23.176 VND/USD, giữ nguyên mức giá so với phiên giao dịch sáng qua.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng nhà nước là 23.125 VND/USD ở chiều mua vào và 23.821 đồng/USD bán ra.

Tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại giao dịch lúc 8h sáng nay, cụ thể:

Tỷ giá Vietcombank hôm nay niêm yết ở mức 22.920 đồng/USD (mua vào) - 23.150 đồng/USD (bán ra), giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.

VietinBank niêm yết tỷ giá ở mức 22.944 đồng/USD (mua vào) – 23.144 đồng/USD (bán ra), giảm 3 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.

Giá 1 USD đổi sang VND tại BIDV niêm yết theo tỷ giá: 22.949 đồng/USD (mua vào) - 23.149 đồng/USD (bán ra), tăng 2 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch sáng qua.

Tại thị trường thế giới, tỷ giá USD trên thị trường thế giới giảm. Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 90,3 điểm, giảm 0,5%. Hiện 1 Euro đổi 1,214 USD; 1 bảng Anh đổi 1,41 USD; 1 USD đổi 109,34 yên.

Người phát ngôn Văn phòng Quản lý và ngân sách (OMB) Rob Friedlander cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố đề xuất ngân sách đầy đủ cho năm tài chính 2022 vào ngày 27/5 tới.

Đối với Tổng thống Biden, đây sẽ là cơ hội để trình bày quan điểm thống nhất về cách các đề xuất chính của ông, bao gồm kế hoạch chi tiêu hàng năm 1,5 nghìn tỷ USD cho năm 2022, dự luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD đã được ban hành và được ký thành luật vào tháng 3/2021, đề xuất 2,3 nghìn tỷ USD đối với kế hoạch cơ sở hạ tầng và kế hoạch 1,8 nghìn tỷ USD hỗ trợ cho các gia đình.

Riêng đề xuất ngân sách năm 2022 sẽ thúc đẩy chi tiêu trong nước lên 16%, tập trung chủ yếu vào y tế và giáo dục, trong khi cũng tăng chi tiêu quốc phòng lên 1,7%.

Tất cả các dữ liệu kinh tế gây ngạc nhiên vừa công bố đều chỉ ra sự gia tăng áp lực lạm phát ở Mỹ, với chương trình tiêm chủng COVID-19 hiệu quả cho phép phục hồi hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, dữ liệu đã không thể lay chuyển quan điểm nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Một loạt các quan chức từ ngân hàng trung ương, và mới nhất là Thống đốc Fed Christopher Waller, nhắc lại rằng lạm phát tăng đột biến sẽ chỉ là tạm thời.

Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ của nước này không thay đổi trong tháng 4 sau khi tăng 10,7% trong tháng 3.

Tuy nhiên, giới phân tích dự đoán doanh số bán lẻ có thể sẽ tăng mạnh trong những tháng tới khi nền kinh tế lớn nhất thế giới mở cửa trở lại và người Mỹ bắt đầu chi tiêu số tiền tiết kiệm đã tích lũy được.

Trên thị trường Phố Wall, chứng khoán đã có dấu hiệu tăng trở lại cùng với tâm lý đầu tư rủi ro được cải thiện. Xu hướng này cũng đã phần nào thúc đẩy đồng euro tăng mạnh so với USD.