Tỷ giá trung tâm giảm 17 đồng phiên đầu tuần

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng nay - 10/5, Ngân hàng nhà nước điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm xuống mức 23.162 VND/USD, giảm 17 đồng so với phiên giao dịch trước đó.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Tại thị trường trong nước, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 10/5 được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh ở mức 23.162 VND/USD, giảm 17 đồng so với phiên giao dịch cuối tuần.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng nhà nước là 23.125 VND/USD ở chiều mua vào và 23.824 đồng/USD bán ra.

Tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại giao dịch lúc 8h sáng nay, cụ thể:

Tỷ giá Vietcombank niêm yết ở mức 22.950 đồng/USD (mua vào) - 23.160 đồng/USD (bán ra), giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch cuối tuần.

VietinBank niêm yết tỷ giá ở mức 22.962 đồng/USD (mua vào) – 23.162 đồng/USD (bán ra), tăng 2 đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch cuối tuần.

Giá 1 USD đổi sang VND tại BIDV niêm yết theo tỷ giá: 22.960 đồng/USD (mua vào) - 23.160 đồng/USD (bán ra), giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch cuối tuần.

Tại thị trường thế giới, tỷ giá USD trên thị trường thế giới tiếp tục giảm. Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 90,22 điểm, giảm 0,01%. Hiện 1 Euro đổi 1,216 USD; 1 bảng Anh đổi 1,403 USD; 1 USD đổi 108,76 yên.

Đồng USD trên thị trường quốc tế tiếp tục giảm sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ trong tháng 4 thấp hơn nhiều so với dự đoán, làm lung lay hy vọng về một sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Hiện tại, USD Index đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 26/2.

Theo Bộ Lao động, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ chỉ ra mức tăng 266.000 việc làm trong tháng trước sau khi tăng 770.000 vào tháng 3. Trước đó, các nhà kinh tế được thăm dò bởi Reuters đã dự báo bảng lương sẽ tăng thêm 978.000 việc làm.

Theo FXEmpire, tỷ giá USD tuần này sẽ chịu ảnh hưởng từ một số các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ.

Cụ thể, trong nửa đầu tuần, số lượng việc làm và số liệu lạm phát của JOLT sẽ được công bố. Trong đó, số liệu lạm phát cho tháng 4 được kỳ vọng sẽ có tác động lớn nhất đến đồng bạc xanh.

Thứ Năm (13/5), báo cáo lạm phát bán buôn và số lượng đơn xin thất nghiệp sẽ được công bố. Các nhà đầu tư đang mong đợi một sự sụt giảm hơn nữa về số lượng các trường hợp thất nghiệp tại Mỹ. Việc thị trường lao động tại quốc gia này tránh quay trở lại mức 500.000 sẽ giúp thúc đẩy các tài sản rủi ro.

Vào cuối tuần, các số liệu về doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và tâm lý người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng sẽ được phát hành.

Liên quan đến vấn đề địa chính trị, mặc dù không có rủi ro lớn nào cần xem xét, nhưng các thị trường sẽ cần tiếp tục để mắt đến mối quan hệ Washington và Bắc Kinh.

Ngoài ra, tiến trình hướng tới một thỏa thuận hạt nhân mới của Iran cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới thị trường tiền tệ.

Tại châu Âu, các số liệu tâm lý kinh tế của Đức và khu vực Liên minh châu Âu trong tháng 5 sẽ cung cấp định hướng về tỷ giá euro so với USD.

Bên cạnh đó, trọng tâm của giới giao dịch cũng hướng về số liệu sản xuất công nghiệp của Khu vực đồng tiền chung châu Âu, số liệu lạm phát của Đức, Pháp và biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Tại Anh, các nhà phân tích nhận định sẽ có một bước nhảy vọt trong chi tiêu khi nền kinh tế nước này mở cửa trở lại.

Về mặt chính sách tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Anh dự kiến sẽ phát biểu trong tuần này. Bất kỳ nhận xét nào về nền kinh tế hoặc chính sách tiền tệ đều sẽ cung cấp định hướng về tỷ giá đồng bảng Anh so với USD.