Vàng lại “bùng nổ”, vượt mức 2.000 USD/Ounce

(PLVN) - Giá vàng thế giới tăng vọt lên trên mức 2.000 USD/Ounce kéo theo giá vàng miếng SJC trên mức 58 triệu đồng/lượng trong phiên giao dịch lúc 16h chiều nay -18/8. Chênh lệch giá mua-bán vàng vẫn lên đến 1,67 triệu đồng/lượng.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 16h chiều nay:

Giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 56,50-58,17 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1,4 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 1,65 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng nay. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 1,67 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 56,90-58,20 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 600.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng nay. Chênh lệch giá mua - bán vàng 1,3 triệu đồng/lượng.

Tại Tập đoàn DOJI giá vàng niêm yết ở mức 56,45-58,03 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 950.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,33 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng nay. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 1,58 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam), giá vàng được niêm yết ở mức 2.007,1 USD/ Oune, tăng 19,7 USD/Ounce so với mở đầu phiên giao dịch sáng nay. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.270), tương đương 56,90 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới tăng cao theo đúng dự báo của các chuyên gia, rằng: sau đợt điều chỉnh giảm trong ngắn hạn do áp lực chốt lời của thị trường, giá vàng sẽ tiếp tục đi lên trong trung dài hạn và mốc 2.000 USD/ounce đã tái lập vào chiều nay. Hiện giá vàng thế giới đang giao ở mức 2.007,1 USD/ Oune.

Trong khi đó, giá vàng trong nước cũng từng bước leo thang, khi các thương hiệu kinh doanh vàng bạc trong nước đồng loạt điều chỉnh mức giá lên trên mức 58 triệu đồng/lượng, tăng từ 600.000 đồng/lượng -1,65 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao trong nhiều năm qua. Chênh lệch giá mua-bán vàng vẫn ở mức cao, 1,67 triệu đồng/lượng.

Theo các chuyên gia phân tích, giá vàng trong nước hiện đang bị thả nổi, chưa có quy định về biên độ giá vàng. Các công ty kinh doanh vàng đang nắm quyền chủ động trong việc mua bán vàng. Dựa trên nhu cầu giao dịch hằng ngày và đảm bảo cân đối cung - cầu trong hệ thống, các công ty sẽ luôn đưa ra giá mua bán để đảm bảo luôn có lời.

Không những vậy, các công ty này cũng có khả năng dự báo và theo sát diễn biến giá vàng thế giới nên chênh lệch giữa giá mua bán trong nước với giá thế giới được điều chỉnh nhanh theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Vì vậy việc các doanh nghiệp duy trì mức chênh lệch giữa mua vào và bán ra cao là điều đương nhiên. Và điều này sẽ đẩy rủi ro về phía người mua, còn các công ty kinh doanh sẽ giảm thiểu được rủi ro khi giá vàng biến động bất lợi.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, việc các sàn vàng trước đây tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây ra nhiều hệ lụy đối với các nhà đầu tư như vậy là do Việt Nam chưa có hành lang pháp lý đối với loại hình hoạt động mới này. Hơn nữa, các sàn vàng đó “mạnh ai người ấy làm”, chứ chưa giao dịch tập trung tại Sở giao dịch vàng như các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, mới có tình trạng thao túng, làm giá diễn ra.

Do đó, để giảm thiểu tình trạng chênh lệch giá vàng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, theo PGS.TS Ngô Trí Long, Ngân hàng nhà nước cần sớm trình Chính phủ lộ trình thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Với Sở giao dịch vàng các nhà đầu tư không phải cầm vàng đến hoặc mang vàng về sau mỗi lần giao dịch, mà có thể ký gửi tại các trung tâm lưu ký và giá mua, bán được ghi số ngay trên tài khoản vàng của khách hàng, nhà đầu tư có thể biết ngay lãi hay lỗ khi giá vàng lên hay xuống.

Sở Giao dịch vàng sẽ góp phần liên thông thị trường vàng trong nước với thị trường vàng quốc tế, giảm thiểu chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, đẩy lùi tình trạng buôn lậu vàng, mà còn góp phần huy động vàng trong dân, giảm thiểu tình trạng vàng hóa nền kinh tế...

Hành lang pháp lý đối với Sở giao dịch vàng cần được quy định chặt chẽ, đặc biệt là tỷ lệ ký quỹ trong thời gian đầu phải ở mức cao, thậm chí 90- 100% để tránh tình trạng đầu cơ, làm giá, sau đó giảm dần theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cần có quy định về tiêu chuẩn vàng được phép giao dịch, vì thị trường vàng Việt Nam đang tồn tại rất nhiều loại vàng. Ngoài ra, Sở giao dịch vàng cũng cần có đầy đủ các công cụ phái sinh để giúp doanh nghiệp, các nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro biến động giá vàng... 

Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, trong thời gian chưa thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia, thì cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng giảm thiểu các biện pháp quản lý hành chính.