Vàng trong nước 'tăng cuồng', chờ vọt đỉnh mới

(PLVN) -Sau khi ghi nhận sự nhảy vọt khó tin của giá vàng trong nước, có thương hiệu lên tới 50,80 (giá vàng giao dịch tại Maritime bank), giá vàng thế giới cũng tăng sốc không kém, khi đạt mức 1.801,6 USD/Ounce, vượt đỉnh lịch sử kể từ năm 2011.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Tại thị trường vàng trong nước, giao dịch lúc 19h chiều tối nay (8/7):

Giá vàng SJC được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - chi nhánh Hà Nội được niêm yết ở mức 49,95-50,37 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 250.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng nay. Chênh lệch giá mua - bán vàng là 420.000 đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng SJC của Tập đoàn Phú Quý đang ở mức 50,02-50,25 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 70.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng nay. Chênh lệch giá mua - bán vàng 230.000 đồng/lượng.

Tại Tập đoàn DOJI giá vàng niêm yết ở mức 50,03-50,23 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 230.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 180.000 đồng/lượng chiều bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng nay. Chênh lệch giá mua – bán vàng là 200.000 đồng/lượng.

Tại thị trường vàng thế giới (cùng giờ Việt Nam), giá vàng được niêm yết ở mức 1.801,6 USD/Ounce, tăng 7,5 USD/Ounce so với mở đầu phiên giao dịch sáng nay. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank (23.100), tương đương 50,20 triệu đồng/lượng.

Lần đầu tiên vàng thế giới đã vượt mốc 1.800 USD/Ounce kể từ năm 2011, khi lo ngại về sự lây lan nhanh chóng của coronavirus trên toàn cầu đã khiến các nhà đầu tư lo sợ về nơi trú ẩn an toàn và lựa chọn vàng là phương án tối ưu.

Mở đầu phiên giao dịch sáng nay vào lúc 8h:45 phút, vàng đã tăng 0,3% lên 1.799,22 USD / ounce, tới thời điểm hiện tại giá vàng đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 2011 đến nay, ở mức 1.801,6 USD/Ounce trong phiên giao dịch chiều nay.

Cổ phiếu châu Âu mở cửa thấp hơn khi các trường hợp COVID-19 tăng vọt làm giảm hy vọng về sự phục hồi kinh tế nhanh chóng.

Hoa Kỳ đã vượt quá 3 triệu ca nhiễm bệnh, trong khi số ca nhiễm bệnh cũng phát triển trên toàn thế giới.

Thêm vào đó là những lo ngại về kinh tế, các quan chức Fed Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại rằng dịch bệnh bùng nổ sẽ làm gia tăng đe dọa tới nền kinh tế và sẽ chèn ép chi tiêu của người tiêu dùng.

Ủy ban châu Âu cũng dự báo khu vực đồng euro sẽ giảm sâu hơn vào suy thoái trong năm nay.

Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, một sự cải thiện trong bối cảnh kinh tế có thể ảnh hưởng đến vàng, nhà phân tích của Julius Baer, Carsten Menke cho biết, nhu cầu trú ẩn an toàn là mạnh nhất ở các nước gặp khó khăn nhất, chẳng hạn như Mỹ và Anh.

Phản ánh sự hấp dẫn đối với kim loại, “giá đã tăng hơn 18% trong năm nay, các quỹ giao dịch được hỗ trợ bằng vàng đã bổ sung 104 tấn vàng thỏi trị giá 5,6 tỷ USD vào tháng 6.”- Hội đồng Vàng thế giới cho biết.

Các nhà phân tích của HSBC cho rằng: “Những bất ổn về sức khỏe, tài chính và kinh tế do đại dịch COVID-19 tạo ra và hậu quả của nó có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự phục hồi của vàng vào năm 2021, nhưng ở mức độ giảm”.