Thị trường bất động sản năm 2010: Không nóng ảo!

Năm 2010 khép lại, giới kinh doanh  bất động sản (BĐS) ở Đà Nẵng có lý do để ăn mừng một năm thành công với những giao dịch hết sức sôi động. Mặc dù Tết Nguyên đán đang cận kề, nhưng hiện các Sàn giao dịch (SGD) BĐS tại Đà Nẵng hằng ngày vẫn đón khá nhiều khách hàng đến tìm hiểu thông tin về thị trường.

Năm 2010 khép lại, giới kinh doanh  bất động sản (BĐS) ở Đà Nẵng có lý do để ăn mừng một năm thành công với những giao dịch hết sức sôi động. Mặc dù Tết Nguyên đán đang cận kề, nhưng hiện các Sàn giao dịch (SGD) BĐS tại Đà Nẵng hằng ngày vẫn đón khá nhiều khách hàng đến tìm hiểu thông tin về thị trường.

Mô tả ảnh.
Những ngày giáp Tết, vẫn có nhiều NĐT đến sàn giao dịch BĐS tìm hiểu thông tin về thị trường.
Đổ xô bỏ tiền vào đất

Khác với kiểu “nóng”, “lạnh” thất thường trong những năm trước, thị trường BĐS ở Đà Nẵng năm 2010 không chỉ sôi động ở khu vực thành thị mà ngay cả đất ở vùng nông thôn cũng được giới kinh doanh BĐS “săn lùng” ráo riết. Sự sôi động của thị trường đã kéo theo hàng loạt các SGD BĐS và Trung tâm giao dịch BĐS ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hiện tượng này phần nào cho thấy thị trường BĐS tại Đà Nẵng thực sự biến động mạnh trong năm 2010.

Anh Nguyễn Xuân Hoàng – một nhà đầu tư BĐS đến từ Hà Nội cho rằng: Thị trường BĐS Đà Nẵng sôi động hơn so với một số tỉnh, thành là do Đà Nẵng có nhiều lợi thế để đầu tư, mặt khác giá đất ở Đà Nẵng có tăng lên vài chục phần trăm thì so với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn thấp hơn rất nhiều. Như vậy, cho dù giá đất có tăng nhưng giá trị đất vẫn thấp nên dù có nguồn vốn “nhỏ”, NĐT vẫn có thể mua đất ở Đà Nẵng một cách dễ dàng. Cũng theo anh Hoàng, ngoài những yếu tố trên làm cho thị trường BĐS Đà Nẵng sôi động thì yếu tố quan trọng khiến các NĐT đổ xô đến Đà Nẵng đầu tư BĐS là do cơ chế và chính sách thông thoáng của chính quyền thành phố Đà Nẵng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, BĐS tại Đà Nẵng sôi động trong năm qua, một phần là do nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi rõ nét, hơn nữa do nhu cầu thực sự về nhà ở của người dân tăng cao. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng chứng kiến làn sóng đầu tư của giới kinh doanh nhà đất từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đổ về... khiến cho thị trường BĐS Đà Nẵng như được tiếp thêm “lửa” và trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Trước diễn biến của thị trường BĐS nói chung, cũng như tâm lý của người tiêu dùng nói riêng, hàng loạt các dự án, khu đô thị đã và đang được khởi công tại Đà Nẵng cũng thu hút sự quan tâm của các NĐT trong và ngoài nước.
Chẳng hạn như khu vực ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc, giá bán mỗi căn biệt thự của Ocean Villas, Sun Villas, Hyatt Regency... lên đến vài triệu USD. Ngoài những khu đất “vàng”, trong năm 2010, giới đầu tư BĐS tại Đà Nẵng tiếp tục đón nhận những dấu hiệu chuyển động của thị trường đất nền giá rẻ tại các khu dân cư, đặc biệt là các khu dân cư mới vùng ven có giá giao dịch từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. “Nếu cầm trong tay một tỷ đồng mà chọn mua đất ở Hà Nội quả là rất khó, nhưng cũng số tiền này mua đất ở Đà Nẵng chí ít cũng “ôm” được 2 lô. Với vốn bỏ ra thấp lại ít rủi ro nên nhiều NĐT đã chọn Đà Nẵng để “bỏ tiền” vào đất nhằm kiếm lời”, anh Tuấn – một NĐT đến từ Hà Nội phân tích.

Sẽ tiếp tục sôi động?

Ông Võ Văn Cường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cường Hưng Thịnh cho biết: Nhìn vào thị trường BĐS tại Đà Nẵng trong hai năm trở lại đây cho thấy sự tăng trưởng mạnh, nhiều nơi có sự tăng trưởng gần 200% như các dự án Khu đô thị An Cư 2, An Cư 5, từ mức dưới 20 triệu đồng/m2 năm 2009, hiện đang có mức xấp xỉ 40 triệu đồng/m2. Cũng theo ông Cường, chỉ tính riêng năm 2010, đã có gần 80% khách hàng giao dịch BĐS qua SGD của Tập đoàn Cường Hưng Thịnh là các NĐT đến từ Hà Nội, trong đó phân khúc được chú ý nhất là biệt thự, khách sạn nghỉ dưỡng. Còn đối với thị trường nhà chung cư dường như có rất ít NĐT quan tâm.
Nguyên nhân do người dân Đà Nẵng chưa có thói quen ở chung cư, giá đất nền lại khá rẻ, giá nhà chung cư lại khá cao... “Để phân khúc này phát triển được và để người dân có thể tham gia, riêng với thị trường này, tôi cho rằng cần có sự hỗ trợ của ngân hàng với phương thức vay vốn trung, dài hạn để mua nhà. Giá đất ở Đà Nẵng tăng mạnh trong năm 2010 là biến động theo cung – cầu của thị trường, chứ không có sự biến động ảo như một số địa phương khác”, ông Cường cho hay.

Nhìn lại thị trường BĐS Đà Nẵng trong năm 2010 cho thấy, mặc dù biến động mạnh nhưng có rất nhiều cơ hội cho cả nhà đầu tư lẫn người mua, bởi tốc độ phát triển kinh tế vẫn tiếp tục tăng, thu nhập bình quân đầu người gia tăng, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng. Các công trình hạ tầng trọng điểm đã và đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Và theo nhận định của giới kinh doanh BĐS, dự kiến trong năm 2011, giá BĐS trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục biến động, giá một số loại đất ở có khả năng tăng mạnh ở những khu vực thuộc các quận, huyện ngoại thành.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

Đọc thêm