Thị trường bất động sản: Sẽ có nhiều dự án "ngôi nhà thứ hai"

Trước thềm năm mới 2010, Doanh nhân có buổi trò chuyện với ông Marc Townsend – Tổng Giám đốc Cty TNHH CB Richard Ellis để tìm hiểu thêm về cơ hội và thách thức của ngành bất động sản.

Trước thềm năm mới 2010, Doanh nhân có buổi trò chuyện với ông Marc Townsend – Tổng Giám đốc Cty TNHH CB Richard Ellis để tìm hiểu thêm về cơ hội và thách thức của ngành bất động sản.

* Thưa ông, môi trường kinh tế hiện nay đặt ra những thách thức gì cho ngành bất động sản?

Có 3 thách thức lớn rất khó vượt qua. Thứ nhất là vấn đề thời gian. Các dự án triển khai ở Việt Nam thường kéo dài với rất nhiều việc phải làm như thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, xây dựng… Thứ hai, lạm phát vẫn luôn là vấn đề nan giải. Thứ ba là các gói kích cầu của Chính phủ để đầu tư cho lĩnh vực bất động sản. Nếu chính phủ không tiếp tục thực hiện việc này, sẽ là một khó khăn lớn.

* Với bất động sản, năm 2009 có thể coi là một năm có nhiều biến động bất ngờ. Theo quan điểm của ông, những vấn đề then chốt của năm vừa qua là gì?

Theo tôi, có 4 yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ hoạt động của ngành bất động sản trong năm qua. Thứ nhất, giá cho thuê văn phòng đã giảm xuống ở tất cả các hạng, mức giảm thấp nhất là 50%. Nguyên nhân chính là nguồn cung tăng mạnh cộng với ảnh hưởng lớn của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu thuê sụt giảm.

Trong khi đó, nhiều dự án mới đang đi vào hoạt động tạo ra sự cạnh tranh lớn giữa các văn phòng. Người mua có nhiều cơ hội để quyết định, lựa chọn và cũng có nhiều quyền lực để đưa ra các yêu cầu giảm giá và đòi hỏi chất lượng cao.

Thứ hai, năm 2009, Hoàng Anh Gia Lai đã có những động thái đầu tiên khi công ty này quyết định “đại hạ giá” các căn hộ thậm chí cả với chung cư hạng sang, trở thành người tiên phong trong thị trường bất động sản thực sự. Đó là một cuộc cách mạng của ngành bất động sản trong giai đọan suy thoái.

Thứ ba, Đà Nẵng là điểm nóng của năm 2009 với nhiều dự án được đầu tư bởi Vina Cappital, Indochina…

Thứ tư, năm 2009, Hà Nội cũng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Các dự án liên tiếp được khởi công bao gồm căn hộ, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, sân golf, thu hút các nhà đầu tư và người mua, tạo nên thị trường sôi động.

* Những vấn đề được đề cập ở trên sẽ thay đổi như thế nào trong năm 2010?

Giá văn phòng cho thuê tiếp tục giảm vì có thêm nhiều tòa nhà mới đi vào hoạt động như Vincom, Financial Tower. Khi nguồn cung dồi dào thì sự cạnh tranh cũng sẽ trở nên gay gắt. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư sẽ trở lại Việt Nam để liên doanh và thị trường bán lẻ cũng sẽ thu hút nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Sự phát triển của những dự án này sẽ mang lại một tương lai tươi sáng cho nền kinh tế đang được phục hồi.

* Nhu cầu của nhà đầu tư và người tiêu dùng sẽ thay đổi như thế nào, thưa ông?

Tôi nghĩ, đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm, nguồn cung trên thị trường bất động sản tạo cho người mua nhiều cơ hội lựa chọn và nhiều giao dịch thành công. Theo tôi, đây là thời điểm lý tưởng cho việc kinh doanh địa ốc do nhu cầu thì lớn, khả năng cung ứng đang tăng lên. Có nhiều cơ hội để lựa chọn, xem xét, chẳng hạn có thể tìm đến những dự án ở quận, huyện mới thay vì khu trung tâm đông đúc.

Chúng ta cũng có thể thấy được sự cân bằng giữa thị trường bán lẻ và người mua. Điều này có nghĩa là cả những nhà đầu tư và những người sử dụng giờ đây có thể thoái mái trong việc lựa chọn. Có nhiều sự bảo đảm hơn, từ phí quản lý, dịch vụ cho đến chất lượng dự án… Một sự phát triển tốt và rất rõ ràng. Chúng ta cũng có thể thấy sự xuất hiện của các phân khúc mới bởi vì các nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm hơn để bắt đầu cho ra những sản phẩm cao cấp.

* Ông có tin tưởng rằng những dự án cao cấp có thể thu hút người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2010?

Tôi rất tin tưởng vào điều này. Hiện nay có rất nhiều dự án cao cấp ở An Phúc, quận 7, 8 (TPHCM). Hầu hết các dự án này đều có chất lượng rất tốt. Các dịch vụ gia tăng hấp dẫn, địa điểm lý tưởng. Bên cạnh đó, tôi cũng tin tưởng vào những dấu hiệu lạc quan của nền kinh tế Việt Nam với sự tăng trưởng của GDP, doanh thu xuất khẩu và niềm tin của người dân Việt Nam vào nền kinh tế cùng với những sự hỗ trợ của Chính phủ.

* Đối tượng khách hàng của dự án cao cấp sẽ là những ai? Việt kiều, người nước ngoài hay người Việt Nam?

             Ông Marc Townsend khẳng định: “Năm 2010, nhiều tỉnh sẽ trở thành “điểm nóng” về bất động sản như Đồng Nai, Bình Dương, Biên Hòa, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu…”             Ông Marc Townsend khẳng định: “Năm 2010, nhiều tỉnh sẽ trở thành “điểm nóng” về bất động sản như Đồng Nai, Bình Dương, Biên Hòa, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu…”

Tôi tin rằng thị trường thực sự của các dự án cao cấp này là dành cho người Việt Nam. Tôi tin tưởng, nhiều người Việt Nam rất giàu, những người làm trong lĩnh vực ngân hàng, công nghệ thông tin, thị trường bán lẻ, sản xuất hay những người thành công nhờ chứng khoán. Hơn nữa, các dự án cao cấp hướng đến những đối tượng có nhu cầu ở và sống thực sự mà khách trong nước cần quan tâm trong khi khách nước ngoài chỉ quan tâm đến những nhu cầu sinh sống ngắn hạn.

* Như ông đã nói ở trên, năm 2009 Đà Nẵng nổi lên như một điểm nóng. Vậy trong năm 2010, địa phương nào sẽ là điểm nóng kế tiếp?

Các nhà đầu tư ngày nay có xu hướng tìm kiếm các vùng đất tỉnh lẻ đặc biệt là ven TPHCM hay Hà Nội. Tôi có thể kể tên hàng loạt các tỉnh sẽ trở thành “điểm nóng” trong tương lai như Đồng Nai, Bình Dương, Biên Hòa, Long An, Bà Rịa, Vũng Tàu - những vùng đất với dân cư tăng trưởng mạnh mẽ, có nhiều khu công nghiệp, nhà máy, nhà xưởng, bệnh viện, trường đại học, cảng biển, sân bay.

Giao thông cũng vô cùng thuận tiện với những đường quốc lộ lớn, dễ dàng thông suốt và kết nối với thành phố, chi phí đất đai cũng thấp hơn. Tôi nghĩ đó sẽ là những dự án “ngôi nhà thứ hai” cho những ai chán cảnh dân cư đông đúc ở các thành phố lớn.

* Còn các dự án bất động sản du lịch thì sao? Đâu là cơ hội cho ngành này?

Tiềm năng của các dự án du lịch là hiển nhiên. Khách du lịch Châu Âu, châu Á đều cảm thấy thoải mái khi tới Việt Nam, đặc biệt là những nơi như Phan Thiết, Nha Trang, Huế, Vịnh Hạ Long... Cơ hội của Việt Nam là làm gì để họ quay lại. Họ sẽ thấy một loạt các công trình mới được xây dựng như khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, trung tâm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp... Tiềm năng cũng được thấy rõ khi được hỗ trợ bởi sự thuận tiện về giao thông, chẳng hạn như có đường bay Phu Két - Sài Gòn. Hay việc gia hạn visa cũng trở nên dễ dàng hơn.

* Sự phát triển của ngành bất động sản cũng đặt ra yêu cầu cho sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực này? Khó khăn của nhân sự trong lĩnh vực này là gì?

Khi thị trường giảm sút, người mua không tin tưởng lắm vào những thông tin mà họ nhận được từ người môi giới. Khi họ đưa ra các quyết định, họ cần phải rất cẩn thận về những thông tin mà họ nhận được đặc biệt là ảnh hưởng từ tâm lý đám đông. Họ có thể đưa ra những quyết định sai lầm do đặt niềm tin không đúng chỗ vào những gì họ biết. Bởi vậy, thách thức đặt ra đối với nhân viên trong lĩnh vực bất động sản - đặc biệt là nhân viên kinh doanh - ở chỗ bạn cần phải nắm bắt, hiểu biết và thông tỏ mọi thứ, càng nhiều càng tốt.

* Ở Việt Nam có rất ít các công ty định giá chuyên nghiệp. Đâu là cơ hội và thách thức cho lĩnh vực này ?

Định giá ở Việt Nam còn yếu kém, nhưng nhìn từ khía cạnh khác thì đó cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng lĩnh vực kinh doanh của mình. Điều cần lưu ý là phải áp dụng những phương pháp và quy chuẩn quốc tế trong định giá.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo Doanh nhân

Đọc thêm