Thị trường chứng khoán: “Nóng” chuyện tiền, hàng và sản phẩm mới

Có vẻ như phần lớn nhà đầu tư đang mất dần sự kiên nhẫn khi thị trường cứ liên tục đi ngang và giảm mà chưa có sự bứt phá. Chỉ số niềm tin từ chỗ lạc quan giảm xuống tới mức tiêu cực. Liên tục có những thông tin cổ đông lớn, cổ đông chủ chốt của doanh nghiệp thoái vốn, càng làm nhà đầu tư sốt ruột. Trong tình trạng đó, thị trường thực sự “nóng” với chuyện tiền, hàng và sản phẩm mới.

Có vẻ như phần lớn nhà đầu tư đang mất dần sự kiên nhẫn khi thị trường cứ liên tục đi ngang và giảm mà chưa có sự bứt phá. Chỉ số niềm tin từ chỗ lạc quan giảm xuống tới mức tiêu cực. Liên tục có những thông tin cổ đông lớn, cổ đông chủ chốt của doanh nghiệp thoái vốn, càng làm nhà đầu tư sốt ruột. Trong tình trạng đó, thị trường thực sự “nóng” với chuyện tiền, hàng và sản phẩm mới.

Hàng nhiều, tiền ít
Đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp nào dự báo về khả năng đạt kế hoạch lợi nhuận đột biến, trừ những doanh nghiệp bán bớt tài sản, đất đai. Chủ trương giảm lãi suất được cố gắng thực hiện bằng nhiều biện pháp, nhưng mức lãi suất cho vay 12,5% vẫn khó có thể áp dụng rộng rãi. Vì thế, dòng tiền vào thị trường chứng khoán (TTCK) đang bị ức chế cả về tâm lý và thực lực.
Thêm vào đó, lại có nhiều doanh nghiệp đua nhau phát hành cổ phiếu pha loãng giá. Hàng hóa mới lên niêm yết cũng kém chất lượng hơn. Trong số 47 công ty lên niêm yết gần đây, chỉ có 2 cổ phiếu (OGC, SBS) được liệt vào dạng blue-chip, nhưng cũng không có sự tham gia tích cực của nhà đầu tư nước ngoài. Hầu hết doanh nghiệp còn lại đều có vốn hóa thị trường thấp (từ 60 đến 1.200 tỷ đồng). Nhiều đơn vị, để tạo thuận lợi cho việc lên sàn, đưa ra các kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với năm 2009. Điều này làm doanh nghiệp mặc dù có kết quả rất tốt so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chỉ đạt kế hoạch kỳ vọng, hoặc khiến  nhà đầu tư nghi ngờ về chất lượng lợi nhuận của doanh nghiệp trong những năm tới.

Thị trường chứng khoán ảm đạm, khiến nhiều nhà đầu tư đang mất dần sự kiên nhẫn. Trong ảnh: Phiên giao dịch tại sàn chứng khoán An Bình. Ảnh: Duy Lân

Thị  trường chứng khoán ảm đạm, khiến nhiều nhà đầu tư đang mất dần sự kiên nhẫn.
Trong ảnh: Phiên giao dịch tại sàn chứng khoán An Bình.       Ảnh: Duy Lân

Trong khi thị trường khá èo uột về cả điểm số lẫn khối lượng giao dịch, thì một số công ty chứng khoán, dưới áp lực phải bảo đảm lợi nhuận sau khi tăng vốn ồ ạt (phần lớn tăng gấp đôi vốn điều lệ), liên tục bán ra các mã cổ phiếu có giá trung bình thấp (từ việc được mua chiến lược ưu tiên hay mua ở các mức giá thấp với lợi thế khi tư vấn niêm yết), dù giá cổ phiếu có thể nằm thấp hơn giá trị thực. Nhà đầu tư nước ngoài sau một thời gian liên tục mua ròng dường như tới thời điểm này cũng hết kiên nhẫn khi khối lượng mua giảm khá nhiều. Bởi thế, chỉ số VN-Index chỉ dao động trong biên độ 480 - 550 điểm trong suốt hơn nửa năm 2010 quả là một nỗi buồn với nhà đầu tư.

Cần có thêm nhiều sản phẩm mới
Trước tình trạng đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần nhanh chóng đưa vào thị trường những sản phẩm mới, như cho phép nhà đầu tư giảm thời gian xuống T+2; bán khống; cho phép mua bán cùng loại chứng khoán trong phiên và những công cụ phái sinh khác để làm cho thị trường thêm sinh động…
Việc giao dịch cả ngày hoặc kéo dài thời gian giao dịch sẽ khiến thị trường có nhiều sự điều chỉnh mạnh trong ngày. Sự biến động chứng khoán trong một ngày sẽ ảnh hưởng quan trọng tới danh mục của nhà đầu tư.
Tổng giám đốc CTCPCK Bảo Việt (BVSC) Nhữ Đình Hòa cho rằng, sản phẩm của TTCK Việt Nam trong 10 năm qua giới hạn trong các cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ. Chúng ta vẫn chỉ giao dịch mua bán khớp lệnh, giao dịch thỏa thuận, vẫn khống chế biên độ, không được bán khống, không giao dịch kỳ hạn và thị trường không có sản phẩm phái sinh nào. Do đó, cần đưa thêm sảm phẩm mới vào thị trường như giao dịch ký quỹ, đồng thời nâng cao chất lượng những sản phẩm đang có trên thị trường.
Thực tế, nghiệp vụ phái sinh (Derivatives) và bán khống chứng khoán có từ lâu và được áp dụng ở hầu hết các nước phát triển và các nền kinh tế mới công nghiệp hóa (N.I.C.). Chỉ khi nào các công cụ này được sử dụng thì TTCK mới có thể phát triển được. Lý do là nhà đầu tư có thể giảm thiểu rủi ro dưới hình thức sử dụng nghiệp vụ phái sinh (options, futures...), và triệt tiêu nạn đầu cơ, làm giá phổ biến hiện nay mà cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát. Khi nghiệp vụ bán khống được áp dụng, nhà đầu tư sẽ cân nhắc truớc khi mua cổ phiếu bằng việc áp dụng các phương pháp định giá chứng khoán, do đó TTCK sẽ chuyên nghiệp hơn, niềm tin vào TTCK sẽ được củng cố. 
 

Thanh Hiệp

Đọc thêm