​Thị trường Nam Mỹ: Giàu tiềm năng nhưng nhiều doanh nghiệp còn bỡ ngỡ

(PLO) - Nam Mỹ là thị trường rộng lớn nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa tiếp cận được. Trong bối cảnh các thị trường truyền thống phải cạnh tranh gay gắt, DN phải đi tìm những thị trường mới để xuất khẩu hàng hóa. Nam Mỹ là thị trường rất tiềm năng, nhưng nhiều DN còn bỡ ngỡ chưa biết phải tiếp cận thị trường này như thế nào.
Hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Nam Mỹ. Ảnh minh họa
Hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Nam Mỹ. Ảnh minh họa

Sáng 24/5/2017 tại Hà Nội, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo “xúc tiến thương mại với khu vực thị trường Nam Mỹ”, nhận được sự quan tâm của nhiều DN. Hội thảo đã phân tích những tiềm năng thuận lợi để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường hơn 600 triệu dân. Nhiều thắc mắc của các DN muốn làm ăn tại thị trường này đã được giải đáp.

Nhiều cơ hội

Ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Nam Mỹ có nhiều điểm sáng với tốc độ tăng trưởng từ 30-40%/năm. Nhiều sản phẩm của Việt Nam được thị trường này ưa chuộng, khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với túi tiền người dân bản địa. Với quy mô dân số trên 600 triệu người, tổng GDP đạt trên 6.000 tỷ USD mỗi năm, Nam Mỹ là thị trường nhiều tiềm năng để DN Việt Nam thâm nhập, phát triển, mở rộng kinh doanh.

Theo lãnh đạo Cục Xúc tiến Thương mại, Nam Mỹ được đánh giá là thị trường đang phát triển với tốc độ nhanh. Mức sống của người dân nơi đây đang ngày càng cao, sức mua do đó tăng lên. Hiện GDP/đầu người của khu vực này vào khoảng 10.083 USD, cao hơn nhiều so với GDP tại Việt Nam. Hoạt động ngoại thương ở những nước này diễn ra sôi động. Mỗi năm, thị trường này nhập khẩu khoảng hơn 1.000 tỷ USD giá trị hàng hóa. Giá trị hàng hóa xuất khẩu cũng tương đương con số này.

Dù nhiều tiềm năng hợp tác nhưng thương mại Việt Nam – Nam Mỹ được đánh giá là còn khiêm tốn, dù tăng qua các năm. Khu vực này có 33 quốc gia, nhưng mỗi năm Việt Nam chỉ xuất khẩu sang được vài tỷ USD. Cụ thể, năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam sang Nam Mỹ là 4,71 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm 2013. Con số nhập khẩu về Việt Nam từ thị trường Nam Mỹ trong năm 2014 cũng tương đương.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nam Mỹ chủ yếu là sản phẩm giày dép, thủy sản, gạo, quần áo, cà phê, cao su, thiết bị và linh kiện điện tử… Việt Nam nhập khẩu từ Nam Mỹ các mặt hàng như nguyên liệu dệt may, da giày; phế liệu thép, chất dẻo nguyên liệu; thức ăn gia súc; đậu tương; bông… “So với tiềm năng, giá trị hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Nam Mỹ còn chưa tương xứng”, lãnh đạo Cục Xúc tiến Thương mại cho biết.

Doanh nghiệp băn khoăn

Dù nhiều tiềm năng thương mại ở thị trường Nam Mỹ nhưng nhiều DN Việt Nam muốn tham gia thị này cũng bày tỏ những khó khăn. Cách trở địa lý gần nửa vòng trái đất là một khó khăn lớn. Ông Lê Văn Long (TCty CP Kho vận Miền Nam) chia sẻ, hiện nay có nhiều tàu vận tải thương mại kết nối thị trường Việt Nam với Nam Mỹ. Tuy nhiên, kinh nghiệm vận tải bằng tàu và các thủ tục liên quan cần được các DN lưu ý. Theo ông Long, tàu chạy tuyến Việt Nam – Nam Mỹ có nhiều loại nhanh chậm khác nhau; loại từ 12 đến 33 ngày; loại từ 50 đến 60 ngày. “Tùy loại hàng hóa khác nhau mà DN lựa chọn hợp lý”, ông Long cho biết và lưu ý các DN nên tìm hiểu về thủ tục nhập cảng tại nước tàu cập bến.

Bà Lê Thị Vân Anh, chủ một DN nông sản, từng xuất khẩu hạt điều sang Nam Mỹ chia sẻ, vài năm trước, qua các mối quan hệ, có bạn hàng Nam Mỹ nhận mua hạt điều. Lúc đầu DN bà băn khoăn do bạn hàng mới, vận chuyển lại xa xôi, chưa am hiểu về thị trường bên đó. Nhưng sau khi tìm hiểu, bà quyết xuất sang bên đó với số lượng hàng hóa lớn. Tuy nhiên, sau khi đối tác nhận hàng, không chịu trả tiền ngay. Nhiều lần công ty bà liên hệ với cảng biển bên đó để lấy lại hàng do lo sợ đối tác “quỵt” nhưng bất thành. Phải mất nhiều công sức, làm nhiều thủ tục, sau ba tháng, công ty mới nhận được tiền chuyển từ phía đối tác. 

Qua câu chuyện, bà Vân Anh cũng như đại diện nhiều DN khác muốn được hợp tác, kết nối với các DN Nam Mỹ có uy tín để tránh bị lừa đảo hoặc chậm nhận được tiền. Ngoài ra, nhiều DN cũng bày tỏ chưa biết thông tin về thị trường Nam Mỹ, không biết thị trường này có nhu cầu nhập những mặt hàng gì, thủ tục ra sao, tiêu chuẩn chất lượng thế nào…

Bà Carmen Rivero, Trưởng Bộ phận Kinh tế, Thương mại và Đầu tư (Đại sứ quán Argentina tại Việt Nam) cho biết, tùy mặt hàng, thuế nhập khẩu vào thị trường Nam Mỹ khá cao. Điển hình, nhập khẩu vào Argentina sẽ chịu mức thuế từ 16-23%. Một số mặt hàng còn phải chịu thuế xuất khẩu. Bà cũng cho rằng, ngôn ngữ, văn hóa khác nhau cũng là một khó khăn trong việc phát triển thương mại giữa Việt Nam và các nước Nam Mỹ.

Tuy nhiên, bà Carmen Rivero và đại diện một số đại sứ quán Nam Mỹ tại Việt Nam đều mong muốn các DN Việt Nam vượt qua khó khăn để chiếm lĩnh, hợp tác phát triển ở Nam Mỹ, đồng thời cho biết sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ thông tin và kết nối để DN Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường tiềm năng này.

Đọc thêm