Thị trường Nhật Bản sau những quy định mới

Từ tháng 7.2010, luật pháp Nhật Bản bỏ tư cách lưu trú tu nghiệp sinh( TNS) và xác lập tư cách lưu trú mới- thực tập sinh cho lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.

Từ tháng 7.2010, luật pháp Nhật Bản bỏ tư cách lưu trú tu nghiệp sinh( TNS) và xác lập tư cách lưu trú mới- thực tập sinh cho lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Cùng với quy định mới này, lao động nước ngoài được ký hợp đồng lao động với Cty tiếp nhận, được đối xử như lao động bản địa về tiền lương và làm thêm giờ.

Thu nhập của người lao động tăng lên, thị trường hấp dẫn hơn song các DN XKLĐ thì như trên ‘chảo lửa” bởi phía bạn cũng đưa ra yêu cầu nghiêm ngặt : không được thu tiền đặt cọc chống trốn.

”Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”

Thời điểm này - sau hơn 3 tháng phía bạn chính thức thực hiện quy định mới trong tiếp nhận TSN- gặp các doanh nghiệp đưa TNS sang Nhật Bản để hỏi han, hiếm nhận được những câu trả lời…thật. Nguyên do, chính DN cũng lúng túng và lo lắng chưa biết sẽ triển khai thị trường ra sao khi quy định bỏ đặt cọc chống trốn được phía bạn kiểm soát một cách nghiêm ngặt.

“ Các hành vi làm giả giấy tờ, giấy chứng nhận, minh bạch các khoản thu và sử dụng nguồn thu của các tổ chức tiếp nhận đầu mối, đặc biệt là quy định tổ chức gửi TNS không được nhận tiền bảo đảm hoặc thỏa thuận với TNS hay tổ chức tiếp nhận về hình phạt nếu như hợp đồng lao động không được hoàn tất…sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. DN có sai phạm, ngay lập tức sẽ vĩnh viễn không được “bén mảng” đến thị trường này” - giám đốc một DN trong số 90 DN đang đươc phép đưa TNS sang Nhật Bản khẳng định.

 

Trong khi đó, tỷ lệ TNS bỏ trốn ( dù đã có đặt cọc chống trốn trước quy định mới nói trên ( khoảng 10 ngàn USD/ người) vẫn ở mức 2% ( cao nhất so với TNS nước khác). Các DN Việt Nam nếu để tỷ lệ TNS mình đưa sang bỏ trốn cao thì tự hiểu là cánh cửa vào thị trường Nhật sẽ đóng ập lại trước mắt mình. “Cùng với việc phải nộp phạt các chi phí do lao động bỏ trốn, DN sẽ mất luôn uy tín với các nghiệp đoàn”, vị giám đốc nói trên chia sẻ rồi cho biết thêm. “ Hiện nay, khi tiếp xúc với DN Việt Nam, điều đầu tiên phía nghiệp đoàn Nhật Bản đòi hỏi mình phải trình được là : phương án chống trốn như thế nào khi tiền đặt cọc đảm bảo hợp đồng không được thu?”.

“ Bản thân các nghiệp đoàn cũng e dè trước quy định mới này, từ đầu năm tới nay, nhiều quota của chúng tôi đã bị hủy bỏ do nghiệp đoàn e ngại tiếp nhận TNS khi áp dụng quy định bỏ đặt cọc chống trốn”, ông Lê Thanh Hà- giám đốc Inmasco cho biết. Không ít các đơn vị khác cũng cho hay họ vừa làm vừa run vì nếu thu thì vi phạm quy định phía bạn còn không thu thì chả khác gì “nắm kẻ trọc đầu’.

Đợt khảo sát chính sách, pháp luật tại Nhật Bản mới đây của Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội do ông Lương Phan Cừ làm trưởng đoàn cũng xác nhận : đây là điểm xung đột pháp luật giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Thực tế, luật pháp Việt Nam cho phép DN XKLĐ được áp dụng hình thức đặt cọc chống trốn nhằm đảm bảo hợp đồng và pháp luật hình sự cũng như dân sự đều quy định những hình thức xử phạt nghiêm khắc nếu như lao động làm việc ở nước ngoài bỏ trốn, vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, với quy định mới của phía bạn, các nghiệp đoàn sẽ không “mạo hiểm” để DN Việt Nam được “nắm đằng chuôi” còn họ cầm “đằng lưỡi”.

Để không vuột mất cơ hội

Lương cao hơn, giờ làm thêm nhiều hơn, quyền lợi, chế độ được đảm bảo hơn…khiến cho thị trường Nhật Bản đang trở nên hấp dẫn với người lao động hơn bao giờ hết.

Thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy hiện đang có khoảng 20 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc, tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Từ đầu năm 2010 tới nay, các DN đưa TNS sang Nhật Bản đều cho biết xu hướng tiếp nhận TNS Việt Nam của các nghiệp đoàn Nhật Bản có dấu hiệu gia tăng rõ rệt. Nhiều chỉ tiêu mới được phân bổ cho ngay cả các Cty mới được Bộ LĐTBXH Việt Nam giới thiệu với Jitco.

Đặc biệt, có nhiều chỉ tiêu tiếp nhận TNS trong lĩnh vực nông nghiệp, phù hợp với nhu cầu của lao động nông thôn. Kinh tế Nhật Bản cũng đang có dấu hiệu phục hồi nhanh hơn dự tính và nhu cầu tiếp nhận TNS nước ngoài của các DN Nhật Bản được dự báo cũng rất khả quan.

Để không mất “cơ hội vàng” trước mắt, các DN đều cho rằng cần tăng cường thực thi các chế tài xử phạt liên quan đến lao động bỏ trốn khi đi làm việc ở nước ngoài thì cơ hội mởi mở ra thực sự cho lao động Việt Nam.

“Vai trò của Bộ LĐTBXH trong câu chuyện này là rất lớn nhưng doanh nghiệp chúng tôi có cảm giác Bộ chưa tận tâm. Những thông tư liên tịch về vấn đề này giữa Bộ Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát và Bộ LĐTBXH dường như không phát huy hiệu lực bởi sau khi văn bản ban hành, việc triển khai trong thực tế rất chậm chạp. Người lao động vì động cơ kiếm tiền mà bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp và khi cơ chế đặt cọc không còn được áp dụng thì chế tài duy nhất có thể ngăn ngừa chính là xử lý hình sự. Nếu coi thị trường Nhật Bản là thị trường trọng điểm dành cho lao động Việt Nam thì Bộ cũng như các cơ quan chức năng cần ngồi lại với các DN để bàn thảo và gỡ cho DN những cái vướng hiện nay”, giám đốc một đơn vị xin giấu tên kiến nghị.

Vị giám đốc này còn thẳng thắn cho hay nếu như để DN tự “xoay” rất có thể nhiều đơn vị sẽ phải “lách luật” mà hệ quả của sự lách luật ấy sẽ là những “vết đen” xấu không ai mong đợi xảy ra đối với thị trường nhất mực tiềm năng này.

Thanh Lương

Đọc thêm