Ba vấn đề lớn TP HCM cần quan tâm
Ngày 8/12, Kỳ họp thứ tư HĐND TP HCM khóa X bước sang ngày làm việc thứ 2 với phiên chất vấn và trả lời chất vấn, trước khi trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM báo cáo về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ và những giải pháp trọng tâm cho năm 2022.
Về kết quả thực hiện chủ đề năm 2021, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, khởi đầu kế hoạch 5 năm 2021-2025, TP HCM chọn năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” là quyết định đúng đắn, có ý nghĩa lâu dài, phù hợp với tính đặc thù của một đô thị loại đặc biệt và vị trí, vai trò của thành phố. Do đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài, nhưng với những nỗ lực thực hiện theo sự phân công từ đầu năm nên đã đạt được những kết quả nhất định trong xây dựng chính quyền đô thị.
Bên cạnh ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện chủ đề năm 2021, TP HCM đã chủ động làm việc với các cơ quan trung ương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm của thành phố. Đồng thời chủ động tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp trên từng lĩnh vực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật; TP HCM cũng đã thành lập nhiều tổ công tác để tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc cho từng đối tượng.
Bên cạnh những điểm sáng, Chủ tịch UBND TP HCM nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế đang đặt ra trong quá trình phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Trong đó, khu vực dịch vụ chiếm đến 62% cơ cấu GRDP TP HCM nhưng phần lớn phải tạm ngưng hoạt động trong nhiều tháng, nên các doanh nghiệp, các hợp tác xã và hộ kinh doanh trong lĩnh vực này đang đứng trước những khó khăn rất lớn đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ kịp thời và đủ mạnh để phục hồi và phát triển…
Thực tiễn cho thấy, tổng thể kinh tế TP HCM vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh những hệ quả về kinh tế - xã hội, đại dịch COVID-19 đã bộc lộ ra 3 vấn đề lớn TP HCM cần đặc biệt quan tâm: Vấn đề quản trị TP HCM trong tình hình mới; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị thành phố; Từ đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng thành phố trong tương lai.
Do đó, chặng đường phục hồi kinh tế phía trước sẽ còn gặp nhiều trở ngại nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ, với tầm nhìn dài hạn và triển khai linh hoạt, kịp thời, phù hợp trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, để xây dựng các chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội và đề ra nhiệm vụ giải pháp trọng tâm cho năm 2022, TP HCM dựa trên một số quan điểm. Đồng thời để thực hiện thắng lợi chủ đề và các chỉ tiêu đề ra, Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp quan trọng.
HĐND TP Hà Nội thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng
Cùng ngày, Kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội khóa XVI tiếp tục diễn ra. Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP xem xét tờ trình về giá dịch vụ giá xét nghiệm SARS-CoV-2 (chưa bao gồm sinh phẩm xét nghiệm) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế đối với cơ sở khám khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc TP Hà Nội.
Theo đó, đối tượng áp dụng thuộc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc TP Hà Nội. Các trường hợp thực hiện dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế, bao gồm: Người chưa tham gia bảo hiểm y tế; người có thẻ bảo hiểm y tế nhưng thực hiện dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế; Người sử dụng dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 tự chi trả. Các trường hợp được ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Các trường hợp xét nghiệm SARS-CoV-2 tự nguyện theo yêu cầu, xét nghiệm cho các tổ chức, doanh nghiệp theo hợp đồng tại các cơ sở y tế công lập.
Cũng tại phiên họp, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội 2021-2025; Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Trong đó xác định rõ mục tiêu tổng quát là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; chú trọng phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống của người dân; đẩy mạnh phát triển hạ tầng, chú trọng hạ tầng số…
Ngoài ra, HĐND TP Hà Nội cũng đã thông qua Nghị quyết về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; quy định định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách TP Hà Nội năm 2022.
Nội dung đáng chú ý nữa là tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của HĐND TP Hà Nội cùng ngày, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đưa ra đề xuất lắp camera an ninh toàn thành phố.
Theo Thiếu tướng Tùng, việc lắp camera an ninh toàn TP không chỉ giúp đảm bảo an ninh trật tự mà còn phục vụ tốt cho các công tác chỉ đạo điều hành khác. Liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Công an TP đã tập trung đánh mạnh nhiều ổ nhóm nhằm kéo giảm loại tội phạm này. Thực hiện theo Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị cũng đã tập trung đấu tranh, khám phá tội phạm chuyển tiền… Thông tin Công an TP đang triển khai cao điểm tấn công tội phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng đề nghị chính quyền địa phương ủng hộ, tạo điều kiện để lực lượng Công an hoàn thành tốt nhiệm vụ.