Anh Nguyễn Lâm Hùng ở quận Hải Châu phản ánh, khi sử dụng dịch vụ USB 3G, máy tính của anh lại xảy ra tình trạng “rớt” mạng và cho biết thêm khi ở nhà thì dùng tốt, nhưng đến cơ quan trên đường Trần Phú thì “rớt”. Chúng tôi đã liên hệ với đại diện nhà cung cấp dịch vụ 3G mà anh Hùng đang sử dụng thì nhà mạng cũng bất ngờ với tình huống kỹ thuật này. Sự cố kỹ thuật này được Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3 tại Đà Nẵng xác nhận.
|
Kiểm tra xác định vị trí sử dụng điện thoại cố định chuẩn DECT 6.0 để xử lý. |
Theo Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3 (Trung tâm 3), Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) phát hiện từ tháng 5-2010, sóng vô tuyến điện đang có thiết bị lạ gây can nhiễu nghiêm trọng cho mạng dịch vụ di động 3G. Khi mạng 3G bị can nhiễu sẽ xảy ra hiện tượng “rớt” mạng, thực hiện cuộc gọi hoặc nhận cuộc gọi không được, truy cập các dịch vụ 3G như: Internet, xem ti-vi, cuộc gọi video… không ổn định. Cục Tần số vô tuyến điện đã cấp 4 giấy phép 3G cho các mạng di động có dải tần lên (up link) từ 1900 – 1980 MHz. Trong đó, có nhà mạng được cung cấp có dải tần up link từ 1920 - 1935 Mhz. Việc sóng 3G bị phá cũng tập trung vào khách hàng đối với mạng này nên cùng tại một địa điểm, cùng sử dụng dịch vụ 3G nhưng đối với mạng này thì bị ảnh hưởng, mạng khác thì không xuất hiện.
Thiết bị lạ phá sóng 3G được Cục Tần số vô tuyến điện xác định đó là do việc sử dụng loại điện thoại cố định không dây có chuẩn công nghệ DECT 6.0, hoạt động ở tần số 1920 - 1930 MHz. Điện thoại này có tính năng nhảy tần trong dải tần số và rơi đúng vào băng tần up link 1920 - 1935 Mhz của nhà cung cấp dịch vụ 3G gây can nhiễu cho mạng di động này. Phạm vi bị ảnh hưởng lớn nhất của việc can nhiễu này là từ Quảng Trị trở vào. Trong đó một số điểm đã phát hiện nhiều vụ can nhiễu như Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Cần Thơ, Kiên Giang. Cục Tần số vô tuyến điện đang giải quyết can nhiễu cho mạng thông tin di động 3G trên địa bàn 16 tỉnh, thành phố.
CÁC LOẠI THIẾT BỊ KHÔNG DÂY KHÔNG ĐƯỢC PHÉP SỬ DỤNG |
Ông Nguyễn Phú Hà, Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm 3 (Cục Tần số vô tuyến điện) cho biết, khu vực miền Trung và Tây Nguyên xuất hiện tình trạng sử dụng điện thoại cố định DECT 6.0 khá nhiều. Nguồn gốc của loại điện thoại này chủ yếu nhập khẩu qua đường xách tay từ Mỹ và Canada. Tại thành phố Đà Nẵng, đến ngày 15-8, Trung tâm 3 đã phát hiện 132 trường hợp sử dụng, mua bán loại điện thoại DECT 6.0; tại Huế 73 trường hợp, Bình Định trên 50 trường hợp… với tổng số 300 trường hợp tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Trung tâm 3 đã có những giải pháp ngăn chặn như tuyên truyền trên các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ dân phố và phối hợp với Sở Thông tin-Truyền thông, Công an thành phố tiến hành kiểm tra các địa điểm nghi vấn có sử dụng điện thoại cố định loại DECT 6.0. Trung tâm 3 khẳng định việc sử dụng điện thoại không dây chuẩn DECT 6.0 với băng tần hoạt động từ 1920 MHz đến 1930 không đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam về tần số vô tuyến điện, gây can nhiễu, có hại đến mạng di động 3G. Thiết bị điện thoại cố định không dây chuẩn DECT 6.0 chưa qua chứng nhận hợp quy của cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Phú Hà cho biết, hiện Trung tâm 3 chưa áp dụng biện pháp xử phạt nhưng sau khi thông tin tuyên truyền sẽ thực hiện việc xử lý đối với trường hợp sử dụng điện thoại không dây chuẩn DECT 6.0 với mức xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng và hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu thiết bị.
Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG