Xuống chợ Hàn, không khó để tìm mua một vài kilogram trái cây như nho, táo, lê có xuất xứ từ Trung Quốc thay vì đỏ mắt tìm hàng cùng loại cung ứng từ thị trường nội địa. Hành trình để mỗi chuyến hàng đưa từ Trung Quốc về tiêu thụ tại thị trường Đà Nẵng phải mất từ 3 đến 5 ngày. Nếu gặp sự cố, có khi cả tuần lễ trái cây mới tập kết về chợ đầu mối Hòa Cường. Sau đó, trái cây được bán lẻ tại các chợ, sạp ven đường.
Mặc cho bụi bặm, nhiệt độ có khi lên đến 35 - 37 độ C, những hàng trái cây vẫn tươi, rất bắt mắt. Bởi thế, mấy bà nội trợ thường buột miệng rằng, không biết họ bỏ cái chi trong đó mà để đến nửa tháng vẫn còn tươi roi rói như vậy?(!). Người tiêu dùng không ngớt hoài nghi về chất lượng trái cây có an toàn hay không?
Hỏi các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm thì họ cứ nói chung chung là “quá tầm tay” do chưa có khả năng kiểm tra dư lượng thuốc tăng trưởng. Một phần do thiếu các máy móc để làm các xét nghiệm phức tạp. Trong khi đó, rau củ quả là mặt hàng nằm trong danh mục kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng kiểm dịch y tế cửa khẩu biên giới chỉ thực hiện việc kiểm tra nhanh để tiện thông quan, nên chỉ có thể xác định được các hóa chất đơn giản. Và như vậy, nếu trong mặt hàng này còn tồn đọng hóa chất thuộc dư lượng thuốc kích thích tăng trưởng hay nhóm hóa chất khác thì sẽ không phát hiện được, trừ khi mang mẫu vào các phòng thí nghiệm để kiểm tra.
Trái cây, rau củ là nhóm hàng kinh doanh có điều kiện, vì vậy tên thuốc bảo quản, liều dùng cho phép và hàm lượng công bố trên sản phẩm phải đi kèm để cơ quan chức năng dễ quản lý và người tiêu dùng không bị đánh đố khi mua phải hàng kém chất lượng. Tuy vậy, chưa có một công bố cụ thể của ngành chức năng về nhóm thực phẩm trái cây vốn ngày càng được người dân ưa chuộng vì thơm ngon bổ dưỡng.
Không quản chặt cũng đồng nghĩa Tết Canh Dần này dự kiến lượng trái cây, rau củ quả tiêu thụ tại thành phố sẽ tăng so với năm trước. Trớ trêu, không ít người dân nhầm tưởng là rau, trái cây Đà Lạt, các tỉnh miền Tây nên vẫn cứ mua sử dụng mà không biết độ an toàn đã được kiểm soát chưa?
Khái niệm “thua ngay trên sân nhà” đối với hàng hóa Việt Nam đã quá cũ. Thua vì không có trái cây cung ứng cho người dân đã đành, đằng này lại phải thiệt đơn thiệt kép vì chất lượng trong mỗi kilogram trái cây nhập ngoại không ai bảo đảm “sạch”. Và chính người tiêu dùng bị thiệt hại về sức khỏe khi ăn những loại trái cây không bảo đảm chất lượng, an toàn cho sức khỏe. Thế có nghĩa, câu chuyện quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm lâu nay giống như bức tranh mang màu xám xịt càng trở nên rối rắm hơn đối với riêng mặt hàng trái cây, rau quả ngoại nhập.
Nghị Văn