Thiếu 20 nghìn tiền xe ôm, cướp của rồi viết 'tâm thư' bỏ trốn

(PLO) - Trong lúc túng tiền, Nguyễn Công Đức (SN 1972, ở tổ 18, phường Văn Đẩu, quận Kiến An, TP Hải Phòng) đã cướp xe máy của người lái xe ôm, sau đó viết 'tâm thư" thú tội rồi bỏ trốn...
Ảnh minh họa

Gây tội ngay tại nhà mẹ vợ

Vụ án xảy ra từ năm 1997, thời gian này Đức mới tròn 25 tuổi nhưng đã đã dính một tiền án 24 tháng tù về tội “Không tố giác tội phạm”. Bản án này do TANDTC tuyên vào năm 1996 nhưng Đức vẫn xin hoãn thi hành, chưa đi thụ án. Bản thân lêu lổng không có công ăn việc làm, trên đầu lơ lửng một bản án tù, gia đình thì tan vỡ do người vợ dứt tình bỏ đi nên Đức thành ra chán đời…

Cho đến trưa 8/5/1997, trong lúc đang ngồi chờ đón xe đi Quảng Ninh tại khu vực ngã tư Cống Đôi, Kiến An, Đức tình cờ gặp một thanh niên lạ mặt không rõ lai lịch, địa chỉ. Dăm ba câu chuyện làm quà, người thanh niên tiết lộ cũng đang thất nghiệp và muốn cùng Đức đi kiếm xem có việc gì thì cùng làm. Tuy nhiên lúc đó cả hai đều trong tình cảnh không có trình độ chuyên môn gì, lại “không xu dính túi”, muốn tìm việc cũng khó.

Thấy Đức nói không có tiền, người thanh niên liền rỉ tai: “Tôi với ông tìm cách kiếm tiền, không trộm thì cướp”. Đức phân vân một lúc nhưng rồi cũng nhanh chóng nhận lời và thống nhất với thanh niên lạ mặt sẽ đi cướp tài sản của những người làm nghề xe ôm.

Trước khi thực hiện ý đồ đó, Đức rủ người thanh niên đến nhà mẹ vợ là bà Hoàng Thị Cận, mục đích là để hỏi tin tức của vợ Đức sau khi bỏ đi. Tuy nhiên bà Cận không hề biết gì nên Đức bực mình thuê xe ôm đi đến khu vực cổng Bệnh viện 203, đường Bến Bính.

Một lúc sau, nghĩ tới việc để người thanh niên ở lại nhà mẹ vợ không yên tâm, Đức lại thuê xe ôm đi về nhưng lúc này, những người lái xe ôm đều đòi giá đắt, Đức không trả nổi. Đến khi gặp ông Thao (ở khu tập thể Thủy Sản, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền) nói khó, ông vui vẻ chở Đức về nhà bà Cận (ở Kiến Thụy) với giá chỉ 20.000 đồng.

Tới nơi, Đức nói không đủ tiền trả xe ôm và mời ông Thao vào nhà uống nước để đi vay tiền trả. Khi ông Thao cùng Đức vào nhà thì gặp bà Hoàng Thị Cận và người thanh niên bạn Đức. Lúc này Đức hỏi vay tiền mẹ vợ để trả tiền xe ôm nhưng bà nói không có nên Đức tháo đồng hồ đang đeo ở tay đưa cho bà, nhờ mang đi cầm cố lấy tiền trả ông Thao.

Sau khi bà Cận đi khuất, người thanh niên ra ngoài sân đứng rồi khẽ gọi Đức ra ngoài để cùng bàn bạc tìm cách cướp xe máy của ông Thao. Liền sau đó, ông Thao bất ngờ bị người thanh niên kia dùng gậy vụt vào đầu, vào lưng. Tiếp đó Đức cũng dùng then cửa sắt để đánh làm ông Thao ngã gục xuống nền nhà. Cho đến khi ông Thao liên tục kêu “đau quá” thì cả hai bắt ông im miệng thì sẽ không đánh nữa và bắt đầu lục soát, cướp tài sản của nạn nhân.

Đức và nam thanh niên tìm thấy ví da của ông Thao bên trong có 156.000 đồng và chìa khóa xe máy, giấy chứng nhận đăng ký xe máy của ông Thao. Cả hai nhanh chóng khoắng sạch tiền và ra sân lấy luôn xe máy của ông Thao bỏ trốn.

Bà Cận một lúc sau quay về nhà, thấy ông Thao bị thương tích nên vội kêu mọi người đưa ông đi cấp cứu. Nạn nhân may mắn chỉ bị thương nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng. Giám định thương tích cho thấy nạn nhân bị giảm 10% sức lao động.

Sau khi cướp xe máy, Đức đem chiếc xe của ông Thao tới hiệu cầm đồ ở thị trấn Như Quỳnh (huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên) cầm cố vay được 4 triệu đồng. Số tiền đó Đức chia đôi cho người thanh niên 2 triệu đồng. Đồng tiền bất chính “bốc hơi” rất nhanh trong tay gã “du thủ du thực” luôn trong tình trạng túi không có nổi một xu.

Sáng hôm sau, phần cảm thấy hối hận vì đã cướp xe ông Thao, phần vì nghĩ hành vi phạm tội diễn ra ngay tại nhà mẹ vợ, rõ như ban ngày nên kiểu gì công an cũng tìm ra, nhưng do sợ hãi không dám đến cơ quan công an trình báo nên Đức liền viết một lá thư tay với nội dung tự thú hành vi cướp tài sản như trên và chỉ rõ nơi cầm xe máy, rồi nhờ người gửi thư đến cơ quan công an.

Lực lượng công an đã nhanh chóng thu giữ lại chiếc xe máy trên trao trả cho ông Thao, mặc dù khẩn trương truy bắt thủ phạm vụ cướp nhưng Đức đã nhanh chân trốn thoát.

Bị cáo Đức tại tòa

Viết “tâm thư” tự thú xong bỏ trốn một mạch 20 năm

Viết “tâm thư” tự thú xong, chưa kịp thấy thanh thản lương tâm thì Đức đã hoảng sợ bị bắt, sợ vào tù nên quyết định bỏ trốn. Suốt hành trình sống chui sống lủi, Đức luôn bị dằn vặt, ám ảnh về những tội lỗi mình gây ra, bởi hắn đã dùng vũ lực để chiếm đoạt công cụ mưu sinh của người lao động chân chính.

Đã có lần, Đức ra Quảng Ninh định tự tử bằng việc uống thuốc ngủ nhưng không chết. Dù ân hận nhưng vì hèn nhát nên Đức không dám ra đầu thú mà chọn cách sống chui sống lủi. Hết năm này qua năm khác, Đức sống lang bạt khắp nơi, thậm chí dùng tên giả để tránh sự truy lùng của lực lượng chức năng.

“Tôi luôn ám ảnh về tội lỗi và vẫn nhận thức được rằng, trừ khi tôi chết đi, chứ nếu còn sống thì dù có chạy lên đằng trời, trốn xuống lòng đất cũng không thoát được sự trừng phạt của pháp luật. Tôi vẫn biết sớm muộn rồi mình cũng bị công an bắt giữ, nhưng vì quá hèn nhát nên không đủ dũng cảm để ra đầu thú. Đành tự trấn an mình rằng, đằng nào cũng sẽ bị bắt, thôi thì trốn được ngày nào hay ngày đó”- Đức gãi đầu, gãi tai biện minh cho việc trốn truy nã của mình. 

Vài năm trước, kẻ cướp xe ôm năm xưa bắt đầu tìm đến cửa Phật, chăm chỉ đi chùa làm công quả. Quá trình lao động tại nhà chùa, Đức đã kể lại việc phạm pháp năm xưa và được các vị sư khuyên bảo nên nhận tội và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đến ngày 22/2/2016, tức gần 20 năm sau khi gây án, Nguyễn Công Đức đã đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Vừa qua, Nguyễn Công Đức đã đứng trước vành móng ngựa TAND TP Hải Phòng về tội “Cướp tài sản của công dân” quy định tại khoản 2 Điều 151, Bộ luật Hình sự năm 1985. Xét thấy Đức có nhiều tình tiết giảm nhẹ như đã thành khẩn khai báo, ra đầu thú, tỏ ra ăn năn hối cải, TAND TP Hải Phòng đã tuyên phạt Nguyễn Công Đức 4 năm tù về tội “Cướp tài sản của công dân”, tổng hợp với hình phạt 24 tháng tù của bản án cũ, buộc Đức chấp hành hình phạt chung là 6 năm tù.

Đọc thêm