Thiếu nguồn nước chữa cháy tại các đô thị: Công tác chữa cháy khó khăn

Trên nhiều tuyến đường đô thị, trong đó có tuyến đường trong các khu đô thị mới hình thành những năm gần đây như : đường Văn Cao, Lê Hồng Phong… không thấy bóng dáng của các trụ nước chữa cháy.

Trưa ngày 7-9 vừa qua, tại phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền) xảy ra vụ cháy lớn tại Nhà hàng Nam Giao. Lực lượng phòng cháy chữa cháy điều động nhiều cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng tại chỗ là công an phường, dân phòng tổ chức cứu chữa. Tuy nhiên, do không có nguồn nước tại chỗ nên phải hơn nửa giờ sau, đám cháy mới được dập tắt, không để cháy lan sang khu vực lân cận.  Không có thiệt hại về người nhưng vụ hoả hoạn đã thiêu rụi toàn bộ nhà hàng. Thiếu nguồn nước chữa cháy làm cho thiệt hại nặng nề hơn khi xảy ra cháy đang là nỗi lo của nhiều khu vực dân cư đô thị.

 

Các đô thị cần được phân bố hợp lý các họng nước phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy Ảnh: Khánh Linh

Các đô thị cần được phân bố hợp lý các họng nước phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy

Ảnh: Khánh Linh

Trên nhiều tuyến đường đô thị, trong đó có tuyến đường trong các khu đô thị mới hình thành những năm gần đây như : đường Văn Cao, Lê Hồng Phong… không thấy bóng dáng của các trụ nước chữa cháy.

 

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Cấp nước, để tăng cường năng lực cấp nước chữa cháy trên mạng, khi thiết kế mới hay cải tạo mạng lưới đường ống cấp nước đô thị do công ty làm chủ đầu tư hoặc tham gia thiết kế cho các đô thị do các doanh nghiệp khác làm chủ đầu tư, công ty đều thiết kế bố trí các họng cấp nước trên mạng lưới. Tuy nhiên một số khu vực từ lâu chưa đầu tư cải tạo mạng lưới cấp nước nên chưa có hoặc có rất ít trụ nước chữa cháy như : Đồ Sơn, Dương Kinh, Thủy Nguyên.

 

Mặt khác, việc thiết kế, lắp đặt kết hợp với nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất dễ dẫn đến tình trạng thiếu nước chữa cháy nhất là vào giờ cao điểm. Nhìn chung, số lượng trụ nước chữa cháy quá thiếu, chỉ cung cấp nước chữa cháy cho một số tuyến đường trung tâm, hoặc một số khu vực mới được quy hoạch, cải tạo lại hệ thống cấp nước. Trong khi nhiều khu vực dân cư đông đúc, có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ lại chưa được lắp đặt các trụ nước chữa cháy. Điển hình như các tuyến đường : Lạch Tray, Tô Hiệu, Đinh Tiên Hoàng, Hồ Xuân Hương, Lê Đại Hành, Nguyễn Bình, Đông Khê, Đình Đông, Dư Hàng, Miếu Hai Xã, Vũ Chí Thắng…Chưa kể việc lắp đặt các trụ nước chữa cháy trên các tuyến đường phố hiện còn tình trạng không thống nhất về chủng loại, kích cỡ họng ra, vị trí lắp đặt  trên vỉa hè, nhiều trụ không bảo đảm yêu cầu nên không sử dụng được. Điều đáng nói, trên địa bàn thành phố còn tình trạng lấy cắp, làm hư hỏng trụ nước chữa cháy, họp chợ bán hàng, che chắn khó khăn cho việc tiếp cận lấy nước chữa cháy.

 

Mặt khác, nguồn nước chữa cháy tự nhiên đang bị thu hẹp và mất dần do quá trình đô thị hóa. Đáng chú ý, hầu hết các sông, ao, hồ trên địa bàn thành phố đều không xây dựng bến lấy nước, cắm biển báo lấy nước cho xe chữa cháy, nguồn nước này lại phụ thuộc vào thủy triều. Do vậy ở một số khu vực, địa bàn dân cư, khi xảy ra cháy việc tiếp cận nguồn nước chữa cháy hết sức khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được. Đây cũng là những nguyên nhân khi xảy ra cháy để lại hậu quả nặng nề.

 

Theo khảo sát của cơ quan chức năng, thành phố có khoảng 450.000m đường phố, theo đó cần  bố trí 3000 trụ nước chữa cháy đô thị theo quy chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, số trụ nước chữa cháy hiện có chỉ đáp ứng 1/10 tiêu chuẩn trên (mới có khoảng 290 trụ nước), và chủ yếu phân bố tại khu vực trung tâm của các quận : Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Kiến An, Hải An, Dương Kinh, An Dương. Hệ thống cấp nước trên được cung cấp nước từ 7 nhà máy sản xuất nước sạch. Như vậy, toàn thành phố còn thiếu khoảng 2750 trụ nước chữa cháy.

 

Để giảm bớt những thiệt hại do cháy gây ra, cùng với quy hoạch hệ thống cấp nước chữa cháy-coi đây là một hạng mục quan trọng trọng  quy hoạch chi tiết khu đô thị, khu công nghiệp, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy. Đầu tư kinh phí để nâng cao chất lượng nguồn nước chữa cháy đáp ứng yêu cầu hiện nay. Thường xuyên kiểm tra nguồn nước chữa cháy, nhất là các nhà máy nước, mạng lưới trụ nước chữa cháy, các điểm lấy nước ao, hồ, sông, kênh, mương trên địa bàn thành phố.

 

Thủy An

Đọc thêm