Thỉnh Cụ Rùa lên bờ để chữa trị bằng thảo dược?

TS Bùi Quang Tề - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, đưa ra đề xuất, phải nhanh chóng làm bể tạm nuôi dưỡng bệnh cho Cụ Rùa. Cụ Rùa cần được khử trùng ngoài da bằng thuốc..., trị bệnh nhiễm trùng bằng thảo dược có kháng sinh.

Hình ảnh Cụ Rùa nổi lên mặt hồ với những vết thương trên mình và tình trạng sức khỏe ngày một xấu đi đã khiến cho nhiều người dân Việt Nam lo lắng. Sáng qua, các nhà khoa học cùng Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội bàn cách cứu chữa cho Cụ Rùa - một linh vật sống thiêng liêng và quý hiếm của đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Trị bệnh nhiễm trùng bằng thảo dược

Rùa Hoàn Kiếm hay Rùa Hồ Gươm, còn được người dân gọi một cách tôn kính là Cụ Rùa, luôn thu hút được sự quan tâm không chỉ của các nhà khoa học, phương tiện thông tin đại chúng mà của đại bộ phận người dân Việt Nam. Hình ảnh Cụ Rùa nổi lên mặt hồ với những vết thương trên mình và tình trạng sức khỏe đang ngày một xấu đi.

dgdh
Nhiều vết thương trên thân thể Cụ Rùa đang cần được chữa trị

Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Khôi, chuyên gia nuôi và nghiên cứu về động vật rùa đưa ra ý kiến: “Cụ Rùa đang có thương tích nhưng không phải trọng bệnh. Nguyên nhân là do các vật rắn, sắc nhọn đâm vào gây trầy xước. Thứ hai là trên người Cụ có rất nhiều nấm vì về mùa rét, tất cả các loài rùa, ba ba đều có nấm trên thân và trùng đỉa bám”.

Trong những năm qua, Hà Nội đã thực hiện hút thử nghiệm khoảng 1.000 m2 bùn. Ưu điểm của giải pháp này là hút bùn mà không gây xáo trộn nhiều đến các hệ sinh thái có trong hồ. Tuy nhiên, vẫn còn có một số nhược điểm mà giải pháp này chưa khắc phục được như thiết bị chỉ hút được bùn mà không loại được dị vật như gạch, đá, bê tông, sành sứ, chai lọ thủy tinh, cành cây, sắt thép... có trong hồ. Trong khi đó, những dị vật này mới chính là thứ cần phải loại bỏ khỏi hồ.

Thu hết các vật cứng, sắc nhọn quanh và trong lòng hồ, truy bắt những kẻ câu trộm rùa là việc chúng ta phải làm ngay. Song song với đó là đổ cát vào lối lên bãi của Tháp Rùa. Chắc chắn khi hết vật rắn và có cát, Cụ Rùa sẽ bò lên phơi nắng. Gặp nắng, nấm và trùng đỉa bám trên Cụ Rùa sẽ dần bị loại bỏ.

Việc chữa trị các vết thương cho Cụ Rùa không thể chậm trễ. TS Bùi Quang Tề - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, đưa ra đề xuất: Phải nhanh chóng làm bể tạm nuôi dưỡng bệnh cho Cụ Rùa. Bể này có dung tích khoảng 4.000m3. Cụ Rùa cần được khử trùng ngoài da bằng thuốc, gồm: Nước ô-xy già, cồn i-ốt, thuốc tím để rửa vết thương, bôi thuốc mỡ kháng sinh diệt vi khuẩn gây bệnh, thuốc trị bệnh nhiễm trùng bằng thảo dược có kháng sinh (tỏi, sài đất, nhọ nồi).

Để việc chữa bệnh có thêm hiệu quả, cần đưa Cụ Rùa lên cạn để xử lý đồng bộ các vết loét một cách triệt để, xử lý môi trường trong hồ (nạo vét bùn, xử lý nước). Việc xử lý ngay trong nước hồ rất tốn kinh phí, lại kém hiệu quả và dễ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái do sự có mặt của thuốc, hóa chất.

Điểm lưu ý là khi đưa Cụ Rùa lên cạn, cần hạn chế các yếu tố gây stress, giữ nhiệt độ thích hợp, giữ sạch, ẩm cho Cụ, hạn chế lượng người thăm nom gây hoảng loạn, sợ sệt. Thời gian để Cụ Rùa trên cạn để xử lý vết thương tối thiểu là 5-7 ngày mới đủ một liệu trình xử lý vết thương.

Nhanh chóng làm sạch môi trường sống của Rùa

Về vấn đề rùa tai đỏ, theo các chuyên gia thì loài rùa này không thể gặm được cơ thể Cụ Rùa nhưng nếu Cụ thường bị hoại tử thì chắc chắn rùa tai đỏ sẽ nhằm vào đây mà ăn và góp mặt cùng rùa tai đỏ còn có cá chép, cá trê, cá rô phi.

Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định: Không thể không loại trừ rùa tai đỏ ra khỏi hồ Hoàn Kiếm bởi chúng rất có hại. Phương pháp bắt rùa tai đỏ được Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất bao gồm: Bắt bằng lồng đặt chìm dưới nước; dùng bè nổi có mồi dẫn dụ và lưới. Các thiết bị bắt rùa tai đỏ yêu cầu phải hiện đại, không gây vẩn đục, không ảnh hưởng đến Cụ Rùa và hệ động thực vật thuỷ sinh trong hồ, đảm bảo mỹ quan, dễ thao tác.

Theo PGS.TS.Hà Đình Đức, cùng với việc bắt rùa tai đỏ đang sống trong hồ Gươm, chúng ta cần ngăn chặn ngay việc tăng số lượng của loài rùa này thông qua việc vận động người dân không phóng sinh rùa tai đỏ và các sinh vật ngoại lai khác xuống hồ Gươm. Không chỉ thế, cơ quan chức năng cần xử lý theo đúng pháp luật đối với hành vi vi phạm về việc quản lý các loài ngoại lai; điều tra khảo sát các khu vực có khả năng là bãi đẻ của rùa tai đỏ để tiêu diệt.

Các cơ quan cần kiểm tra hệ thống thoát nước thải của Nhà hàng Thủy Tạ, Nhà hàng Hapro sát mép hồ, kiểm tra hệ thống điện và nước nối với Đền Ngọc Sơn và hệ thống điện dẫn ra Tháp Rùa. Cùng với đó, phải tiến hành ngay việc làm cống có hệ thống cửa đóng mở luân chuyển nước hồ trong mùa mưa để cải tạo chất lượng nước hồ đã tồn động từ hàng trăm năm nay; phải hút bùn 0,5m để hồ có độ sâu trung bình 1,5m vào mùa khô. Còn có ý kiến là phải thả bèo tây trang trí như những cánh hoa để làm sạch nước, sau một thời gian sẽ bỏ đi.

Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, dù muốn hay không, cá thể rùa Hồ Gươm hiện nay cũng sẽ chết vào một lúc nào đó. Bởi thế, song song với việc chữa bệnh cho Cụ Rùa, những nghiên cứu về giống loài này tại Việt Nam cần phải tiếp tục và tìm ra kinh phí để bổ sung và hồ một số cá thể mới, nhằm duy trì nòi giống và quỹ gien của chúng.

Bất kỳ một di tích hay một danh lam thắng cảnh nào đó có linh thiêng, tôn quý đến đâu cũng cần có thời gian trùng tu, sửa chữa, cải tạo. Theo cái lý này, chúng ta không nên quá câu nệ vào sự nhạy cảm của khu vực hồ Gươm mà chần chừ trong việc triển khai kế hoạch chữa vết thương cho Cụ Rùa, bắt rùa tai đỏ, nạo vét bùn, thu nhặt vật cứng... 

Thùy Dương

Đọc thêm