Thọ Nghiệp năng động phát triển kinh tế

Thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân phát huy truyền thống thâm canh, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế xã hội. Nhờ đó, nhiều năm liền năng suất lúa của xã đạt 115 tạ/ha, diện tích sản xuất vụ đông trên đất hai lúa với các loại cây trồng chủ yếu là: đậu tương, bí xanh và rau màu được duy trì ổn định.

Thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, những năm qua, Đảng uỷ, UBND xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân phát huy truyền thống thâm canh, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế xã hội. Nhờ đó, nhiều năm liền năng suất lúa của xã đạt 115 tạ/ha, diện tích sản xuất vụ đông trên đất hai lúa với các loại cây trồng chủ yếu là: đậu tương, bí xanh và rau màu được duy trì ổn định. Các mô hình chăn nuôi tập trung theo quy mô gia trại ngày càng phát triển, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 320-350 tấn/năm, sản lượng cá nước ngọt đạt trên 200 tấn/năm, giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác đạt 75 triệu đồng/ha/năm. Ngoài sản xuất nông nghiệp, xã tập trung chỉ đạo phát triển đa dạng các ngành nghề bằng việc tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách. Đến nay, Thọ Nghiệp đã trở thành “xã đa nghề” với các nghề: mộc gia dụng, nề, cơ khí, thêu ren xuất khẩu, vận tải hành khách... Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết,  nghề vận tải hành khách ở Thọ Nghiệp bắt đầu manh nha hình thành từ những năm Pháp thuộc. Thời đó, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, một số người dân xã Thọ Nghiệp đã phải phiêu dạt lên Hà Nội làm nghề đạp xích lô để mưu sinh. Đến những năm 1990 ở Thọ Nghiệp đã hình thành một “đội quân” chuyên làm nghề đạp xích lô với số lượng hàng trăm người hành nghề tại Hà Nội.  Từ năm 2005, người dân Thọ Nghiệp đạp xích lô tại Hà Nội bắt đầu chuyển sang nghề lái taxi và nhanh chóng hoà nhập, trở thành những thợ lái chuyên nghiệp, với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. Với xuất phát điểm chỉ là đóng tiền thế chấp và lái thuê cho các hãng taxi lớn, sau một vài năm tích cóp, vay mượn thêm, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua lại xe của hãng hoặc đầu tư xe rồi thuê thương hiệu để hành nghề. Theo số liệu thống kê của UBND xã, đến nay toàn xã Thọ Nghiệp đã có trên 200 xe taxi tư nhân với các loại xe 4-7 chỗ ngồi đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Đội ngũ lái xe taxi đã phát triển lên gần 500 người chủ yếu tập trung ở các xóm 18, 19, 20, 21… Toàn xóm 18 có 190 hộ thì đã có gần 130 hộ có người lái taxi hoặc có xe taxi riêng. Vài năm gần đây, thu nhập của nghề lái taxi đã được cải thiện với mức thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng nên nhiều hộ đã có điều kiện trả hết nợ, xây nhà, mua sắm tiện nghi sinh hoạt hiện đại. Ngoài số lượng xe đang hoạt động ở thành phố Hà Nội, ở xã Thọ Nghiệp còn có 1 Cty taxi với gần 100 đầu xe đang hoạt động chủ yếu trên địa bàn thành phố Nam Định là Cty TNHH Thương mại và Du lịch Thiên Vương. 

Làng quê xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường).  Ảnh: Dương Đức
Làng quê xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường).
Ảnh: Dương Đức

Cùng với nghề xây dựng, mộc gia dụng được coi là nghề truyền thống của người dân Thọ Nghiệp với những sản phẩm chủ yếu như: giường, tủ, bàn ghế…, đáp ứng được nhu cầu của người dân trong và ngoài xã. Nghề mộc gia dụng đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 100 lao động địa phương. Từ năm 2000 trở lại đây, nhiều gia đình đã giàu lên nhanh chóng nhờ tập trung đầu tư phát triển nghề mộc truyền thống. Năm 2005, anh Trần Tiến Thơ (xóm 10) đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng trên diện tích 2 mẫu và thành lập Cty TNHH chế biến lâm sản Vinh Quang để phát triển nghề mộc. Để ổn định sản xuất, Cty đã thường xuyên nhập nguồn nguyên liệu nhập từ Lào, In-đô-nê-xi-a để sản xuất các sản phẩm gia dụng như giường, tủ, bàn, ghế, cánh cửa… Bên cạnh đó, Cty còn nhận sản xuất các sản phẩm tinh xảo phục vụ các công trình văn hoá - lịch sử, trong đó có một số công trình nổi bật là: Chùa Một Cột (TP Hồ Chí Minh), đền thờ Côn Đảo… Hiện nay, Cty đang tạo việc làm cho trên 30 lao động ở địa phương, với thu nhập ổn định 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài Cty Vinh Quang,  toàn xã hiện có 15 xưởng mộc gia dụng, mỗi cơ sở tạo việc làm cho 5-7 lao động, với mức thu nhập bình quân 80 nghìn đồng/người/ngày.

Để phát triển kinh tế theo hướng bền vững, xã Thọ Nghiệp đã chú trọng tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính nguồn vốn, thuế, mặt bằng để khuyến khích các cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, thành lập Cty, doanh nghiệp tư nhân (DNTN)… Đồng thời, xã đã tín chấp với các ngân hàng để hàng trăm hộ được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất với tổng số tiền vay trên 41,3 tỷ đồng. Nhờ các chính sách ưu đãi của địa phương, đến cuối năm 2010, toàn xã đã có 8 Cty TNHH, DNTN được thành lập mới và hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: xây dựng, chế biến lâm sản, vận tải…, trên 20 tổ hợp cơ khí, mộc, nề, 5 xe tải, 3 xe khách và trên 200 xe taxi… Năng động phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Thọ Nghiệp đã được cải thiện đáng kể, số hộ giàu tăng nhanh, số hộ nghèo giảm. Các công trình phúc lợi như: điện-đường-trường-trạm được chú trọng đầu tư xây dựng. Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp kết hợp với năng động phát triển ngành nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, bộ  mặt nông thôn ở Thọ Nghiệp đang từng bước phát triển, tạo tiền đề để địa phương xây dựng thành  công mô hình nông thôn mới./.

Thành Trung

Đọc thêm