Thổ Nhĩ Kỳ bắt hơn 50 quan chức quân đội âm mưu đảo chính

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, hơn 50 viên tướng quân đội nước này đã bị cảnh sát bắt giữ vì có liên quan tới một âm mưu đảo chính nhằm chống lại chính phủ thân Hồi giáo. Trong cuộc họp báo nhân chuyến thăm chính thức Tây Ban Nha, ông Erdogan xác nhận: “Sáng nay, các lực lượng an ninh của chúng tôi đã bắt đầu tiến trình bắt giữ”.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, hơn 50 viên tướng quân đội nước này đã bị cảnh sát bắt giữ vì có liên quan tới một âm mưu đảo chính nhằm chống lại chính phủ thân Hồi giáo. Trong cuộc họp báo nhân chuyến thăm chính thức Tây Ban Nha, ông Erdogan xác nhận: “Sáng nay, các lực lượng an ninh của chúng tôi đã bắt đầu tiến trình bắt giữ”.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) trong chuyến thăm Tây Ban Nha Ảnh: AP  

Nguồn tin từ đài CNN Thổ Nhĩ Kỳ và kênh truyền hình NTV tiết lộ, cảnh sát tham gia các chiến dịch đồng thời tại 8 thành phố đã bắt giữ 21 vị tướng, trong đó có cựu Tư lệnh Không quân Ibrahim Firtina, cựu Tư lệnh Hải quân Ozden Ornek. Nhiều quan chức cấp cao đã về hưu và còn đang đương chức trong quân đội cũng bị bắt giam ở Istanbul và đang bị hỏi cung. Tư lệnh quân đội Ilker Basbug cũng đã phải hủy chuyến thăm Ai Cập vì vụ việc này.

Vụ bắt giữ các tướng lĩnh quân đội nói trên được cho là có liên quan tới một âm mưu của quân đội nhằm đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào tình trạng hỗn loạn chính trị để mở đường cho một cuộc đảo chính chống đảng AKP cầm quyền từ năm 2003. Theo kế hoạch mang tên “Búa tạ”, nhóm đảo chính sẽ đánh bom hai nhà thờ Hồi giáo ở Istanbul, và gây căng thẳng với Hy Lạp bằng việc khiêu khích, buộc máy bay quân sự Hy Lạp bắn rơi một máy bay Thổ Nhĩ Kỳ trên biển Aegean.

Tuy nhiên, Tư lệnh quân đội Basbug đã mô tả thông tin trên là “chiến dịch tâm lý nhằm bôi nhọ quân đội”, và cảnh báo nguy cơ đối đầu giữa các thể chế ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dầu nguyên nhân cụ thể của vụ bắt giữ mới nhất nói trên chưa được công bố, song một số nguồn tin cho rằng, những người bị bắt giữ có chữ ký giống các chữ ký trong các tài liệu liên quan đến âm mưu đảo chính.

 Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã kịch liệt bác bỏ những cáo buộc trên. Trong khi đó, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan - người nhậm chức kể từ năm 2003 - đã hoan nghênh các vụ bắt giữ và cho biết vụ việc đã được chuyển lên tòa án. Hiện tại, cả ông Ibrahim Firtina và ông Ozden Ornek cũng đều đang hầu tòa vì bị tình nghi dính líu với mạng lưới chống chính phủ Ergenekon. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc điều tra nhóm Ergenekon từ năm 2007, tuy nhiên sau đó cuộc điều tra bị mất uy tín do cảnh sát bắt giữ một số nhà báo, học giả thường xuyên chỉ trích Đảng AKP. Nhiều nghi can tố cáo cảnh sát làm giả bằng chứng để cáo buộc họ. Trong khi đó, những người phản đối chính phủ nghi ngờ vụ đảo chính này là do những người ủng hộ Đảng AKP dựng lên để chống lại quân đội, nhằm gạt bỏ một rào cản lớn trong kế hoạch biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một nhà nước Hồi giáo.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, vốn xem mình là người sáng lập đất nước, đã 4 lần lật đổ chính phủ kể từ năm 1960. Nhưng những điều kiện của các cuộc đàm phán gia nhập EU gần đây khiến quân đội giờ đây ít có khả năng hạ bệ các chính trị gia được bầu.

BĂNG CHÂU

Đọc thêm