Thơ Thiền Việt Nam (Bài 14): Thiền sư Hương Hải và phương châm đắc ý “Vô tâm”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Vô tâm" là phương châm rất tâm đắc của Hương Hải. Hình ảnh đẹp nhất về vô tâm là hình ảnh chim nhạn mà ông đã trình bày cho vua Lê Dụ Tông nghe, khi nhà vua hỏi về thâm ý của đạo Phật.
Thiền sư Hương Hải là người đã có công chấn hưng thiền phái Trúc Lâm.
Thiền sư Hương Hải là người đã có công chấn hưng thiền phái Trúc Lâm.

Nói về Thiền sư Hương Hải, Hòa thượng Thanh Từ viết: “Tông phong của sư còn thạnh mãi mấy đời về sau. Chùa Nguyệt Đường là một thiền lâm lớn nhất trong nước. Sư là người gây âm hưởng của dòng thiền Trúc Lâm được vang lên trong khoảng mấy trăm năm chìm lặng”.

Những câu chuyện kỳ bí về Thiền sư Hương Hải

Cuộc đời và sự nghiệp tu hành của Thiền sư Hương Hải phần lớn được biết thông qua cuốn sách “Kiến Văn Tiểu Lục” của Lê Quý Đôn. Ngài vốn là người làng Áng Độ huyện Chân Phúc (giờ là huyện Nghi Lộc) tỉnh Nghệ An. Được biết, ông tổ 4 đời của Thiền sư là Khởi nghĩa kiệt tiết công thần Trung Lộc Hầu, theo phò Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ miền Nam từ giữa thế kỷ thứ XVI.

Thiền sư Hương Hải đã sinh vào năm 1628. Ngay từ thuở nhỏ, Ngài đã tỏ ra là người có tư chất thông minh, năm 18 tuổi đã thi đỗ Hương tiến (Cử nhân). Sau đó, Ngài được chọn làm Văn chức trong phủ chúa Nguyễn. Sau lại được bổ đi làm Tri phủ phủ Triệu Phong (nay là tỉnh Quảng Trị).

Năm Sư 25 tuổi rất hâm mộ Phật pháp nên tìm vào học đạo với Thiền sư Viên Cảnh ở Lục Hồ. Được Thiền sư đặt pháp danh là Huyền Cơ Thiện Giác, pháp tự Minh Châu Hương Hải. Sau, Sư lại tìm đến Thiền sư Đại Thâm Viên Khoan để tham học.

Hơn ba năm sau, khi 30 tuổi Ngai từ quan, xin xuất gia, rồi dong thuyền ra biển Nam Hải trụ trên ngọn núi Tim Bút La, cất ba gian nhà tranh ở tu. Ở đây, Sư chuyên tu thiền định và gìn giữ giới luật tinh nghiêm được hơn 8 tháng. Gần đó có biển tên là Ngọa Long Hải và cù lao Đại Lãnh, hai nơi này ít người đi đến, là chỗ hang ổ của ma quái. Chúng ma đã nhiều lần kéo đến làm ngăn trở sự tu hành của Sư, mà tâm Sư vẫn không lay động.

Một đêm vào lúc canh hai, những đồ đệ của Sư bỗng trông thấy một con ma lớn đen sì cao chừng hai trượng (8 th) sồng sộc chạy vào, một lúc rồi biến đi đâu mất. Đến cuối canh ba, bỗng có một con rắn lớn bò đến quấn chặt mình Sư, Sư không cựa động được, cố nhích mình lần tới bàn Phật, niệm chú thần đao, một lát con rắn ấy biến mất.

Thời gian Thiền sư ở đảo này khoảng chục năm, tiếng tăm tu thiền của ông được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, Ngài lại bị chúa Nguyễn nghi ngờ có ý muốn về phương Bắc nên đã từng bắt và tra tấn, tuy nhiên, do không có bằng chứng nên đưa Thiền sư về Quảng Nam.

Hình ảnh chim nhạn xà mặt nước được Thiền sư Hương Hải dùng để nói về ý Phật với vua Lê Dụ Tông.

Hình ảnh chim nhạn xà mặt nước được Thiền sư Hương Hải dùng để nói về ý Phật với vua Lê Dụ Tông.

Tháng 3/1682, sư đã ra đến đàng ngoài và được chúa Trịnh Tác sai người đem thuyền đi đón về kinh. Chúa Trịnh sau đó sai đưa sư về trấn Sơn Nam đồng thời ra lệnh đo ba mẫu đất công cất am cho sư. Tại đây sư đã có chỗ yên thân nên tu hành càng tinh tấn và đã chú giải các kinh chữ Hán ra chữ Nôm được 30 thiên đem khắc bản ấn hành.

Danh tiếng và đạo hạnh của sư vang lừng khắp nơi nên người đến học hỏi đạo pháp rất đông. Số học trò tinh thôn kinh luật đến hơn 70 người.

Người đời còn lan truyền về tài năng chữa bệnh của Thiên sư, như chuyện Thuần quận công trấn thủ Quảng Nam có bà vợ đau đã lâu mà không trị lành, nghe danh tiếng của Sư cho người đến rước. Sư lập đàn tụng kinh bảy ngày đêm thì bệnh bà lành. Cả nhà đều kính phục, đồng xin qui y với Sư. Xong việc, Sư trở lại đảo Tim Bút La.

Hơn nửa năm sau, quan Tổng thái giám là Hoa Lễ Hầu ở Quảng Nam mắc bệnh lao đã ba năm, nghe danh Sư cho thuyền ra đón về trị hộ. Sư về lập đàn Đại sám hối trong vòng mười ngày bệnh được khỏi. Hoa Lễ Hầu về Thuận Hóa đem việc đó kể lại cho Dũng quốc công Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền 1648-1687) nghe. Quốc Công ngưỡng mộ sai sứ ra thỉnh Sư về doanh phủ. Quốc Công ra cửa đón Sư vào, thăm hỏi và luận bàn đạo lý rồi lập Thiền Tĩnh Viện ở núi Qui Kính mời Sư trụ trì.

Giới luật cao nhất là sự “Vô tâm”

Năm 1700, sư rời trấn Sơn Nam về mở đạo tràng ở chùa Nguyệt Ðường (thuộc tổng An Tảo, huyện Kim Ðộng, phủ Khoái Châu; nay thuộc tỉnh Hưng Yên) cốt để phục hưng phái thiền Trúc Lâm đã có từ thời Nhà Trần.

Vua Lê Dụ Tông có lần đón sư về kinh, vời vào nội điện để lập đàn cầu tự và thuyết pháp. Vua rất tôn kính sư, thường hỏi sư về phương pháp tu. Có một lần, vua Lê Dụ Tông hỏi Thiền Sư Hương Hải :”Như thế nào là ý Phật và ý Tổ?”. Sư trả lời:

“Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàn thủy

Nhạn vô di tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm”.

Dịch nghĩa:

“Nhạn bay ngang trời

Bóng chìm đầm lạnh

Nhạn không có ý để lại dấu tích

Nước không có ý lưu giữ bóng hình”.

Tinh thần Thiền Việt Nam là tinh thần trực chỉ, tức chỉ thẳng nên Ngài nhấn mạnh trức tiếp cho vua Lê Dụ Tông. Từ hình ảnh con chim nhạn bay qua trên không dài, bóng nó chìm ở trong nước; con chim nhạn không cố ý lưu bóng trong hồ, mặt nước cũng không cố ý nắm giữ hình bóng con chim nhạn. Cũng vậy, các pháp qua tâm chúng ta như bóng chim nhạn, nó không cố ý lưu giữ trong tâm ta, nó đến thì ta hãy đón nhận mà không chờ đợi, không mong muốn, không trước ý, nó đi thì tâm ta lại rỗng rang, trống không.

Đúng ra, tâm của ta cũng không cố ý nắm giữ các pháp ấy, nhưng tại sao chúng ta chúng ta cứ ôm tham, ôm sân vào để đau khổ vậy? Ngày nào cũng bắt con “chim nhạn” nhét vào tâm là sao? Như vậy là ta sống sái với định luận của nhiên giới, sái với định luật của tâm giới. Chỉ khi không còn vướng bận với mọi sự thường tham sân si... ở đời, khi người tu hành thực sự “vô tâm” thì khắc sẽ đắc đạo.

“Vô tâm” là phương châm rất đắc ý của Hương Hải Thiền sư. Theo Thượng tọa Thích Nhất Hạnh trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì tư tưởng thiền của Thiền sư Hương Hải thì giới luật cao nhất là sự “vô tâm”. Giữ được trạng thái “vô tâm” thì phiền não sẽ không có chỗ để nương tựa. Vô tâm vì thế sẽ là bí quyết của sự giác ngộ.

“Vô tâm” không phải là sự hờ hững thiếu chú ý. “Vô tâm” là cái thấy sáng suốt, không mắc kẹt bởi tư kiến và tư dục, không kỳ thị phân biệt; cái thấy không còn bị khuynh hướng nhị nguyên điều khiển. Ðối với cái thấy ấy thì không còn có sự phân biệt chủ thể và đối tượng, tâm và cảnh, mê và ngộ, có và không. Mở mắt mà nhìn thực tại với cái tâm “vô tâm” ấy thì giây phút nào cũng là giây phút giác ngộ, nơi nào cũng là Phật.

Chúng ta lại một lần nữa thấy được tông chỉ của Thiền Trúc Lâm được Ngài nêu cao trong khi dạy đại chúng: “Nếu biết quay ánh sáng soi lại nơi mình, ngay ngoại cảnh mà trực nhận tự tâm, thì Phật nhãn sáng suốt, bóng nghiệp tự tan, pháp thân hiện tiền, những vết trần tự rỗng. Ta phải dùng lưỡi dao trí của tâm tự giác mà rạch lấy tâm châu. Phải dùng mũi giáo tuệ chặt đứt lưới kiến chấp muôn đời. Ấy chính là tông chỉ cùng trực thuyết vậy.” (Hương Hải Thiền Sư Ngữ lục)

Tinh thần đạo Phật là tinh thần nhập thế, dòng thiền Trúc Lâm là dòng thiền nhập thế. Tinh thần của đạo Phật nói chung và tinh thần của thiền phái Trúc Lâm đều không câu nệ dân tộc, mầu da và các đẳng cấp.

Đọc thêm