Thơ Thiền Việt Nam (Bài 15): Triết lý cuộc đời qua bài kệ “Hữu không” của Thiền sư Từ Đạo Hạnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bài “Hữu không” của Thiền sư Từ Đạo Hạnh viết cách ta cả gần ngàn năm trước, là thơ thiền, nhưng rất trữ tình, hình tượng lớn lao, xúc cảm sâu xa lạ thường.
 Tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Bài kệ như một lời răn dạy cho những người học Phật, khi đã khởi tâm theo đạo thì hãy tu tập cho ra hồn, cho tới nơi tới chốn, ích dụng và lợi lạc cho cuộc đời.

Nhà thơ thiền thâm hậu độc đáo

Từ Đạo Hạnh (1072 – 1116) còn có tên là Từ Lộ, tục gọi là đức Thánh Láng, một thiền sư người Việt thời nhà Lý. Cuộc đời ông được ghi lại dưới nhiều mầu sắc huyền thoại. Trước khi truyền thuyết về Liễu Hạnh phổ biến, ông còn được liệt vào hàng thánh nổi tiếng mà tín ngưỡng Việt Nam – gọi là Tứ bất tử.

Theo cư sĩ Nguyễn Đức Sinh, lâu nay hậu thế viết về Thiền sư Từ Đạo Hạnh đều đã nói nhiều về cuộc đời, những huyền thoại và đóng góp to lớn của ông cho triều đình nhà Lý và dân tộc. Bên cạnh đó, Thiền sư còn để lại cho nền Phật giáo Việt Nam nhiều áng thơ thiền đặc sắc.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh không chỉ là người luôn nuôi trí lớn, hiếu học mà còn ham thích văn hóa, nghệ thuật, thể thao và các trò vui chơi dân giã. Ông là một người đa tài.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã để lại cho đời Năm bài thơ, “đều là những tác phẩm giãi bày triết lý đạo Thiền” đó là các bài Vấn Kiều Trí Huyền (Hỏi Kiều Trí Huyền), Thất châu (Mất hạt châu), Hữu không (Có và không) Thị tịch cáo đại chúng (Sắp mất bảo mọi người) và tác phẩm Giáo trò.

Bài Hỏi Kiều Trí Huyền, theo các nhà Phật học, có lẽ ông viết khi chưa đắc đạo, nên lời thơ bộc lộ nỗi băn khoăn đau khổ cùng lòng mong mỏi của một người đi kiếm tìm chân lý Phật giáo.

Qua bài thơ, biết Từ Đạo Hạnh đã phải trăn trở, day dứt nhiều ngày “giữa cõi trần”, để tìm tới chân lý ở cõi chân như. Và đến bài Mất hạt châu, thì ông đã nhận biết được chân lý. Nhưng, ông lại thấy buồn cho người đời không mấy ai đạt tới cái chân lý ở ngay giữa đời qua bài Mất hạt châu.

Theo quan điểm của thiền sư, ở đời này, “có” và “không” như ánh trăng dưới nước.Theo quan điểm của thiền sư, ở đời này, “có” và “không” như ánh trăng dưới nước.

Triết lý “Có” và “Không” trong tư tưởng tu hành của Đạo Hạnh thiền sư

Trên thực tế, có nhà nghiên cứu văn học thời Lý đã tìm hiểu, sưu tầm nghiên cứu văn học thời Lý nhưng đến nay mới tìm thấy được 126 bài thơ hoặc văn đời Lý. Nếu tính cả triều Lý dài 216 năm đem so sánh, thì Từ Đạo Hạnh để lại 5 bài thơ đến hôm nay là rất quý hiếm. Hơn thế, trong số đó, bài Hữu không là một bài thơ thật hay trong kho tàng thơ ca dân tộc.

Bài thơ có nội dung như sau:

“Tác hữu trần sa hữu,

Vi không nhất thiết không.

Hữu, không như thủy nguyệt,

Vật trước hữu không không”

Bản dịch của Hòa thượng Thanh Từ:

“Có thì muôn sự có

Không thì tất cả không

Có, không trăng đáy nước

Đừng mắc có cùng không”.

Bản dịch trong Thơ văn Lý Trần (tập I), NXB Khoa học xã hội, 1977:

“Bảo là “có”, thì nhỏ nhoi như hạt bụi cũng có

Bảo là “không”, thì tất cả (thế gian) đều không

“Có” và “không” như ánh trăng dưới nước

Đừng có bám hẳn vào cái “có” cũng đừng cho cái “không” là không”.

Theo Hòa thượng Giới Đức Với hai bản dịch thì bài đầu nghiêng về thơ, bài sau nghiêng về kệ; và gốc của nó là do có người hỏi về Phật tâm – và thiền sư đã đọc lên 4 câu kệ ấy, nhằm khơi mở thế giới “Phật tâm”. “Phật tâm” là cái gì luôn bị che khuất bởi khái niệm ngôn ngữ. Bài kệ này thì các học viện, nhà chùa giảng rất kỹ. Phạm trù “có không” ấy bàng bạc trong chư kinh, chư giáo, thiền thoại, ngữ lục... chúng ta không cần thiết phải mang ra đây để làm chứng liệu nữa.

Qua bài kệ ta có thể thấy, Tâm ý khởi có là nó “có”, khởi không là nó “không”. “Cả có cả không đều có cả” trong thế giới tục đế, trong tương quan giữa mình và cuộc đời, khi ta biết quan sát và chiêm nghiệm.

Khi ta đã khởi niệm có rồi - thì vô lượng cái có sẽ duyên khởi theo. Đấy là định luật, khởi có là nó có – có cái này thì có cái kia - có với tham sân si, phiền não. Ví như một người là cư sĩ có tu định, tu tuệ, có tấm lòng, biết cảm thông ra đường bị xe va đụng thì người ấy sẽ chánh niệm đứng dậy, xem vết thương, nó có đau thật, nhưng lại nghĩ: “Ai cũng có lúc sơ ý, bất cẩn! Lại nữa, biết đâu người ta đang có việc bức xúc gì đó trong gia đình, bạn bè hay công sở nên thiếu tỉnh táo mà sinh ra chuyện. Thôi, xả đi, bỏ qua cho người ta”.

Thế rồi, vị cư sĩ mỉm cười, nói với người kia: “Anh đừng lo, không sao đâu, vết thương nhẹ thôi mà. Anh hãy đi đi kẻo trễ công, trễ việc!” Đấy là trường hợp ta khởi ý không, không có gì – không có cái này thì không có cái kia thì toàn bộ câu chuyện chấm dứt, phiền não không sanh khởi cho mình cũng như cho người. Lại còn có cái đoá hoa pháp thơm tho vừa nở trong tâm là mình vừa thể hiện chút ít tâm xả, tâm từ, tâm bi – và năng lương mát mẻ an an lành ấy nó lan toả ra xung quanh môi trường sống thì cao quý và tốt đẹp biết bao nhiêu?

Qua câu chuyện ấy, ví dụ ấy, người học Phật có thể đem “thiền ý” ấy áp dụng trong việc tu tập của mình. Khi khởi tâm hữu vi thì hữu vi cho ra hồn, cho tới nơi tới chốn, ích dụng và lợi lạc cho cuộc đời. Khi khởi tâm vô vi thì phải vô vi cho rốt ráo, làm cho mình không dính mắc công danh, lợi lộc và cả bản ngã.

Đây là bài kệ dạy cho chúng đồ phải nắm bắt cho được lý duyên khởi, khởi có là nó có, khởi không là nó không. Do vậy, coi chừng, chúng ta càng sính văn chương chữ nghĩa chừng nào thì càng đánh mất ý thiền, ý giáo pháp bên trong chừng đó. Có người lại còn lấy phạm trù hữu, vô của Trung triết mà bình thì lại hỏng. Lấy vật lý lượng tử, sóng và hạt mà bình giảng cho thích hợp với khoa học lại càng trật nữa.

Tiếp theo, câu ba đưa ra hình ảnh trăng trong nước để ví cho cái có cái không ở trên. Cũng vậy, nói trăng có, nó “có” thật đấy. Nói trăng không, nó “không” thật đấy! Hai mặt nhị nguyên của thực tại ấy tuỳ thuộc ý niệm, chỗ lập tri của con người. Và câu 4, là cái câu quan trọng nhất, chỉ cho người ta thấy được Phật tâm. Ai chưa hiểu ẩn ý ấy, không bám sát ngữ nghĩa của nó thì đều giảng giải sai lầm, nằm một phía, một chiều cả. Đôi khi lại lấy mộng huyễn bào ảnh của kinh Kim Cang ra mà giảng thì sẽ không nhằm chỗ.

Hòa thượng Giới Đức cho rằng, câu này chỉ có nghĩa đơn giản là: Do vậy, cái có và cái không kia đều có cả (khi khởi niệm có, khi khởi niệm không) đừng tưởng nó là không có, đừng tưởng nó là không hoa bất thực. Chữ và nghĩa của nó rất rõ ràng: Vật trước (chớ chấp trước) cái có, cái không (hữu, không) là không.

Và đấy cũng là vọng âm ngàn đời từ trong kinh Phật Tự Thuyết (Udāna), khi đề cập đến lý duyên khởi: “Do cái này có nên cái kia có/ Do cái này không nên cái kia không/ Do cái này sinh nên cái kia sinh/ Do cái này diệt nên cái kia diệt”.

Và đức Phật còn nói: “Ai thấy duyên khởi tức là thấy Pháp; ai thấy Pháp tức thấy Như Lai!” Thấy Như Lai cũng là thấy “Phật tâm” theo cách nói của thiền sư Từ Đạo Hạnh vậy.

Gửi gắm tới những người có mong muốn tu tập, Hòa thượng Giới Đức nói rằng: Hy vọng rằng, tất cả chúng ta cùng thấy Phật tâm để tu tập, để lên đường đến cõi an vui vô vi sự, giác ngộ, giải thoát.

Đọc thêm