Thơ và lời bình - Chiều 30 Tết

Nguyễn Hưng Hải là một nhà thơ trẻ, quê ở Phú Thọ - Một vùng nông thôn trung du Bắc Bộ đã chưng cất hồn vía đất đai trong thơ anh thật bình dị và cảm động. Ở đó, những con người nông dân hiện lên thật mộc mạc mà hồn hậu, cần cù chịu khó.

Thơ và lời bình - Chiều 30 Tết ảnh 1
 
Nguyễn Hưng Hải là một nhà thơ trẻ, quê ở Phú Thọ - Một vùng nông thôn trung du Bắc Bộ đã chưng cất hồn vía đất đai trong thơ anh thật bình dị và cảm động. Ở đó, những con người nông dân hiện lên thật mộc mạc mà hồn hậu, cần cù chịu khó. Lăng kính của tâm hồn thi sĩ đã đưa vào tiêu điểm cái khoảnh khắc thời gian của chiều 30 tết khi chuẩn bị tiễn năm cũ đi đón giao thừa năm mới tới. Nhịp thơ lục bát giãn ra cái khoảng không gian tạo những phấp phỏng của tâm trạng. Anh viết: “Chiều 30 tết về quê - Mẹ còn chân vấp, nón mê ra đồng - Vội vàng cấy nốt cho xong - Mấy đon mạ mới ở trong sương mù”. Hình ảnh người mẹ đầu đội nón mê lội trong sương giá ra đồng giữa chiều 30 tết cấy những đon mạ mới gợi niềm cảm thông se lại của người con đi xa trở về. Một đời mẹ cho đến ngày tết vẫn chưa hết tất bật, chưa hết lo toan: “Ngày cùng tháng tận bao năm - Còn lo manh áo cái ăn xuân về”. Người mẹ nông thôn Việt Nam là thế. Bao giờ cũng lo xa, cũng lo đến cái ăn cái mặc. Nguyễn Hưng Hải có hai câu thơ rất thần bắt được cái vất vả thật ấn tượng, thật tạo hình ám ảnh khi viết về mẹ: “Một đời cấy mãi chưa xong - Mẹ đi lui đến lưng còng còn lui”. Cấy lúa là đi lui nhưng lui đến lưng còng còn lui là một phát hiện trực giác. Thơ hay thường thế, câu chữ thật bình thường nhưng đặt đúng hoàn cảnh, đúng tâm trạng để đẩy lên thành thảng thốt bất ngờ. Câu thơ võng xuống níu kéo cả chiều 30 tết. Ống kính tâm hồn của nhà thơ khi cận cảnh, khi toàn cảnh tạo ra những điểm nhấn đen trắng xen nhau cả những khoảng mở gợi nhiều liên tưởng. Đây là thủ pháp chồng mờ của điện ảnh. Anh đặt: Mẹ với cánh đồng, cây mạ với mùa màng, chiều 30 tết với cả một năm cũ; cái nhỏ bé bên cái mênh mông rộng lớn nhưng chính nó là hạt nhân lung linh tôn vinh phẩm chất của người lao động. Đó là trữ lượng những trầm tích tình người ấp ủ như mạ non mới nhú, như hạt thóc cựa mầm. Sự sống âm ỉ và chắt chiu: “Đồng quê bóng mẹ vút chìm - Chiều 30 vẫn đi tìm mùa xuân”. Bài thơ mở đầu hiu hắt buồn như cây mạ mới cắm xuống bùn còn run rẩy nhưng mầm sống tỏa lan dần, chính sự vận động cảm xúc của bài thơ làm cho không gian thơ và thời gian tâm trạng sáng dần lên: “Mẹ tin rảnh mạ đang cầm trên tay - Là bình minh của một ngày - Là giao thừa của xưa nay giao thừa”. Chính khoảnh khắc chớp lóe ấy tạo ra gam màu ấm xua tan giá rét. Mẹ không chỉ đi cấy lúa đâu, mẹ đang cấy vào chúng ta những niềm tin, hy vọng về một mùa xuân đang dần đến.
NGUYỄN HƯNG HẢI

Chiều ba mươi Tết

Chiều ba mươi Tết ở quê
mẹ còn chân vấp, nón mê ra đồng
vội vàng cấy nốt cho xong
mấy đon mạ mới ở trong sương mù.

Cánh đồng chia khoảnh, chia khu
vẫn liền chân mạ, vẫn như bao đời
gió ơi, đừng thổi rỗng trời
đồng không ai biết mẹ tôi nhọc nhằn.

Ngày cùng tháng tận bao năm
Còn lo manh áo, cái ăn xuân về
Bao người như mẹ ở quê
Chiều ba mươi vẫn nón mê ra đồng

Một đời cấy hái chưa xong
mẹ đi lui đến lưng còng còn lui
nhẹ nhàng đon mạ ấy thôi
mà bao gồng gánh, khóc cười đăm đăm

Tháng mười vui tới tháng năm
Nào ai gặt hái xa xăm có nhìn
đồng quê bóng mẹ hút chìm
Chiều ba mươi vẫn đi tìm mùa xuân

Cho sang năm hết nợ nần
mẹ tin rảnh mạ đang cầm trên tay
là bình minh của một ngày
là giao thừa của xưa nay giao thừa.
NGUYỄN NGỌC PHÚ

Đọc thêm